Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đưa ra thuật ngữ “thịnh vượng chung” tại hội nghị Tài chính Kinh tế Trung ương, và coi mục tiêu này như một điểm cốt lõi của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc. Có nhà phân tích cho rằng, thời điểm tái phân phối khối tài sản khổng lồ ở Trung Quốc sắp xảy ra.
Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc quá lớn
Trong quá trình cải cách và mở cửa hơn 40 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một quốc gia nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, cùng với đó, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng, được xếp vào hàng ngũ các quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới.
Theo hãng truyền thông tài chính Quartz của Mỹ, dữ liệu công khai cho thấy thu nhập khả dụng của 20% người giàu nhất Trung Quốc gấp hơn 10 lần thu nhập khả dụng của 20% người nghèo nhất, và điều này vẫn đang có xu thế mở rộng.
Tập Cận Bình nhấn mạnh “thịnh vượng chung”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương, đã phát biểu tại hội nghị công tác kinh tế tài chính diễn ra ngày 17/8 rằng “thịnh vượng chung là yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội và là một đặc thù quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.
Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng “thịnh vượng chung” có thể bị một số người cho là sửa đổi lớn đối với ý tưởng của Đặng Tiểu Bình về việc để một số người làm giàu trước, nhưng đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách cải cách kinh tế của ĐCSTQ, từ một thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế tự do chuyển hướng sang giai đoạn kinh tế có sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, hội nghị Tài chính Kinh tế Trung ương lần này cũng nhắc lại câu nói nổi tiếng của ông Đặng Tiểu Bình, “để một số người giàu có trước”. Đây cũng là đường lối cơ bản và nhất trí của ĐCSTQ lúc bấy giờ, nghĩa là làm giàu là hợp pháp, nắm giữ của cải cũng là hợp pháp. Trên thực tế, đó là ‘viên thuốc định tâm’ đối với tầng lớp giàu có, là bảo họ đừng chạy, đừng hoảng sợ và ở lại với ĐCSTQ.
Tóm tắt điểm chính của hội nghị được trang mạng Tân Hoa Xã công bố cho thấy, các quan chức thề phải “tăng cường quản lý giám sát và điều chỉnh đối với người thu nhập cao, bảo hộ thu nhập hợp pháp, điều chỉnh hợp lý thu nhập quá cao, khuyến khích nhóm người và doanh nghiệp thu nhập cao báo đáp lại xã hội nhiều hơn”.
Bloomberg News đưa tin, dấu hiệu này cho thấy chiến dịch 10 tháng nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng, và sẽ bao gồm các mục tiêu rộng lớn hơn nữa.
Chủ trương mới này được đưa ra trong tình cảnh quan hệ Trung-Mỹ đang ngày càng xấu đi và sự cô lập ngày một gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế. Một số nhà phân tích cho rằng việc ĐCSTQ tăng cường kiểm soát kinh tế và xã hội là một phản ứng đối phó với khủng hoảng, cố gắng chống lại thế giới bên ngoài bằng cách tăng cường kiểm soát đối với đất nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.
ĐCSTQ mở cuộc điều tra với các doanh nghiệp tư nhân
Tổng hợp thông tin từ các kênh truyền thông, kể từ cuối năm ngoái, chính quyền ĐCSTQ đã bắt đầu một cuộc đàn áp toàn diện đối với các công ty Internet, dẫn đến các tỷ phú liên tiếp quyên góp tiền và từ chức, không chỉ dẫn đến bán tháo cổ phiếu, mà còn khiến một số lượng lớn người thất nghiệp; chỉ riêng việc loại bỏ dạy thêm sẽ khiến 10 triệu giáo viên và 30 – 40 triệu người trong lĩnh vực này phải đối mặt với việc tìm việc làm mới.
