Không ít quán cơm, tiệm bán nước giải khát nằm ở cửa ngõ TP HCM mặc sức “chặt chém” khi khách vào ăn uống.
Sáng 5/8, trong vai hành khách đi từ tỉnh Vĩnh Long lên TP HCM, chúng tôi tấp vào quán ăn Trúc Mai (ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM) để nghỉ ngơi. Nhìn mặt tính tiền Không gian nơi đây khá bình dân, chỉ vài cái bàn nhựa, hàng chục chiếc võng. Chúng tôi gọi 1 đĩa cơm, chai nước ngọt. 5 phút sau, nhân viên quán bưng đĩa cơm với 3 con tôm nhỏ và nước theo yêu cầu. Đến khi tính tiền, nhân viên hét giá 85.000 đồng. Chúng tôi hỏi lại: “Có tính nhầm không?”, người này đáp: “Đĩa cơm 50.000 đồng, chai nước 30.000 đồng, khăn lạnh 5.000 đồng”. “Tôi không dùng khăn lạnh, cơm chỉ 3 con tôm nhỏ, chai nước ngọt quán cà phê lề đường cũng cao lắm 20.000 đồng. Sao ở đây lại tính giá trên trời vậy?” – chúng tôi trình bày. Nghe vậy, nhân viên này bỏ đi và một lúc sau thì chủ quán đến tuyên bố: “Khu vực này quán nào cũng thế, giá vậy là… thường thôi”. Cạnh chúng tôi, một cụ bà và người con trai khoảng 45 tuổi đi từ Long An lên TP HCM cũng vừa vào quán nghỉ chân để lấy sức tiếp tục hành trình. Họ gọi 2 khăn lạnh, 1 chai nước suối. Lúc tính tiền, bà cụ đưa 20.000 đồng nhưng nhân viên báo giá 25.000 đồng. Sau một lúc ngập ngừng, hai mẹ con đành móc thêm 5.000 đồng trả với vẻ mặt không vui.
Chiều cùng ngày, một nhóm khách nữ chạy xe máy vào quán và gọi 1 trái dừa, chai sữa đậu nành, ly cà phê đá. Lúc tính tiền, nhân viên thu 165.000 đồng. Cụ thể, 70.000 đồng dừa tươi, 35.000 đồng sữa đậu nành, 35.000 đồng cà phê đá, 25.000 đồng/5 cái khăn. Nhóm này cau mặt nhưng rồi cũng “bấm bụng” móc tiền ra trả. Lúc lên xe, cả nhóm nói với nhau: “Lần sau chẳng dám đến”. Các ngày trước đó, chúng tôi ghi nhận số tiền mà quán Trúc Mai thu của khách đều cao hơn so với những quán xung quanh từ 10.000 đến 30.000 đồng/món. Sở dĩ, quán Trúc Mai luôn có rất đông khách đến do vị trí khá tốt, thoáng mát và đặc biệt có võng cho khách ngả lưng. Một người dân sống gần đây cho biết vào dịp cuối tuần, quán này rất đông, khách đến chỉ là dân vãng lai chứ người địa phương chẳng ai vào. “Quán này nhìn mặt khách mà tính tiền, ai ngơ ngác thì bị “chém” liền. Hôm trước, có người vào gọi đĩa cơm sườn, trứng chiên. Nhân viên của quán bưng ra 1 đĩa cơm nhỏ, chẳng có chén canh nào rồi tính giá 60.000 đồng. Khách to tiếng một hồi rồi cũng trả tiền, còn mấy người trong quán thì cười khúc khích” – người này kể. Hỏi giá vẫn bị “cắt cổ” Còn rất nhiều quán cơm, tiệm bán nước giải khát nằm ở cửa ngõ về miền Tây thường xuyên “chặt chém” khách. Theo hướng từ TP HCM về TP Tân An, tỉnh Long An, khi vừa xổ dốc cầu Bến Lức (huyện Bến Lức), có rất nhiều quán nước giải khát chỉ treo tấm bảng với dòng chữ: “Cà phê võng”. Theo người dân địa phương, tại khu vực nói trên có quán ông Long khét tiếng hét giá trên trời. Vào quán ông Long, chúng tôi gọi 2 ly cà phê đá. Sau 30 phút nghỉ ngơi, lúc tính tiền, một thanh niên đến lấy 100.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc quán lề đường sao giá lại cao đến vậy, người này trả lời cộc lốc: “Không biết. Tôi là nhân viên, chủ nói giá nhiêu thì bán vậy”. Chúng tôi đòi xem bảng giá thì người này cho biết quán bình dân nên không có, sau đó tỏ vẻ cau có: “Giá vậy đó, được chưa? Muốn gì?”. Không đồng ý với giá cao chót vót, chúng tôi yêu cầu gặp chủ quán hoặc gọi điện thoại đến công an địa phương để làm rõ. Lúc này, người thanh niên quay vào bên trong quán, cầm điện thoại bấm gọi liên tục. Vài phút sau, một người đàn ông từ bên hông nhà bước tới nói: “Thôi, thằng em tính nhầm, 2 ly chỉ 70.000 đồng nhé”. Chúng tôi hỏi lại: “Sao nhầm được?” thì ông ta tỉnh bơ: “Trứng vịt còn lộn nữa mà. Chú em thông cảm!”. Quay trở lại TP HCM, chúng tôi tiếp tục đến một quán ăn dọc quốc lộ 1 (đoạn huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lúc 13h30 ngày 2/8, một khách hàng tầm 30 tuổi kêu tính tiền thì chủ quán thu 20.000 đồng/chai nước tăng lực. Ít phút sau, 2 thanh niên tầm 20-22 tuổi tính tiền thì lại thu 35.000 đồng/chai tăng lực. Sau một hồi theo dõi, chúng tôi bước vào quán, trước khi uống hỏi giá nước ngọt, người phục vụ cho biết 20.000 đồng. Tuy nhiên, lúc tính tiền lại lấy 35.000 đồng/chai. Khi chúng tôi phản ứng, người này chống chế: “Nói nhầm! Quán bán hồi giờ giá đó”. Anh Phạm Phú Lộc (quê huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bức xúc: “Trong những lần về quê, tôi đã nhiều lần bị “chặt chém”. Có đợt, vào ăn đĩa cơm với canh chua mà phải móc hầu bao đến 120.000 đồng vì biết có ý kiến thì sẽ sinh chuyện rắc rối”. Hầu hết từ nơi khác đến Người dân địa phương cho biết hầu hết những quán ven Quốc lộ 1, đoạn khu vực Bình Chánh (TP HCM), Long An đều không phải là người dân địa phương buôn bán mà từ nơi khác đến thuê đất để kinh doanh. Giữa năm 2014, đoạn giáp ranh TP HCM và Long An, ngoài quán Trúc Mai thường xuyên “chặt chém” du khách còn có quán tên Thư Giãn của ông Phùng. Sau đó, bị nhiều người “tố” nên ông này đã trả mặt bằng và đi nơi khác kinh doanh. Theo Lê Phong/Người Lao Động |
Theo Zing