Chu Vĩnh Khang, một trong 9 quan chức quyền lực nhất, cựu lãnh đạo cơ quan An ninh Trung Quốc đang bị chính quyền điều tra. Con đường đi đến đỉnh cao quyền lực của người đàn ông này trở thành đề tài thu hút khá nhiều dư luận trong thời gian qua.
Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra vào ngày 29/7 sau hơn 10 năm thăng tiến và không ngừng bành trướng quyền lực. Chu bị bắt cùng vợ Giả Hiểu Điệp, em trai Chu Nguyên Thanh và con trai Chu Bân.
Một điều thú vị là 29/7 rơi đúng ngày Bảo tồn hổ Thế giới, có lẽ một ai đó trong chính quyền muốn ám chỉ đến chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập Cận Bình.
Sau đây là một số điểm đáng chú ý trong quan lộ của Chu Vĩnh Khang
Việc bắt giữ Chu chưa từng có tiền lệ
Giữa các quan chức cấp cao có một quy luật bất thành văn là không được điều tra lẫn nhau. Họ được cho là bất khả xâm phạm kể cả khi đã về hưu, mục đích nhằm tránh gây tổn thất cho Đảng như thời Đại Cách mạng Văn hóa. Vụ việc khiến Chu trở thành quan chức cấp cao duy nhất bị điều tra trong suốt một thập kỉ qua.
Quan chức an ninh đi lên từ ngành dầu mỏ
Chu Vĩnh Khang khởi nghiệp từ ngành dầu khí, sau này trở thành Giám đốc điều hành hai tập đoàn dầu khí quốc doanh tầm cỡ của Trung Quốc. Do đó, trước khi ông bị chính thức điều tra thì một số nhân vật quyền lực của hai tập đoàn này đã bị cơ quan nhà nước bắt giữ.
Trong môi trường chính trị tại Trung Quốc, không có ranh giới rõ ràng giữa việc quản lý một doanh nghiệp quốc doanh và sự nghiệp của một chính trị gia. Điều này có nghĩa là vị trí cao trong thương trường có thể giúp một cá nhân thăng tiến trên chính trường. Vì thế chẳng bao lâu sau, vào năm 2001, Chu Vĩnh Khang trở thành Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên. Tuy nhiên, vị trí này chưa thể giúp ông đạt được quyền lực bậc nhất.
Năm 2011, tạp chí Forbes bình chọn Chu Vĩnh Khang vào top 30 trong 70 người quyền lực nhất thế giới.
Có khả năng Chu đã sát hại người vợ trước
Một số người trong đó có cả con trai Chu Vĩnh Khang đều cho rằng chính ông đã sát hại người vợ trước của mình. Năm 2000, bà đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn xe. Một số trang báo của Trung Quốc đưa tin, chiếc xe gây ra vụ tai nạn có biển số quân đội.
Một năm sau đó, Chu kết hôn với Giả Hiểu Diệp, cựu biên tập viên dẫn chương trình của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Ngoài việc nhỏ hơn chồng 28 tuổi, Hiểu Diệp còn là cháu gái của Giang Trạch Dân. Một số thông tin cho rằng, nữ biên tập viên này là “món quà” của Lý Đông Sinh, một cánh tay đắc lực của ông Giang, sau trở thành lãnh đạo phòng 610.
Thăng tiến bất thường
Sau khi lấy cháu gái của Giang Trạch Dân, Chu Vĩnh Khang đột nhiên từ một quan chức “tỉnh lẻ” được đề bạt lên làm Bộ trưởng Bộ Công An. Là một người không hề có kinh nghiệm làm việc trong ngành này, nhưng ông đảm nhận công tác điều hành một mạng lưới tầm cỡ bao gồm cảnh sát, cảnh sát vũ trang và mật vụ.
Năm 2007, ông trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là một trong 9 nhân vật quyền lực nhất của Đảng. Cũng trong năm này, Chu Vĩnh Khang tiếp quản Ủy ban Chính trị và Lập pháp.
Về cơ bản, trọng trách của vị quan chức này là chỉ đạo công việc bắt giam người biểu tình mà không cần đến giấy phép, giám sát, đánh đập, đe dọa các tộc người thiểu số và giáo dân, “đàn áp thẳng tay” bất cứ đối tượng nào được coi là mối đe dọa cho sự cai trị của Đảng. Ông cũng kế nhiệm Lý Đông Sinh điều hành tổ chức 610, một tổ chức đứng ngoài pháp luật do chính phủ điều hành.
