Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng cho biết, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã kiểm soát hầu hết các cơ quan nội bộ của Liên Hợp Quốc bằng cách nâng đỡ các nhà lãnh đạo nội bộ của tổ chức này, bao gồm cả Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom.
Liên Hợp Quốc có tổng cộng 15 cơ quan chuyên môn, trong đó 4 cơ quan có người lãnh đạo là đại diện của Trung Quốc. Ngoài ra còn có hơn 20 đại diện khác của Trung Quốc giữ các vị trí lãnh đạo trong các thực thể khác của Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức thương mại và tài chính quốc tế, ví dụ như tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Đại diện của chính quyền Trung Quốc cũng giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ cấu chủ yếu của nội bộ Liên Hợp Quốc, ví dụ như ông Tuyết Hãn Cần, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế, ông từng là Đại sứ của ĐCSTQ tại Hà Lan.
Thông qua dịch bệnh lần này có thể thấy ảnh hưởng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Liên Hợp Quốc đã quá rõ ràng. WHO đã bao che cho ĐCSTQ và trì hoãn thông báo về sự bùng phát của dịch bệnh, hơn nữa còn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh, điều này đã khiến cho cộng đồng quốc tế lên án.
Lại nói về dự án “Một vành đai, một con đường” (hay còn gọi là Sáng kiến vành đai và con đường) của ĐCSTQ, các quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc vẫn thường hết mực ca ngợi Trung Quốc về việc khởi xướng dự án này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres phát biểu: “Sáng kiến ‘Một vành đai một con đường’ có tiềm năng rất lớn, nó bao trùm cả châu Á, châu Âu, châu Phi, và mở rộng ra toàn thế giới. Nó có ý nghĩa rất sâu sắc về cả mặt địa lý và chiến lược”.
Nhưng trên thực tế, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã mang đến một cuộc khủng hoảng nợ cho các nước đang phát triển tham gia vào đó, chủ quyền của họ đã bị suy yếu. Các nhà phê bình tin rằng món nợ mà ĐCSTQ cho vay là một “món nợ ngoại giao”.
Sáng kiến ”Một vành đai, một con đường” đã được ĐCSTQ thực thi vào năm 2013. Hiện tại, có hơn 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để tham gia hoặc hợp tác xây dựng dự án này.
Vào tháng 5/2019, Lục Húc, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Calgary, Canada, đã đăng tải một bài viết có chữ ký trên tờ Calgary Herald với tựa đề “Lợi ích của sáng kiến vành đai và con đường đối với tỉnh bang Alberta”, bài viết đã ca ngợi sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc đối với dự án này.
Năm 2016, Trung Quốc đã ký với Liên Hợp Quốc một thỏa thuận 10 năm, trong đó hứa hẹn sẽ viện trợ 20 triệu đô la Mỹ vào Quỹ Hòa bình và Phát triển của Liên Hợp Quốc mỗi năm.
Quỹ Hòa bình và Phát triển có một ban chỉ đạo chịu trách nhiệm đề xuất các dự án cho Tổng thư ký LHQ. Có 4 thành viên trong tổng số 5 thành viên của ban chỉ đạo là người Trung Quốc, một trong số họ là Lưu Chấn Dân, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ. Hiện tại Lưu đang giữ chức Tổng thư ký của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc.
ĐCSTQ còn lợi dụng mối quan hệ với châu Phi để chi tiền mua phiếu bầu nhằm hỗ trợ các đại diện chính trị của mình tại Liên Hợp Quốc.
Vào ngày 23/6/2019, Khuất Đông Ngọc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp của ĐCSTQ, đã được bầu làm Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc. Đây là tổ chức có nhiệm vụ đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và động vật, vốn rất quan trọng đối với an toàn thực phẩm toàn cầu và ngành nông nghiệp.
Theo báo cáo cho biết, ĐCSTQ đã chi hơn 200 triệu đô la Mỹ để xóa nợ và tăng quyên góp cho một số nước châu Phi để đổi lấy phiếu bầu.
Chẳng hạn, sau khi Trung Quốc hủy khoản nợ 70 triệu đô la của Cameroon, các ứng cử viên của nước này đã rút khỏi cuộc bầu cử.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xoá các khoản nợ khổng lồ cho Congo, Zambia và Madagascar, hiện tại danh sách này vẫn còn đang tiếp tục gia tăng.
Chuyên gia châu Phi David Sheen nói rằng, ĐCSTQ quan tâm đến 54 quốc gia châu Phi cùng 54 phiếu bầu trong cuộc bầu cử của các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ “Trung Quốc Tri Thức báo”, Sheen nói rằng nếu ĐCSTQ có sự hỗ trợ của hầu hết các nước châu Phi, thì nó sẽ “đảm bảo có một số lượng lớn phiếu bầu cho vị trí của mình, đặc biệt là các vị trí trong các cơ quan chuyên môn như Hội đồng Nhân quyền LHQ”.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (2017-2018) đã nói: “Trong một thời gian dài, Hội đồng Nhân quyền là một tổ chức bảo vệ những người vi phạm nhân quyền”.
Bà Haley cũng nói rằng các quốc gia vi phạm nhân quyền liên tục gia nhập Hội đồng Nhân quyền, hơn nữa một chính quyền vô nhân đạo nhất thế giới vẫn đang trốn tránh việc bị thẩm tra.
Chính quyền ĐCSTQ đã bị chỉ trích nghiêm trọng vì các hành vi vi phạm nhân quyền, thế nhưng vào tháng 4 năm nay, đại sứ ngoại giao Trung Quốc tại Geneva, ông Tưởng Đoan, đã trở thành thành viên của nhóm chuyên gia Hội đồng Nhân quyền và có quyền ra quyết định chọn chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Hillel Neuer, giám đốc điều hành của tổ chức UN Watch, Liên Hợp Quốc, cho biết hành động của Liên Hợp Quốc là vô lý và phi đạo đức. Ông đã đăng trên twitter rằng: “Điều này không khác gì những kẻ ‘vừa đốt nhà người ta vừa kêu la chữa cháy'”.
ĐCSTQ và hệ tư tưởng của nó đã và đang xâm nhập vào thế giới. Những ảnh hưởng xấu và các mối đe dọa mà nó mang lại đang ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế.
Gia Hưng (Theo NTDTV)