Khi rượu bia đang là một trong những nguyên nhân chính của những vụ tai nạn giao thông hiện nay, các đơn vị chức năng đã họp dự thảo, đưa ra mức phạt mới. Theo đó, đối với người điều khiển xe máy, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt từ 2 – 3 triệu đồng.
Sử dụng rượu bia tham gia giao thông là điều không hiếm gặp tại Việt Nam. Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã và đang là một trong những nguyên nhân chính, đáng báo động gây nên tai nạn giao thông hiện nay.
Trước thực trạng trên, chiều 25/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã tổ chức, chủ trì cuộc họp dự thảo sửa đổi, bổ sung cho nghị định 46 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tại Hà Nội.
Dự thảo nghị định này đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý lần 2 quy định phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng đối với người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu (0,25mg/l khí thở).
Tức, chỉ cần có nồng độ cồn trong máu thì người tham gia điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt, dù trước người lái xe máy chỉ bị phạt khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu (0,25mg – 0,4mg/l khí thở).
Ngoài bổ sung mức phạt trên, dự thảo nghị định này cũng tăng các mức phạt khác liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu.
Đối với người điều khiển môtô, xe máy:
-
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg – 80mg/100ml máu (0,25mg đến 0,4mgm/l khí thở), tăng mức phạt từ 1-2 triệu đồng lên 4-5 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 16-18 tháng (hiện tại tước bằng lái xe từ 1-3 tháng).
-
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu (0,4mg/l khí thở) sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng (hiện tại tước bằng lái xe từ 3-5 tháng).
Đối với người điều khiển ôtô:
-
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu (0,25mg/l khí thở), tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 10-12 tháng so với 1-3 tháng như hiện nay.
-
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu (vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/l khí thở), tăng mức phạt tiền từ 7-8 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng và tước bằng lái xe từ 16-18 tháng thay vì 3-5 tháng như hiện nay.
-
Trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu (0,4mg/l khí thở), tăng mức phạt tiền từ 16-18 triệu đồng lên 30-40 triệu đồng và tước bằng lái từ 22-24 tháng thay cho 4-6 tháng như hiện nay.
Đáng chú ý là dự thảo nghị định này cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp làm căn cứ để xác minh, phát hiện hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Theo nguồn tin của ban soạn thảo nghị định 46 trên của Chính phủ thì sự thay đổi về Luật phòng, chống tác hại của rượu bia vẫn đang được lấy ý kiến và nếu dự thảo trên thông qua thì nó sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Vũ Tuấn (t/h)