Mọi người thường đến Bình Ba là “đảo tôm hùm”, vì nơi đây nổi tiếng là nuôi tôm hùm năng suất cao nhất nước. Những bãi biển tuyệt đẹp lại ít được nhắc tới.
6h30, cái nóng bao phủ ngay khi tôi bước ra khỏi phòng. Không biết những tháng khác thì sao, riêng mùa hè ở đảo thật nắng và nóng. Nắng chói chang, gay gắt đến nỗi hôm đầu tiên lên đảo tôi bị mất khái niệm về thời gian, vì chỉ mới 8h tôi tưởng đã giữa trưa. Nắng rực lên như cố tình tô thêm màu đỏ cho những cây phượng già trên đảo, như muốn phản chiếu ánh sáng lên những bãi cát trắng tinh và soi cả mặt nước biển xanh ngắt. Cảnh vật thật đẹp! Có lần, ông sếp nước ngoài phì cười sau khi biết tôi vừa đi Maldives về. Ông ấy bảo: “Tôi chả hiểu tại sao cô lại tốn một khoản tiền lớn để đến đó. Biển Việt Nam có thua gì”. Càng đi các vùng biển Việt Nam, tôi càng phải thừa nhận ông ấy nói đúng. Biển quê hương mình đẹp thế, sao còn phải đi đâu? Bình Ba thường được gọi “đảo tôm hùm” vì nơi đây nổi tiếng là nuôi tôm hùm năng suất cao nhất nước, nhưng ít ai nói đến bãi biển đẹp tuyệt ở đây. Bản thân tôi không biết phải bắt đầu giới thiệu điều gì về hòn đảo nhỏ này trước, vì với tôi cái gì cũng đẹp, tuyệt, đáng tự hào để nói. Biển xanh trong, nhìn thấy cả đáy. Sản vật tuyệt vời từ những đặc sản nổi tiếng là tôm hùm, đến cả những loại hải sản phổ biến khác. Con người bình dị, thân thương. Cảnh vật yên bình, đẹp đẽ. Có lẽ tôi dành quá nhiều ưu ái cho nơi này, nên trong mắt tôi mọi thứ đều trở nên đáng ca ngợi. Rời khỏi phòng, chúng tôi leo lên bè để dùng điểm tâm và bắt gặp hình ảnh rất đỗi bình dị của những ngư dân trên đảo – họ dùng một chiếc thuyền thúng để đi lưới cá.
Thêm một điều khiến tôi yêu thích đảo Bình Ba chính là con người. Từ anh chị chủ nhà nghỉ đến con trai họ và cả một người bác phụ việc 67 tuổi trên bè, người nào cũng toát lên vẻ bình dị thân thương và lòng hiếu khách. Bác phụ việc bưng bê quét dọn, rửa chén và phụ bếp, tay chân thoăn thoắt, giọng nói sang sảng và kiến thức lịch sử đáng để đám trẻ chúng tôi nể phục.
Anh chủ nhà nghỉ (cũng là chủ bè) chia sẻ, người dân trên đảo này chỉ ăn toàn đồ trên đảo, từ cá, tôm, cua, ốc tự đánh bắt đến thịt trâu, bò, heo, gà được nuôi ở đảo. Đồ từ đất liền đem ra đây bán không ai ăn vì thường nuôi bằng cám tổng hợp và bơm hóa chất. Anh cũng là người nuôi tôm hùm. Anh bảo rằng nuôi tôm hùm còn cực hơn cả nuôi con mọn. Con giống phải mua của những người đi biển từ khi nhỏ bằng cây kim và trong veo. Cứ 100 con thì chết khoảng 30-40 con, chỉ khi tôm tầm 3 tháng, người nuôi mới vơi đi nỗi sợ tôm chết. Thức ăn cho tôm hùm là các loại hải sản băm nhỏ. Ngày nào cũng phải vệ sinh chuồng tôm sạch sẽ, dọn thức ăn thừa, dọn rong rêu. Thế nên công việc hàng ngày của anh là 3h xuống dọn lồng tôm, và cho tôm ăn. Công việc cực nhọc, nhưng lợi nhuận cao nên cũng ổn định được cuộc sống cho người dân trên đảo. Tôm hùm ở đây có năng suất cao và thịt cũng ngon. Có lẽ vì vùng biển ở đảo có độ mặn cao hơn ở nơi khác, nên ở đây có vị đậm đà hơn rất nhiều. Ngoài ra Bình Ba còn rất nhiều loại hải sản khác như sò dẹp, cua huỳnh đế, sò dương, nhum (cầu gai), ốc vú nàng, ốc mặt trăng, cầu gai, hào sữa. Và cũng những loại hải sản ấy, nhưng thịt của chúng lại đặc biệt đậm đà hơn nơi khác Ngoài bãi tắm đẹp, nước trong vắt đến thấy đáy, du khách nên dành thời gian đi quanh đảo để chiêm ngưỡng một số cảnh đẹp như Hòn Rùa.
Một số lưu ý cho những bạn chưa từng đi du lịch Bình Ba – Mua vé đò từ TP HCM đến Cam Ranh (hoặc có thể đi máy bay). – Sau đó đi taxi ra cảng Ba Ngòi để mua vé ra đảo: có thể đi cano (15 phút) hoặc đi thuyền (90 phút). Chú ý là không mua vé trước, vì khi mua vé của chủ cano nào thì bắt buộc phải đi cano đó, nhưng cano ở đây cứ đợi đủ khách là chạy (mình mua vé trước và đợi 2 tiếng mới đi do chưa đủ khách). Cứ đến bến, canh có thuyền hay cano nào đang đón khách thì lên, trả tiền sau. – Nên mang theo giấy tờ tùy thân. – Nhà nghỉ trên đảo rất nhiều, tha hồ chọn. – Phương tiện đi lại: xe điện và xe gắn máy. Mình thuê xe gắn máy. Đđảo nhỏ nên đi gắn máy sẽ tới được khắp nơi để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thế này này. -Chuẩn bị bikini, kem chống nắng, khăn tắm, kính, nón… Bạn là người đam mê du lịch, từng được khám phá nhiều vùng đất của Việt Nam? Bạn có những trải nghiệm thú vị muốn chia sẻ cùng mọi người? Hãy gửi bài viết của bạn về địa chỉ toasoan@news.zing.vn, đặt tiêu đề mail “Cuộc thi bạn đọc chia sẻ du lịch”. Mỗi tuần, 1 bài viết được nhiều người đọc nhất trong vòng 48 tiếng sau khi đăng, 1 bài được ban biên tập lựa chọn sẽ nhận được nhuận bút 500.000 đồng. Quyết định của ban biên tập là quyết định cuối cùng. Kelly Huỳnh |
Theo Zing