Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở hạ tầng gần một số địa điểm linh thiêng và hạn chế người hành hương Tây Tạng tới viếng thăm, làm dấy lên lo ngại họ sẽ tự lập Đạt Lai Lạt Ma mới nhằm thống trị hoàn toàn Phật Giáo Tây Tạng.
Trung Quốc dường như đang có tham vọng mới đối với Tây Tạng và nền Phật Giáo nơi đây. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy chính quyền Trung Quốc đang xây dựng các tu viện mới và công trình hiện đại gần các địa điểm linh thiêng quan trọng.
Các hoạt động trên cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát hoạt động của người Tây Tạng tại những di tích này, sau đó là tham gia vào việc lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.
Sự xâm phạm, nô dịch hoá nhân dân và các chiến dịch đàn áp văn hoá Tây Tạng của chính quyền Trung Quốc đều đã nổi tiếng thế giới. Nhưng những hành động mới nhất của chính quyền này dường như đặc biệt nhắm đến các di tích Phật Giáo có liên hệ trực tiếp với truyền thuyết về sự chuyển sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Chính quyền Trung Quốc dường như đang gấp rút lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma mới, điều sẽ giúp họ thống trị hoàn toàn Phật Giáo Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại đã luôn bày tỏ lo ngại rằng sau khi ông chết, nhà nước Trung Quốc rất có thể sẽ chỉ định một Đức Đạt Lai Lạt Ma mới để giúp họ đạt được những mục tiêu chiến lược tại Tây Tạng.
Không lâu trước đây, du khách đã bị cấm tới thăm hồ Lhamo Latso. Chuyến thăm sau đó của Ban Thiền Lạt Ma (vị trí thứ hai xếp sau Đạt Lai Lạt Ma) do chính quyền Trung Quốc chỉ định đã cho thấy sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nói về Đạt Lai Lạt Ma, từ “Đạt-lai” có nguồn gốc từ tiếng Mông Cổ nghĩa là “biển cả” còn “Lạt-ma” là từ tiếng Tây Tạng, được dịch từ tiếng Phạn là từ xưng hô dành cho các vị Đạo sư. “Đạt-lai Lạt-ma” có nghĩa là “Đạo sư có trí tuệ như biển cả”. Trong lối dùng hàng ngày nhiều người còn dùng Phật sống để chỉ Đạt-lai Lạt-ma.
Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đạt-lai Lạt-ma là hiện thân lòng từ bi của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sinh. Danh hiệu Đạt-lại Lạt-ma cũng được hiểu là “Hộ Tín”, “Người bảo vệ đức tin”.
Trong khi đó, ĐCSTQ tuyên truyền thuyết vô thần, phủ nhận sự hiện hữu của Thần, Phật, Đạo, đặt quyền lực của mình ngang hàng và vượt lên trên cả thần linh, trong suốt lịch sử tồn tại chưa từng buông lơi việc kiểm soát đức tin của dân chúng. Hầu như cứ vài thập kỷ, những người cầm quyền trong đảng lại tiến hành một cuộc đàn áp tín ngưỡng, tôn giáo trên quy mô lớn, năm 1950 là ngược đãi Phật giáo Tây Tạng, năm 1966 là Cách mạng văn hóa và năm 1999 là bức hại Pháp Luân Công.
Những hoạt động can thiệp sâu rộng vào tôn giáo của ĐCSTQ ngày nay thực chất nhằm phá hoại tôn giáo từ bên trong. Các tổ chức như Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thành lập năm 1952, Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc thành lập năm 1957 kỳ thực là những tổ chức “do chính phủ vô thần lãnh đạo”.
Sự chiếm đóng hồ Lhama Latso
Hồ thị kiến Gyelmo Makzorma, hay còn được biết đến với tên gọi Lhama Latso, là một trong những hồ linh thiêng nhất ở vùng Vệ Tạng của Tây Tạng. Nó nằm ở độ cao 4.930m và trải dài trên diện tích 24 hecta.
Theo truyền thuyết Tây Tạng, nơi đây miêu tả khuôn mặt dữ dằn của Nữ Thần Palden Lhamo. Phật Giáo Tây Tạng tin rằng linh hồn bảo vệ Palden Lhamo đã hứa với Đạt Lai Lạt Ma đầu tiên rằng sẽ bảo vệ dòng giống chuyển sinh của Đạt Lai Lạt Ma. Kể từ đó, nhiều Lạt Ma đã toạ thiền tại Hồ Thị Kiến để chờ đợi những điểm hoá về Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.
Từ đầu năm 2016, cảnh sát vũ trang Trung Quốc (PAP) đã chiếm đóng hồ này. Công tác xây dựng các doanh trại kiên cố gần hồ bắt đầu từ cuối tháng 3/2016. Công trình hiện đã hoàn thiện cùng một cây cầu sắt bắt ngang sông. Vào mùa đông, hồ đóng băng và chốt canh của PAP rút về khu vực tu viện Chokorgyel.
Các công ty tư vấn du lịch Tây Tạng cho biết hiện nay, không chỉ khách du lịch nước ngoài mà người dân địa phương cũng không được ghé thăm hay đi quanh hồ này.
Tu viện Chokorgyel bị phá hủy
Ví dụ thứ 2 về sự can thiệp của Trung Quốc là tu viện Chokorgyel. Tu viện này được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 2 xây dựng năm 1509 – ban đầu chỉ ở quy mô nhỏ cho việc thiền định. Kể từ đó, nó trở thành nơi dừng chân của rất nhiều Lạt Ma trên đường tới Hồ Thị Kiến.
Chính quyền Trung Quốc bị nghi là đã phá huỷ phần lớn tu viện vào những năm 1960 – kết cấu gỗ bị dỡ bỏ, và phần còn lại bị đốt. Ngày hôm nay, chỉ còn một phần nhỏ của bức tường phía Tây Bắc còn sót lại. Các bức ảnh vệ tinh chỉ rõ tu viện Chokorgyel đã bị phá huỷ hoàn toàn và không có một nỗ lực nào nhằm khôi phục nó được thực hiện.
PAP và toà nhà nhiều tầng mới xây chiếm phần phía Nam của khu đất này. Ngoài ra còn có một trạm điện Mặt trời và trụ viễn thông gần đó. Theo hình ảnh vệ tinh, các bức tường cho thấy kiến trúc bên trong dựa trên biểu tượng chữ Vạn của Phật gia.
Một tu viện nhỏ mới được xây dựng lân cận để thay thế cho tu viện ban đầu. Nơi này được dùng để các tăng lữ hành thiền, nhưng dưới sự giám sắt chặt chẽ của PAP.
Khu vực thiên táng
Ví dụ thứ ba là khu vực thiên táng – một nghi thức mai táng người chết tại địa phương. Xác chết được đặt lộ thiên trên đỉnh núi để mưa gió phân huỷ hoặc các loài chim ăn xác thối xử lý.
Phía Nam hồ Lhamo Latso, tại đỉnh của dãy núi, được cho là ‘nơi ở màu xanh’ của Thần Palden Lhamo. Nơi đây cũng có một khu vực dành cho nghi lễ thiên táng.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy PAP cũng đang chiếm đóng nơi này. Họ đang quản lý một trạm năng lượng Mặt trời và một trụ viễn thông. Hình ảnh vệ tinh từ các nguồn mở cũng cho thấy các lá cờ tôn giáo của người Tây Tạng đang tung bay trên ngọn núi.
Quốc Hùng, theo The Print