Từ ngày anh nông dân Trần Đại Nghĩa (xóm 5, thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình – ảnh nhỏ) chế tạo thành công máy cấy không động cơ, nhà anh không lúc nào vắng người. Người ta đến đây phần vì tò mò, phần là muốn được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc máy cấy do một anh nông dân làm ra. Đặc biệt, nhiều người ở tỉnh xa như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng vượt hàng trăm cây số tìm đến anh đặt mua.
Anh Trần Đại Nghĩa hướng dẫn bà con sử dụng chiếc máy cấy không động cơ. Sau khi chế tạo thành công chiếc máy cấy đầu tiên, đến nay, anh Trần Đại Nghĩa đã sản xuất được trên 200 chiếc máy bán ra thị trường. Mới chính thức đưa vào sản xuất được hơn 6 tháng, nhưng số lượng người tìm đến mua hàng không ngừng tăng. Nhìn vào quyển sổ đặt hàng của anh dày cộp lên từng ngày, tôi cũng hiểu được phần nào sự tiện lợi và hữu ích mà chiếc máy cấy này đem đến cho người sử dụng. “Hầu hết những người đến đây đều là người quanh năm mưa nắng với đồng ruộng, ít được tiếp xúc với công nghệ, máy móc hiện đại nên khi chế tạo chiếc máy cấy này, tôi nghĩ cần phải tối ưu hóa, nhỏ gọn và càng đơn giản càng tốt. Làm sao bà con ai cũng phải biết sử dụng”, anh Nghĩa cười nói. Ấp ủ giấc mơ chế tạo máy cấy Có lẽ, anh nông dân Trần Đại Nghĩa không thể ngờ rằng, anh là 1 trong 6 người của tỉnh Thái Bình đi dự Hội nghị Đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc sắp tới. Và chính anh cũng không thể tin rằng, một ngày nào đó, anh sẽ được đón các đoàn nghiên cứu khoa học trên trung ương về trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Từ ngày anh Trần Đại Nghĩa thành công với chiếc máy cấy không động cơ, bà con trong xã ai nấy đều khâm phục và đặt cho anh cái tên khá gần gũi – Nghĩa “máy cấy”. Anh Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải, Thái Bình – một mảnh đất giàu truyền thống sản xuất nông nghiệp và là một trong những vựa lúa lớn nhất miền Bắc. Cũng giống như bao người nông dân chân lấm tay bùn, anh Nghĩa hiểu hơn ai hết nỗi vất vả, cực nhọc của những người ngày ngày sớm khuya với ruộng đồng. Anh kể, đất Đông Hoàng quê anh nghèo lắm, người dân ở đây chỉ biết trông chờ vào đồng ruộng. Ở gần biển, nên nhiều nhà tận dụng làm thêm cả muối nhưng dường như cuộc sống vẫn không khá hơn là bao. Những ngày đầu lập gia đình, hai vợ chồng anh chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Cuộc sống khó khăn thêm khi hai đứa con anh chuẩn bị bước vào tuổi đi học. Nhiều lúc đi làm đồng về mệt, nằm trên chiếc giường cũ ẹp, anh trằn trọc suy nghĩ: “Mình cần phải làm gì đó cho gia đình và quê hương”. Nhưng khi ấy, anh cũng chỉ là một nông dân nghèo, chưa có nhiều kiến thức, lại ít kinh nghiệm nên không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu. Mọi thứ khi đó thật mơ hồ. Năm 2001, phong trào đi xuất khẩu lao động ở nhiều vùng quê nghèo trong tỉnh phát triển rầm rộ, trong đó, Tiền Hải là một trong những huyện có số người đi xuất khẩu lao động thuộc vào diện đông. Khi ấy, ở xã có chương trình tu nghiệp sinh cho người vừa học, vừa làm ở Hàn Quốc. Nhận thấy đây là cơ hội tốt, không ngần ngại, anh Nghĩa mạnh dạn nộp đơn đăng kí. Sau khi trúng tuyển, anh chia tay gia đình, bà con hàng xóm để lên đường. Vốn là người nông dân hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó, trong quá trình lao động xuất khẩu ở nước ngoài, anh Nghĩa luôn cố gắng làm việc, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Vừa làm anh vừa để mắt quan sát cách làm việc của những người nông dân bên đó. Anh cười bảo: “Người nông dân Hàn Quốc làm việc sướng lắm chứ không vất vả như nông dân bên mình đâu. Họ chủ yếu sử dụng máy móc hiện đại nên không mất nhiều sức mà lại cho năng suất cao”. Xuất phát từ việc quan sát những chiếc máy cấy lúa trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, anh nông dân trẻ Trần Đại Nghĩa đã sớm ấp ủ ước mơ chế tạo một chiếc máy cấy cho người nông dân Việt Nam đỡ vất vả. Sau khi kết thúc thời gian làm việc ở nước ngoài, anh trở về nước, đồng thời bắt tay luôn vào nghiên cứu và sáng chế. Để tiện cho việc chế tạo của mình, trước khi về nước, anh không quên chụp ảnh, quay lại clip về cách vận hành của những chiếc máy đó.
