Theo tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc có đến 1/3 lương thực của thế giới không được tiêu thụ, tương đương 1,3 tỷ tấn thức ăn bị lãng phí. Trong khi đó có đến 793 triệu người không có đủ thức ăn để sống khỏe mạnh. Vì vậy, việc tìm giải pháp khắc phục hai vấn nạn nghiêm trọng này là điều mà cả thế giới đang phải đối mặt.
Tại Ấn Độ, các “dabbawala” (người giao cơm hộp) sử dụng những kỹ thuật giao hàng nổi tiếng thế giới của họ để chuyển tiếp thức ăn dư thừa từ các đám cưới đến cho người nghèo, điều mà Matthew Wheeler và Priti Gupta đã nghĩ ra. Trong khi ở Li-Băng, ‘những người hùng cứu đói’ FoodBlessed đã cho Carolina Valladares thấy kỹ thuật cứu trợ lương thực của họ.
Hiệp hội ‘Dabbawala Roti Bank’, Ấn Độ
Ở Tardeo, phía Nam thành phố Mumbai có một tiệc cưới đang diễn ra với hàng trăm thực khách đang thưởng thức bữa tiệc chất ngất thức ăn ngon. Tuy nhiên, vài vị khách không hề ăn. Họ chính là những “dabbawala”. Và dù đã tan ca chiều Thứ Bảy, nhưng họ vẫn khoác trên mình bộ đồng phục trắng sáng và túc trực để làm công việc mà họ đang làm rất tốt.
Không như công việc được trả lương định kì mà họ làm trong tuần (thu thập, vận chuyển và phân phối cơm trưa cho nhân viên văn phòng trên khắp thành phố). Hôm Thứ Bảy đặc biệt ấy, những ‘dabbawala’ này đang cung cấp thức ăn đến người nghèo trong thành phố Mumbai. Ngay sau khi thực khách của bữa tiệc kết thúc bữa ăn, các ‘dabbawala’ sẽ thâu gom tất cả thức ăn còn dư thừa, đóng gói lại và chuyển nó đến một con đường gần đó, nơi có những người vô gia cư đang trong tình cảnh cực khổ.
Đó chính là cách làm của Hiệp hội ‘Roti Bank’ với các ‘dabbawala’. Được Subhash Talekar thành lập cách đây 6 tháng, Hiệp hội Roti Bank tận dụng các kỹ năng giao thức ăn cự phách của các ‘dabbawala’ để giải quyết hai vấn nạn nói trên: nạn đói và tình trạng lãng phí thức ăn. Đó là một ý tưởng đơn giản mà ông Talekar đã tóm gọn: “Chúng tôi thu thập thức ăn thừa từ các bên và phân phát nó trong những khu nhà ổ chuột, nơi người dân chẳng có gì để bỏ bụng”.
Một vị khách khác tại đám cưới này là Rushikesh Kadam, cùng với nhóm gồm 20 tình nguyện viên từ chiến dịch Thức ăn cho mọi người của mình. Khảo sát của ông đã chỉ ra rằng, trung bình một đám cưới tại Mumbai lãng phí tương đương với 50 bữa ăn. Đó là một thống kê đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi bạn biết được rằng trên khắp Ấn Độ, trong 4 đứa trẻ thì có 1 đứa bị suy dinh dưỡng. Vì vậy cũng như ông Talekar, ông Kadam đang cố gắng trong khả năng của mình để đảm đương sứ mệnh chấm dứt tình trạng lãng phí thức ăn. Hai tổ chức này đều cộng tác cùng nhau.
Chia sẻ để tiết kiệm
“Họ biết nơi tập trung những người nghèo sống thiếu thốn là ở Mumbai”, ông Kadam nói. “Người dân lấy số của chúng tôi từ Internet rồi liên hệ với chúng tôi, và sau đó các ‘dabbawala’ sống gần khu vực đó sẽ nhận được một cuộc gọi từ trung tâm tiếp nhận thông tin. Kế tiếp là họ thu thập và cung cấp thức ăn đến cho những nguời nghèo hoặc người có hoàn cảnh khó khăn”.
Tin tức về sáng kiến của Hiệp hội Roti Bank đã lan truyền nhanh chóng và ngày càng có nhiều nhà tổ chức đám cưới và các công ty tổ chức tiệc liên hệ để cung cấp thức ăn cho họ.
