Tinh Hoa

Chuyện chiếc tàu ngầm mini

Sau khi chế tạo thành công 25 chiếc tàu ngầm mini cho Malaysia, ông Phan Bội Trân, chủ nhân của chiếc tàu ngầm mini Yết Kiêu I, đã ngay lập tức nhận được đơn đặt hàng của ngành du lịch Thái Lan.

Ông Phan Bội Trân bên chiếc tàu ngầm mini do mình chế tạo

Họ đề nghị ông chế tạo cho họ 300 chiếc, để phát triển môn thể thao dưới nước và phục vụ khách du lịch.

Ông Phan Bội Trân cho biết, hiện các điều khoản của hợp đồng với Thái Lan đã được thỏa thuận xong. Tuy nhiên ông không phải là người trực tiếp giao dịch mà được một công ty của người Pháp kết nối.

Nghĩa là ông chỉ đi một mình sang, mang theo kỹ thuật bản quyền, còn công ty Pháp kia sẽ sang mướn một số chuyên viên. Tại Thái Lan, ông Phan Bội Trân sẽ chuyên phụ trách về kỹ thuật composite và bản quyền chế tạo tàu ngầm. Hiện đối tác đã đặt hàng và hợp đồng đã ký xong, chỉ việc triển khai. Dự kiến từ 4 đến 5 tháng là xong đơn hàng.

Về mẫu mã, hình dáng những chiếc tàu làm cho Thái Lan cũng y hệt như những chiếc tàu làm cho Malaysia. Tàu có chiều dài 2 m, rộng 0,8 m, cao 1,5 m. Tàu có 3 phần gồm đầu, thân và đuôi. Phần đầu sẽ gắn thiết bị bánh lái độ sâu, thân tàu thiết kế đủ cho 1 hoặc 2 người ngồi, đuôi tàu gắn động cơ điện.

Toàn bộ vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite. Tàu có vận tốc từ 1 đến 5 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 3 m dưới nước, thời gian lặn khoảng 2 tiếng. Thủ tục bên Thái Lan cũng rất thoáng. Họ bỏ luôn cả kiểm định mà chỉ đưa ra yêu cầu về kỹ thuật với tác giả.

Chiếc tàu ngầm mini mang tên Yết Kiêu I do ông Phan Bội Trân sản xuất trong nước cách đây vài năm, đã được thử nghiệm lặn thành công trong một căn cứ hải quân tại Việt Nam, khiến dư luận xôn xao một thời. Hầu hết các báo dạo ấy đã đăng tin về sự kiện này. Thế nhưng sau những ồn ào đó, tất cả lại chìm vào yên lặng.

Thậm chí đến bây giờ, nhiều người trong các cơ quan chức năng vẫn không tin là con tàu do ông chế tạo có thể chạy được, lặn được, vì “một con tàu có giá chỉ vài ngàn đô la thì làm sao lặn được. Nó chỉ có thể để trưng bày ở công viên thôi”.

Các nhà quản lý và các cơ quan làm du lịch của Việt Nam thì thờ ơ, và hoàn toàn không nhìn ra tiềm năng để phục vụ du khách của con tàu này, trong khi ngành du lịch của các nước xung quanh như Malaysia và Thái Lan thì lại vô cùng nhạy bén, họ đã nhanh chóng nhìn ra con tàu là một phương tiện phục vụ du khách tuyệt hảo trong ngành du lịch biển.

Việc đưa con tàu vào phục vụ du khách du lịch biển sẽ làm tăng thêm tính hấp dẫn, làm phong phú thêm chương trình du lịch tại những điểm du lịch, và nhanh chóng đặt hàng với số lượng lớn.

Cùng thời với con tàu Yết Kiêu I của ông Phan Bội Trân, còn có con tàu ngầm mini Trường Sa I do doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình sản xuất, và đã được thử nghiệm lặn thành công ở bể lặn. Nhưng khi chuẩn bị đưa tàu ra biển Tiền Hải để thử nghiệm thì gặp rất nhiều rắc rối về thủ tục, nên đến nay, chiếc Trường Sa I vẫn xếp xó, và bị chìm đi trong quên lãng.

Thế mới biết, trong kinh doanh, sự nhạy bén, phát hiện ra cái mới quan trọng đến mức nào. Chờ khi Thái Lan và Malaysia sử dụng chán chê những chiếc tàu ngầm mini “của ta” rồi, Việt Nam mới làm, thì đã muộn.

Theo Báo Nông nghiệp VN