Tinh Hoa

Châu Âu tổn thất do lệnh trừng phạt Nga

Sau khi châu Âu quyết định kéo dài hiệu lực các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, Moscow lập tức phản đòn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh gia hạn thêm 1 năm các biện pháp trả đũa kinh tế. Việc trả đũa kinh tế lẫn nhau không chỉ khiến kinh tế Nga bị ảnh hưởng mà cả châu Âu cũng đang gánh chịu những tổn thất lớn.

Châu Âu đang trả giá cho chính sách cứng rắn đối với Nga. Theo nghiên cứu gần đây nhất của Viện kinh tế Áo Wifo, hơn 2 triệu việc làm trong Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ bị đe dọa, thiệt hại do chính sách trừng phạt Moscow có thể lên tới 100 tỷ EUR. Trong quý I-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường Nga giảm 33,6%.

Trong mùa đông vừa qua, khối lượng du khách Nga sang Pháp trượt tuyết giảm 27%… Trong khi đó, hạn chế giao thương với Nga đe dọa cướp đi 1% GDP của nước Đức. Chỉ riêng ngành nông nghiệp và chăn nuôi, nhiều thành viên EU như Tây Ban Nha, hay Italia, Hà Lan bị tác động mạnh do Nga ngưng nhập rau quả, thịt bò và sữa của châu Âu.

Việc EU vừa gia hạn thêm 6 tháng lệnh cấm vận nhắm vào nước Nga không được các doanh nhân châu Âu tán đồng. Chính vì vậy, tại Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg được tổ chức từ ngày 18 đến 20-6 vừa qua, lãnh đạo các đại tập đoàn dầu khí của châu Âu đều có mặt. Từ Shell đến BP, từ Total đến Eni đều đã có những buổi làm việc với các đối tác như Gazprom hay Rosnef.

Tập đoàn phân phối hàng đầu của Đức là Metro hay ông vua trong ngành xây dựng của Pháp Vinci cũng đã không bỏ lỡ cơ hội đến thăm Saint Petersburg vào dịp này. Theo ban tổ chức, sau 3 ngày hội họp, hơn 200 thỏa thuận, hợp đồng hay thỏa thuận ghi nhớ, tổng trị giá lên tới hơn 5 tỷ EUR đã được ký kết trong dịp này. Tập đoàn dầu khí Gazprom thông báo đã ký thỏa thuận với Shell và E.ON (Đức), OMV (Áo) để mở rộng hệ thống đường ống đưa khí đốt của Nga sang bắc Âu, qua biển Baltic.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất tại diễn đàn là việc Hy Lạp đạt được thỏa thuận với Nga về một dự án xây dựng đường ống khí đốt Turk Stream. Tổng trị giá dự án lên tới 2 tỷ EUR. Công trình xây dựng được trao cho một liên doanh Nga và Hy Lạp thực hiện. Trong tương lai Turk Stream có thể cung cấp đến 47 tỷ m3 khí đốt cho các khách hàng châu Âu.

Hợp tác năng lượng giữa Moscow-Athens là một vố đau đối với Brussels và Washington. Hy Lạp đang xích lại gần Nga, quốc gia cả châu Âu lẫn Hoa kỳ cùng đang muốn trừng phạt vì đã can thiệp vào Ukraine. Trong khi đó, Hoa Kỳ không hài lòng trước viễn cảnh dự án Turk Stream cho phép Moscow mở rộng ảnh hưởng trên thị trường dầu khí châu Âu.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg trong một buổi thảo luận.

Theo cách nhìn của các quan chức Nga, biện pháp trả đũa chống lại các nhà sản xuất châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Australia… sẽ phát huy tác dụng hỗ trợ phát triển kinh doanh trong nước. Vì thế, nhiều nhà sản xuất nội địa còn mạnh dạn đề xuất nên nới rộng danh sách các sản phẩm cấm những sản phẩm nhập từ phương Tây như hoa tươi hoặc chocolate.

Theo nhận định của Giám đốc điều hành Viện Kinh tế Pháp-Nga tại Moscow Arnaud Dubien, trong số những khó khăn của Nga chỉ có từ 20-25% do các biện pháp trừng phạt gây nên. Kinh tế Nga đã không trên đà sụp đổ như tính toán của phương Tây. Hơn 1 năm qua, người dân Nga đã bắt đầu thích nghi với tình huống này.

Thậm chí nhiều người đã bắt đầu quên Nga đang bị châu Âu và Hoa Kỳ trừng phạt, họ chỉ chú tâm khắc phục hậu quả của những khó khăn trong đời sống hàng ngày. Do vậy, nếu chính sách trừng phạt nước Nga kéo dài, bất lợi trước hết cho chính các doanh nghiệp châu Âu hay Hoa Kỳ muốn hay đang hoạt động tại Nga.

(Tổng hợp)

Theo SGGP – Đầu Tư Tài Chính