Mỹ đang gửi thực phẩm, nước và vật tư y tế đến thủ đô Beirut, Lebanon sau vụ nổ lớn khiến 154 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương.
Tờ Epoch TImes dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang cung cấp viện trợ quan trọng khẩn cấp cho Lebanon sau sự kiện kinh hoàng hôm thứ Ba ở Beirut. Mỹ xin gửi lời chia buồn tới tất cả gia đình những người đã mất trong thảm kịch này. Chúng tôi sát cánh cùng người dân Lebanon và sẽ tiếp tục ủng hộ hết mình trong thời gian khó khăn này”.
Đại sứ quán Mỹ tại Beirut đang xác định nhu cầu viện trợ bổ sung. Một Nhóm Ứng phó Hỗ trợ Thảm họa của Mỹ đã được triển khai để điều phối và cung cấp viện trợ đến người dân.
Sau khi vụ nổ phá hủy hầm chứa ngũ cốc lớn duy nhất của Lebanon, các cơ quan Liên Hợp Quốc đã cung cấp thực phẩm và viện trợ y tế khẩn cấp cho Beirut. Các quốc gia Ả Rập, phương Tây, Vatican… cũng đã đề nghị viện trợ cho nước này.
Vụ nổ hôm 4/8 đã phá hủy một vùng Beirut và gây ra những làn sóng địa chấn quanh khu vực. Nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa được xác định. Tổng thống Lebanon không loại trừ khả năng là một cuộc tấn công.
“Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ nổ. Có khả năng là can thiệp từ bên ngoài bằng tên lửa, bom hoặc hành động khác”, Tổng thống Lebanon Michel Aoun nói với truyền thông địa phương.
Ông Aoun cho biết cuộc điều tra cũng sẽ xem xét khả năng vụ nổ là do sơ suất hoặc tai nạn. Trước đó, ông cho hay vật liệu gây nổ là 2.750 tấn amoni nitrat được cất trữ không an toàn trong nhiều năm tại cảng. Ông nói thêm, cho đến nay đã có 20 người liên quan bị giam giữ.
Hôm 6/8, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay vào một đám đông ở Beirut, khi người dân bùng lên sự tức giận đối với giới cầm quyền, những người đã khiến nền kinh tế nước này sụp đổ.
Các quan chức cho biết vụ nổ có thể gây thiệt hại lên tới 15 tỷ đô. Đó là hóa đơn mà Lebanon không thể thanh toán sau khi vỡ hàng núi nợ và các cuộc đàm phán cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị đình trệ. Nhiều bệnh viện đã bị hư hại nặng nề do sóng xung kích xé toạc cửa sổ và trần nhà.
“Tôi đã trải qua một phần của cuộc nội chiến. Tôi từng thấy người ta bị bắn trước mặt tôi. Nhưng chưa bao giờ có chuyện kinh hoàng như vậy”, bác sĩ Assem Al Hajj nói. Bệnh viện Clemenceau nơi ông làm việc đang điều trị cho 400 nạn nhân trong vụ nổ.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)