“Chúng tôi có khoảng chừng 5.000 dabbawala”, ông Talekar nói. “Và 400 người trong đó là thuộc Hiệp hội Roti Bank. Khó khăn mà chúng tôi đối mặt là chúng tôi chỉ có thể quản lý để đưa thức ăn đến cho 200 – 300 người mỗi ngày. Thách thức lớn nhất là làm sao để lưu trữ thức ăn được đưa đến cho chúng tôi. Bởi thời gian mà chúng tôi nhận được thức ăn nhiều khi là vào buổi sáng. Do vậy thật khó để phân phát thức ăn vào lúc quá muộn sau đó. Nếu chúng tôi có kho lưu trữ, chúng tôi sẽ có thể phân phát được nhiều suất ăn hơn nữa cho người nghèo”.
Sau khi ông và đội của mình phân phát phần thức ăn dư thừa đến hàng chục người vô gia cư sống cách nơi lễ cưới đang diễn ra khoảng 1 dặm, ông Talekar bảo rằng việc tiếp theo của Hiệp hội Roti Bank là tiếp nhận thông tin chia sẻ thức ăn từ nhà dân và văn phòng.
“Hiện nay chúng tôi bảo với khách ăn trưa của mình rằng ngay cả bữa ăn thừa của 2 người thì cũng đừng vứt đi. Các ‘Dabbawala’ luôn có mặt tại các trạm ga đường sắt ở Mumbai – vì vậy hãy đưa thức ăn dư thừa cho họ. “Chúng tôi sẽ đưa thức ăn đó đến cho những người đang đói”
FloodBlessed ở Li-Băng
Thương hiệu FoodBlessed đã hoạt động được 4 năm.
Lãng phí thức ăn ở Li-Băng là một vấn đề lớn.
Nhưng có một người phụ nữ tên là Maya Terro, đồng sáng lập của FoodBlessed, một tổ chức của Li-Băng đã khắc phục tình trạng thiếu đói đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức về hoạt động cứu trợ lương thực với hy vọng chuyển biến tình hình.
“Tôi cảm thấy buồn bã khi chứng kiến hàng ngày rất nhiều thức ăn đang bị lãng phí, trong khi cũng có rất nhiều người không đủ tiền trang trải cho một bữa ăn. Rất nhiều thức ăn vẫn còn dùng được vậy mà lại bị coi như là thứ bỏ đi, không đâu, chúng đều ăn được hết cả đấy”, cô nói.
FoodBlessed được thành lập vào năm 2012 sau thời điểm cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria bắt đầu. Ngày nay, Li-Băng là ngôi nhà của hơn 1,5 triệu người tị nạn Syria, và với gần 29% người Li-Băng sống dưới mức nghèo khổ, điều đó cho thấy còn có rất nhiều miệng ăn cần được phục vụ.
Trong 4 năm này FoodBlessed đã phục vụ 260.000 bữa ăn miễn phí với các loại thức ăn bổ sung cho người nghèo, tiết kiệm hàng trăm tấn thức ăn thừa phải bỏ đi.
Những dự định cho tương lai
“Chúng tôi làm điều đó như thế nào? Chúng tôi liên kết các công ty tài trợ thức ăn hay nhà hàng có thức ăn dư thừa với những cá nhân mà chúng tôi cho là đang cần nó”, cô Terro nói.
Hiện tại họ đang phục vụ trên 400 suất ăn mỗi tuần cho những người tìm đến 3 bếp ăn khác nhau của họ. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.
Số lượng tình nguyện viên của FoodBlessed đã tăng lên đáng kể. Hiện họ đang lập kế hoạch mua một chiếc xe tải để tiếp cận những người không thể đến với họ.
“Mọi người hỏi rằng liệu chúng tôi có thể giúp đỡ tất cả mọi người; và vâng, chúng tôi sẽ làm điều đó. Chúng tôi giúp người vô gia cư, những người bị mất gia đình của họ và tất nhiên cả những người dân tị nạn”, cô Terro nói thêm.
Gần 900 tình nguyện viên nhận thực phẩm từ các siêu thị, nhà hàng và chuẩn bị các suất ăn. Cô Terro gọi họ là “những anh hùng cứu đói’’ vì “ngay cả khi họ không có khả năng siêu thường, họ vẫn là những anh hùng giữa đời thường”. Cô Terro tin FoodBlessed có thể tạo ra sự khác biệt. “Chúng tôi đang tạo lập phương thức mới để thực hiện những điều này tại Li-băng”, cô nói.
Mai Quy, dịch từ BBC