Kể từ khi liên quân quốc tế tiến hành chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng ở Iraq và Syria, hơn 10 nghìn chiến binh của nhóm phiến quân này đã bị tiêu diệt, Mỹ hôm 3/6 cho biết.
“Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều tổn thất bên trong Daesh (tên tiếng Srrab của ISISIS) kể từ khi chiến dịch không kích bắt đầu“, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken phát biểu hôm 3/6. Ông cũng nói thêm rằng số lượng tay súng cực đoan bị tiêu diệt lên đến hơn 10.000 tên.
Theo Blinken, cuộc chiến chống ISIS thực sự đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, ISIS vẫn duy trì hiện diện và giành thế chủ động tại nhiều địa điểm ở Iraq và Syria.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi liên quân nhóm họp tại Paris, tập trung bàn thảo về cách ngăn chặn sự bành trướng của ISIS, kết thúc mà không thể thống nhất bất kỳ chiến lược mới nào.
Các đại diện đã hậu thuẫn cho kế hoạch của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nhằm tái chiếm thành phố Ramadi, nơi bị phe ISIS chiếm hồi tháng 5 và cũng là chuyện mà ông coi là “thất bại” của cộng đồng quốc tế.
Trong một tuyên bố chung, các quốc gia dự hội nghị cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự thông qua cung cấp các trang thiết bị, huấn luyện quân đội đồng minh và triển khai không kích ISIS. Đại diện các nước đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc cải cách chính phủ và hòa giải dân tộc ở Iraq nhằm chấm dứt tình trạng phân chia bè phái. Ngoài ra, việc tìm kiếm một giải pháp chính trị hữu hiệu cho Syria cũng rất cần thiết.
Trong cuộc phỏng vấn với France Inter hôm 3/6, ông Blinken nói rằng chiến dịch của liên quân không phải là một thất bại. “Đã có tiến triển quan trọng, nhưng Daesh vẫn có khả năng phục hồi cao và vẫn có khả năng nắm thế chủ động“.
Ông Blinken cho biết, hiện nay ISIS tại Iraq kiểm soát chưa tới 25% diện tích so với thời điểm liên quân bắt đầu các cuộc không kích hồi tháng 8/2014, và nhóm này đã chịu tổn thất lớn về nhân mạng cũng như vật chất.
Nhưng ông cũng thừa nhận những bước thụt lùi gần đây, gồm cả việc mất Ramadi, nơi binh lính Iraq bỏ chạy bất chấp có số lượng áp đảo so với phe ISIS tấn công thành phố.
Trong một diễn biến riêng rẽ, hôm 3/6, Đại sứ Iraq tại Pháp Fareed Yasseen đã hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ trong việc gửi 2.000 tên lửa AT-4 tới nhằm đối phó với các vụ đánh bom tự sát bằng xe tải, cách mà ISIS sử dụng làm suy yếu, mất tinh thần các lực lượng chính phủ tại Ramadi.
“Pháp sẽ trao cho chúng tôi các vũ khí, đạn dược tương tự và chúng tôi đang thảo luận về các dự án hợp tác khác“, ông Yasseen nói với kênh phát thanh Europe 1.
Hôm 2/6, Thủ tướng Iraq thúc giục liên quân hãy hỗ trợ thêm nữa cho chính phủ ông, gồm cả việc cho phép lấy vũ khí từ các nước đang bị áp lệnh trừng phạt là Iran và Nga.
Theo BBC