Vài ngày sau sự kiện Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích, chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố ông “ngã ngựa”. Theo nguồn tin, ông Mạnh Hoành Vĩ bị nghi ngờ liên quan đến âm mưu đảo chính.
Bắc Kinh chính thức lên tiếng về Mạnh Hoành Vĩ
>>> Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra
Ngày 7/10, thông báo trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ cho biết, Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Mạnh Hoành Vĩ bị “nghi ngờ phạm pháp”, hiện đang được giám sát để điều tra.
Đây là lần đầu chính quyền Bắc Kinh lên tiếng về ông Mạnh Hoành Vĩ sau thông tin quan chức này mất tích vào ngày 5/10.
Vào cuối tháng 9/2018, ông Mạnh cho vợ con ở lại Pháp và một mình trở về Trung Quốc Đại lục từ trụ sở Interpol ở Lyon, sau đó không có tin tức gì về ông.
Tối 4/10, vợ ông đã báo cáo vụ việc với cơ quan chức năng thành phố Lyon. Cơ quan chức năng của Pháp xác nhận rằng: “Mạnh Hoành Vĩ không bị mất tích ở Pháp”.
Ngày 5/10, thông tin ông Mạnh Hoành Vĩ mất tích đã được lan truyền rộng, tờ SCMP Hong Kong dẫn nguồn tin cho biết, vào tuần trước, khi ông Mạnh Hoành Vĩ về nước, vừa xuống máy bay đã bị cơ quan Kiểm tra Kỷ luật của ĐCSTQ bắt đi. Nhưng nguồn tin cho biết, họ chưa rõ lý do ông Mạnh bị điều tra cũng như nơi ông bị giam giữ.
Mạnh Hoành Vĩ bị nghi ngờ tội tham gia đảo chính
Theo Nhật báo Apple của Hong Kong, có thể ông Mạnh Hoành Vĩ bị nghi ngờ tham gia vào cuộc đảo chính vào năm 2015 ở Bắc Đới Hà.
Bài viết cho biết, vì vụ án quan trọng và cấp bách, chính quyền Bắc Kinh phải khẩn cấp thẩm vấn ông Mạnh Hoành Vĩ bất kể ảnh hưởng đến Interpol. Tuy nhiên, thông tin không cung cấp thêm nhiều chi tiết.
Được biết, vào trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2015, các cựu lãnh đạo gồm Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã liên thủ cùng cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp Luật ĐCSTQ Chu Vĩnh Khang và Bí thư đương nhiệm của Hà Bắc khi đó là Chu Bản Thuận xây dựng hồ sơ “Thông báo tình hình chính trị tỉnh Hà Bắc”, với ý đồ dùng “quả bom hạt nhân chính trị” này để tấn công ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn.
Nhưng trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà, vào ngày 24/7/2015, ông Chu Bản Thuận đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương bắt ngay khi đang tham gia Hội nghị “Thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc”.
Điềm báo trước Mạnh Hoành Vĩ bị điều tra
Vào tháng 11/2018, ông Mạnh Hoành Vĩ sẽ tròn 65 tuổi. Ông được coi là thân tín kỳ cựu của cựu Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp Luật ĐCSTQ Chu Vĩnh Khang.
Ông Mạnh Hoành Vĩ đã trải qua thời gian rất dài làm quan chức của Bộ Công an ĐCSTQ. Sau khi Chu Vĩnh Khang lên chức Bộ trưởng Bộ Công an năm 2003, vào tháng 4/2004, Mạnh Hoành Vĩ đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Công an và trở thành một trong những trợ lý chính của Chu Vĩnh Khang.
Sau Đại hội 18 ĐCSTQ và Chu Vĩnh Khang bị “ngã ngựa”, nhiều cán bộ cũ của Chu tại Bộ Công an đã bị điều tra, trong đó có Thứ trưởng Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), Thứ trưởng thường trực Dương Hoán Ninh (Yang Huanning), Chủ nhiệm Ban Chính trị Hạ Tôn Nguyên (Xiachong Yuan); đồng thời, nhiều cán bộ cũ của Chu cũng bị chuyển công tác như Thứ trưởng Phó Chính Hoa (Fu Chenghua) và Hoàng Minh (Huang Ming).
Đến cuối năm 2017, Mạnh Hoành Vĩ bất ngờ bị miễn nhiệm Phó Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc và chức Cục trưởng kiêm nhiệm; vào tháng 4/2018, ông cũng bị loại khỏi Đảng ủy Bộ Công an.
Đồng thời, vài năm qua, ông Mạnh Hoành Vĩ cũng luôn vắng mặt trong các cuộc họp nội bộ của quan chức cấp cao Bộ Công an Trung Quốc. Những tin đồn xấu về sự nghiệp của quan chức này cũng đã sớm phổ biến trong quan trường Trung Quốc.
Vợ ông Mạnh báo án là có tính toán trước
Bên cạnh đó, việc vợ của Mạnh Hoành Vĩ báo án cho cảnh sát Pháp sau khi quan chức này “mất tích” khi về Bắc Kinh cũng được cho là sự kiện “hiếm” xảy ra. Có thông tin cho rằng, vợ chồng Mạnh Hoành Vĩ đã sớm lên kế hoạch cho tình huống này, hy vọng vợ con của ông có thể nhận được bảo hộ của nước Pháp.
Vợ của Mạnh Hoành Vĩ báo án với cảnh sát Pháp cho thấy, bản thân bà cũng bị đe dọa. Hãng tin AFP và Reuters đều chỉ ra rằng, cảnh sát Pháp đã cho phép vợ của Mạnh Hoành Vĩ ở Pháp được hệ thống tư pháp của Pháp bảo vệ an toàn.
Theo Trithucvn