Ngày càng có nhiều danh mục điều tra đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Từ điều tra chống độc quyền, điều tra bảo mật dữ liệu, đến điều tra tuân thủ quy tắc các loại…, đối tượng và phạm vi điều tra cũng nhanh chóng được mở rộng, không chỉ liên quan đến mạng lưới Internet mà còn lan sang lĩnh vực giao hàng, taxi, giáo dục đào tạo, v.v. Một số công ty tư nhân như Alibaba, Tencent, Meituan, Didi, Baidu và các công ty chứng khoán khác đều đã bị điều tra và xử phạt.
Hội nghị Kinh tế Tài chính Trung ương lần này nhấn mạnh cần “điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức, khuyến khích các nhóm thu nhập cao và các doanh nghiệp báo đáp lại xã hội nhiều hơn”. Theo phân tích của các kênh truyền thông ngoài Trung Quốc, đây là lý do đằng sau cuộc đàn áp, giám sát và quản lý các công ty công nghệ. Thông tin truyền đạt là gần đây ĐCSTQ tấn công nhóm người thu nhập cao và thu nhập phi pháp là hành động hợp lý, sự đàn áp mang tính phá hủy ngành nghề cũng là hợp lý.
Hội nghị lần này rõ ràng là một hội nghị vô cùng quan trọng. Tham gia hội nghị không chỉ có ông Tập Cận Bình, mà cả Thủ tướng Lý Khắc Cường, các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Uông Dương, Vương Hỗ Ninh và Hàn Chính cũng tham dự cuộc họp. Ngoài ra, các quan chức chủ chốt từ các cơ quan quản lý lớn như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng tham dự cuộc họp.
Trận chiến chống lại đói nghèo
Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đến nay, ông đã luôn ưu tiên việc xóa nghèo và xây dựng ‘xã hội tiểu khang’. Mặc dù dự án này chứa đầy nội dung phô trương và cường điệu, nhưng ít nhất nó cũng truyền tải đến công chúng Trung Quốc lý niệm điều hành đất nước của Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm của ông, đó là theo đuổi một chủ nghĩa xã hội bình đẳng hơn trong việc phân phối của cải.
Hội nghị lần này cũng đưa ra các biện pháp chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung”, bao gồm “Xây dựng một quy chế cơ bản để điều phối hoạt động phân phối chính, tái phân phối và phân phối lần ba, đồng thời tăng cường điều chỉnh và cải thiện thuế, an sinh xã hội, mở rộng tỷ trọng của nhóm thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều tiết hợp lý nhóm thu nhập cao, cấm thu nhập bất hợp pháp và hình thành cơ cấu phân phối với phần giữa lớn và hai đầu nhỏ”.
Đẩy nhanh việc thực hiện thuế tài sản và thuế thừa kế
Kênh truyền thông tài chính kinh tế Bloomberg của Mỹ cho rằng, những biện pháp này cho thấy Bắc Kinh có thể đẩy nhanh tiến độ thực thi thuế tài sản và thuế thừa kế. Các nhà chức trách Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng tăng hai loại thuế này từ năm 2011, và đã tiến hành các thử nghiệm liên quan ở Thượng Hải và Trùng Khánh. Các quan chức cấp cao Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp vào tháng 5 năm nay rằng họ sẽ tiếp tục thúc đẩy các vấn đề lập pháp liên quan.
Bloomberg dẫn lời Hồ Vĩ Tuấn (Larry Hu), nhà kinh tế học về Trung Quốc tại Macquarie Bank, tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Úc, cho biết: “Sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ đến mức các nhà hoạch định chính sách không có lựa chọn nào khác ngoài việc coi vấn đề này như một vấn đề ưu tiên cần giải quyết”.
Hồ Vĩ Tuấn nói rằng ông Tập Cận Bình đã đưa vấn đề này lên cấp cao nhất, tin rằng đây là “một dấu hiệu quan trọng” cho định hướng chính sách trong tương lai của Trung Quốc.
Tuệ Tâm (Theo Secretchina)