Có được quyền lực nhờ hỗ trợ Giang Trạch Dân đàn áp người theo tín ngưỡng
Chu Vĩnh Khang trở thành tâm phúc của Giang Trạch Dân vì ông là người hoạt động rất tích cực trong chiến dịch trọng yếu – diệt chủng Pháp Luân Công. Chiến dịch do chính ông Giang khởi xướng nằm trong chiến lược bành trướng quyền lực và củng cố địa vị sau khi nghỉ hưu.
Trong khi đó, ông Chu cũng là người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để đạt được quyền lực và tiền tài. Vào thời của Chu Vĩnh Khang, số lượng trại lao động tăng đột biến và đạt đỉnh điểm với một nửa số người bị bắt giam là học viên Pháp Luân Công.
Quân đội, cái bóng mờ nhạt bên cạnh cỗ máy an ninh
Lực lượng Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc có 2,5 triệu thành viên, trở thành lực lượng hùng hậu nhất thế giới. Nhưng Chu Vĩnh Khang lại nắm trong tay 10 triệu lính, với khoản ngân sách vượt lên con số 10 tỉ USD dành cho quân đội.
Thông qua chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công, Chu Vĩnh Khang và Giang Trạch Dân đã có thể tăng khả năng huy động nhân lực, tài lực và củng cố lực lượng. Chính vì thế đàn áp Pháp Luân Công trở thành bước đi chiến lược mang tính quyết định được cả hai dốc toàn lực thực hiện. Theo đó, học viên Pháp Luân Công trở thành con tốt thí mạng trong ván cờ quyền lực tại Trung Quốc.
Nguyên nhân thực sự của việc hạ bệ Chu Vĩnh Khang
Dĩ nhiên, đối với giới chính trị tại Trung Quốc thì tham nhũng chỉ là một hình thức của thanh trừng nội bộ Đảng. Một điều rất dễ nhìn thấy là các nhân vật bị bắt giữ, điều tra và cách chức gần đây đều là người thuộc phe cánh của Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang, cũng như những người có mối quan hệ nào đó với họ. Điển hình có thể kể đến Tướng Từ Tài Hậu, hàng loạt nhân viên của CCTV và thậm chí là con trai của Thành Long, người ủng hộ Bắc Kinh, có quan hệ mật thiết với một số nhân vật thuộc phe cánh này.
Việc Tập Cận Bình hạ bệ Chu Vĩnh Khang được xem là nước đi táo bạo, khá nhiều rủi ro cho tân Chủ tịch mới tại vị 2 năm. Theo một số trang tin, Chu Vĩnh Khang cùng đồng minh thất thế Bạc Hy Lai đã từng thực hiện đảo chính nhưng bất thành. Ngoài ra ông ta còn hai lần tổ chức ám sát Tập Cận Bình. Do đó, có thể đây là nguyên nhân chính đưa đến quyết định của Chủ tịch Tập.
Vào thời điểm này, dù đã là nguyên thủ quốc gia nhưng ông Tập không hề nắm toàn quyền và có nhiều người trong Đảng tỏ ra bất bình với các chiến dịch của ông. Nước đi này đã giúp ông củng cố được quyền lực cho mình.
Chu Vĩnh Khang bị bắt và điều tra trước đó nhưng không được công bố chính thức
Một số cơ quan truyền thông ngoài Trung Quốc đã từng đề cập đến việc ông Chu bị bắt trước thời điểm 29/7/2014 khá lâu. Thậm chí, vào thời điểm Bạc Hy Lai ngã ngựa, đã có nhiều người dự đoán rằng Chu Vĩnh Khang sẽ là nhân vật tiếp theo.
Tuy nhiên đến ngày 29/7/2014, chính quyền mới cho phép đăng tin chính thức về việc bắt giữ ông.
Theo nhận định của một số chuyên gia, ông Tập phải tiến hành phá bỏ nền tảng quyền lực của Chu Vĩnh Khang mới hạ bệ được đối phương.
Theo đó, trước khi ông Chu chính thức bị điều tra, chính quyền đã tiến hành bắt giữ những ông hoàng dầu khí có dính líu đến Chu.Tiếp theo, hai lãnh đạo cấp cao của tập đoàn quốc doanh tầm cỡ của Trung Quốc cũng lãnh song quy.
Song song đó, hàng loạt trại lao động, lá chắn thứ 3 do Chu lập nên cũng bị dỡ bỏ. Nhiều người nhìn nhận đây là bước tiến lớn trong việc cải thiện tình trạng tra tấn, bóc lột lao động nghiêm trọng tại Trung Quốc. Nhưng thực tế nó chẳng thấm vào đâu so với hàng nghìn bệnh viện, cơ sở cai nghiện và trại tẩy não trên khắp Trung Quốc vẫn còn đang hoạt động.
Tuy nhiên, điều này đã tác động mạnh mẽ đến nền tảng quyền lực mà Chu Vĩnh Khang dày công xây dựng.
Theo TQKKD