Hội nghị thượng đỉnh chống buôn bán nội tạng tại Vatican diễn ra vào đầu tháng 2 vừa qua đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Nguyên nhân được cho là do sự tham gia của đại diện Trung Quốc, người được coi là “ông trùm” về mổ cắp nội tạng.
Tại lễ khai mạc Hội nghị (7/2), đại diện của Trung Quốc là ông Hoàng Khiết Phu – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc đã nói rằng, sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng sử dụng nội tạng tử tù vào năm 2015 thì hoạt động cấy ghép nội tạng đã không ngừng được cải thiện. Phát biểu của ông Hoàng Khiết Phu đã gây bàn luận sôi nổi tại Hội nghị.
Thượng nghị sĩ Maurizio Romani, Phó Chủ tịch Ủy ban Y tế Ý đã phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 07/2: “Hiện nay, không có sự giám sát độc lập, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã thực sự chấm dứt tội ác mổ cắp nội tạng, đặc biệt là từ các học viên Pháp Luân Công, cũng như Kitô hữu và các tù nhân lương tâm khác”.
“Trung Quốc đang cố gắng để sử dụng Vatican để che tội ác của họ”
Ông Hoàng là một trong những bác sĩ phẫu thuật cấy ghép hàng đầu Trung Quốc và là Chủ tịch Ủy ban Cấy ghép và Hiến tạng Quốc gia Trung Quốc. Ông Hoàng bị cáo buộc sử dụng nguồn nội tạng cưỡng bức, điển hình là một ca ghép gan tai tiếng vào năm 2005 khi ông ta đề nghị chuẩn bị thêm 2 lá gan dự phòng. Các lá gan này đã được chuyển đến trong vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng không bao giờ được sử dụng.
Các chuyên gia nhận định ông Hoàng chỉ có thể thu được nội tạng tươi mới nếu có một nhóm dân số bị giam giữ, đã được thử máu từ trước, sẵn sàng bị giết để lấy nội tạng theo yêu cầu.
Thượng nghị sĩ Ý Romani nói rằng ông Hoàng Khiết Phu đã cố gắng che đậy việc mổ cắp nội tạng tràn lan ở Trung Quốc. “Cố gắng phủ nhận tội ác này giống như cố gắng để nói rằng chủ nghĩa phát xít đã không tồn tại”, ông Romani đã phát biểu tại cuộc họp báo.
Là một bác sĩ phẫu thuật và thành viên của Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cắp nội tạng (DAFOH), ông cũng là đồng tác giả một bộ luật (số 2937) quy định cấm buôn bán nội tạng. Bộ luật này đã được nhất trí thông qua vào Tháng 11/2016. Ông cho biết Ý không phải là quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật tương tự. Nhưng dù sao, ông nhấn mạnh rằng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn tội ác mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc.
“Trung Quốc đang cố gắng dùng Vatican để che đậy tội ác mổ cướp nội tạng”, đây là tiêu đề đăng trên Repubblica, một tờ báo lớn của Ý, trong đó có trích dẫn một tuyên bố từ DAFOH, nói rằng không có bằng chứng cho thấy mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc đã đi đến hồi kết thúc, trong khi lại mời đại diện Trung Quốc đến phát biểu tại Hội nghị, chính điều này đã cung cấp một cơ hội tuyên truyền cho thủ phạm tồi tệ nhất của nạn mổ cướp nội tạng.
Phản hồi từ cộng đồng quốc tế
Martin Patzelt, thành viên của Quốc hội Đức và thành viên của Ủy ban Nhân quyền, nói rằng ông và các quan chức khác của Đức sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là vấn nạn mổ cắp nội tạng cưỡng bức.
Ông Patzelt, nói rằng hội nghị Vatican là một cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi Trung Quốc ngừng thực hiện các hành vi phi đạo đức của họ.