Bắt tay vào thực hiện Từ sáng đến tối, anh Nghĩa miệt mài bên những bản thiết kế, nhiều khi anh làm việc hăng say đến quên ăn, quên ngủ. Vì những bản vẽ đó mới chỉ là ý tưởng ban đầu, sợ việc chế tạo của mình sẽ không thành công nên anh vẫn chưa dám nói với vợ và người thân trong gia đình. Nhiều hôm đi sớm về khuya, vợ anh cũng bán tín, bán nghi về hành động của chồng. Nhưng khi chuẩn bị bắt tay vào công đoạn lắp ráp cuối cùng, anh Nghĩa đã thẳng thắn chia sẻ với vợ về công việc mình đang làm. Nói đến đây, anh quay sang nhìn vợ tếu táo bảo: “Tôi may mắn vì có được người vợ luôn biết thông cảm và sẻ chia với chồng. Tôi nói sẽ chế tạo chiếc máy cấy không động cơ, cô ấy không ngăn cản mà luôn động viên, tin tưởng nhất định một ngày tôi sẽ thành công”. Sau một tháng rưỡi cặm cụi, cuối cùng, người nông dân trẻ đã lắp ráp và hoàn thiện xong chiếc máy cấy của mình. Chiếc máy cấy của anh Nghĩa không dùng động cơ mà vận hành bằng sức kéo, nguyên liệu chủ yếu bằng thép hộp nên rất nhẹ. Vì thế, người kéo sẽ không tốn nhiều sức khi di chuyển mà giá thành chiếc máy lại phù hợp với túi tiền của bà con nông dân. Anh bảo: “Mặc dù đã hoàn thành xong nhưng vì chưa đưa vào thử nghiệm nên tôi vẫn chưa dám nói với ai. Đúng thời điểm ấy, bà con mới bước vào mùa gặt nên chưa có ruộng để cấy. Lúc đó, tôi chợt nảy ra ý định mang máy ra lòng sông thử. Mặc dù là lần đầu thực hiện nhưng máy hoạt động khá tốt. Kết quả đạt trên 90% dự tính”. Tôi chắc mẩm trong lòng: “Vậy là ước mơ sáng chế một chiếc máy cấy không động cơ sắp trở thành hiện thực rồi”. Để chắc chắn là mình đã thành công, anh Nghĩa tiếp tục làm thêm chiếc máy thứ hai. Lần này, anh không mất nhiều thời gian như lần đầu. Thời gian hoàn thành chiếc thứ hai đúng vào thời điểm bà con trong xã bắt đầu vào vụ cấy mới. Khác với chiếc máy thứ nhất, chiếc máy thứ hai được thử nghiệm trực tiếp trên ruộng. “Thật ngoài sức tượng tượng của tôi, chiếc máy làm lần này vận hành trơn chu hơn chiếc máy đầu tiên. Lúc ấy, tôi biết mình đã thành công. Tôi chỉ muốn reo lên cho vợ và các con biết là mình đã làm được”, anh nói. Nghe tin anh Nghĩa sáng chế thành công chiếc máy cấy không sử dụng động cơ, nhiều người tò mò đến xem. Nhìn chiếc máy nhỏ gọn, tiện ích, đơn giản của anh Nghĩa, bà con nông dân trong xã ai nấy đều phấn khởi vì sắp tới họ sẽ không còn vất vả khi đi cấy, chiếc máy sẽ thay họ làm những công đoạn khó khăn nhất. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở miền núi như Lạng Sơn, Hòa Bình, thậm chí tận trong miền Trung cũng tìm về nhà anh đặt mua. Không ít người tỏ ra thích thú với chiếc máy cấy không động cơ đa năng này. Thấy được ích lợi chiếc máy đem lại cho bà con nông dân, anh Nghĩa phấn khởi nói: “Mới đây, chủ nhiệm hợp tác xã Đông Hoàng cùng đoàn phụ trách nông nghiệp ở các liên xã cũng xuống động viên, khuyến khích tôi nên mở rộng quy mô sản xuất”. Khó khăn lớn nhất của anh Nghĩa bây giờ là chưa thể chủ động được nhà xưởng, số lượng nhân công và máy móc còn hạn chế. Cũng vì thế, nhiều chi tiết trên máy, anh vẫn phải liên kết với một số doanh nghiệp để đặt hàng. Mặc dù việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng số lượng người đến đặt mua vẫn tăng lên theo từng ngày. Vị khách khiến anh ấn tượng nhất là người đàn ông tên Lình Văn Lò. “Chẳng biết nghe tin ở đâu mà anh ta vượt hơn 300 cây số đường dài tìm về đây đặt mua. Nhưng phải đi đến lần thứ ba thì anh ta mới có máy mang về”, anh Nghĩa kể. Bây giờ, không chỉ có xã Đông Hoàng, mà cả tỉnh, thậm chí nhiều nơi khác, ai cũng biết đến chiếc máy cấy không động cơ của anh Trần Đại Nghĩa. Anh tâm sự, vừa rồi anh cũng đã làm đơn xin xác lập quyền sở hữu trí tuệ trên cục, nhưng vẫn đang chờ phản hồi. Anh cười hiền: “Vì đang chuẩn bị vào mùa cấy nên nhiều người tìm đặt mua lắm, tôi cùng công nhân gấp rút làm đêm, làm ngày để có máy phục vụ bà con”. Anh dự tính, sau khi ổn định được nhà xưởng, máy móc và nhân công, sẽ tiếp tục nghiên cứu và sáng chế nhiều loại máy hơn nữa để phục vụ cho việc canh tác. Trong khi nhiều nhà nghiên cứu khoa học vẫn đang loay hoay tại các phòng thí nghiệm và vật lộn trên bản vẽ thì không ít những người nông dân như anh Nghĩa lại trở thành những “kĩ sư bất đắc dĩ” với những phát minh hết sức gần gũi, thực tế và tiện ích. Tôi thầm nghĩ, giá như những kĩ sư khoa học bàn giấy đều có tinh thần làm việc như anh Trần Đại Nghĩa thì bà con nông dân sẽ không còn vất vả sớm tối trên ruộng đồng. Chúc cho những dự định mới của anh nông dân trẻ Trần Đại Nghĩa sớm trở thành hiện thực. Clip về anh nông dân chế tạo máy cấy không động cơ: |
Theo Lao Động