Ông nói rằng, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết năm 2013 kêu gọi chấm dứt mổ cắp nội tạng cưỡng bức. Hơn một nửa số thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) đã ký Tuyên bố (2016/ WD48) vào Tháng 7/2016, hy vọng sẽ chấm dứt tội ác mà được chính nhà nước bảo hộ này.
Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Á, nói rằng các chuyên gia đã nghi ngờ về tuyên bố của ông Hoàng rằng Trung Quốc rằng đã ngưng việc lấy nội tạng từ các tử tù, bởi vì đất nước này chưa phát triển chương trình quốc gia về hiến tặng một cách hiệu quả.
Trong một bài xã luận đăng trên Tạp chí Y học Anh ngày 7/2, Wendy Rogers, Giáo sư về Đạo đức Lâm sàng tại Đại học Macquarie ở Sydney, đã viết rằng không có quy định pháp luật mới nào được thông qua tại Trung Quốc cấm việc mổ cắp nội tạng từ các tù nhân, “cũng không có quy định nào hủy bỏ việc sử dụng nội tạng của tù nhân”.
Tòa thánh biện hộ việc mời Trung Quốc tham dự
Tổ chức Thế giới Điều tra về Đàn áp Pháp Luân Công đã gửi thư cho Đức Giáo Hoàng để nhắc nhở cần thận trọng đoàn đại biểu Trung Quốc có thể lợi dụng Tòa Thánh để chứng minh tính hợp pháp của các hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn dùng nội tạng của tử tù trong hoạt động cấy ghép, vì thế việc Vatican mời Trung Quốc tham dự và chia sẻ “Chương trình Trung Quốc” có thể vô tình thừa nhận tính hợp pháp trong hoạt động ghép tạng tại Trung Quốc. Chủ tịch Viện Khoa học Giáo hoàng Marcelo Sanchez Sorondo bào chữa rằng, việc này không liên quan gì đến quan điểm chính trị gây tranh cãi hiện nay.
Phải thẩm tra chứng cứ về cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc
Việc Vatican mời phái đoàn Trung Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về buôn bán nội tạng trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng tại Hội nghị. Giới đạo đức học cảnh báo, đây là cơ hội để chính quyền Trung Quốc thuyết phục thế giới tin hệ thống cấy ghép nội tạng của họ đã được cải cách.
Có 11 chuyên gia về đạo đức học đã gửi thư cho Viện Khoa học Giáo hoàng Vatincan nói rằng: “Chúng tôi lo lắng hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc liên quan đến tình trạng buôn lậu nội tạng tử tù Trung Quốc”.
Trung Quốc đã thừa nhận từng có một thời gian dài lấy nội tạng của tử tù. Giới phê bình cho rằng việc này vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của tử tù. Cho dù quan chức Trung Quốc khẳng định từ ngày 1/1/2015 họ không còn dùng nội tạng tử tù, nhưng đây vẫn là câu hỏi lớn.
Trong thư kiến nghị, 11 chuyên gia cho rằng tòa thánh Vatincan nên cảnh giác việc bị cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc lợi dụng.
Trong thư nêu rõ: “Nếu Viện Khoa học Giáo hoàng không thẩm tra chứng cứ về cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc thì không khác gì đồng lõa với tội phạm”.
Giáo sư Rogers thuộc Đại học Macquarie (Úc) chia sẻ với hãng tin AFP rằng, việc Vatican tiếp nhận quan điểm “Trung Quốc ngừng sử dụng nội tạng tử tù” mà không chịu kiểm tra chứng cứ “khiến người ta cảm thấy sốc”.
Trong thư kiến nghị, 11 chuyên gia còn chia sẻ: “Chúng tôi kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh hãy xem xét hoàn cảnh khốn cùng của tù nhân Trung Quốc, họ bị xem như ngân hàng nội tạng người”.
Những người ký tên chung thư kiến nghị gồm những tên tuổi như giáo sư Wendy Rogers, giáo sư Arthur Kaplan thuộc Đại học New York, luật sư nhân quyền Canada David Matas và David Kilgour, cựu bác sĩ phẫu thuật Tân Cương Anwar Totti.
Theo Minghui