Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hồ Duy Hải đều nhận tội, đặc biệt từ bản lời khai đầu tiên, Hải đã tự viết ra “khá chi tiết nội dung vụ án” chứ không phải qua hỏi cung.
Đây là những thông tin được Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định trước Quốc hội vào sáng 15/6. Ông cũng khẳng định trong đơn gửi Chủ tịch nước sau phiên tòa sơ thẩm, Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hải ở ngoài trại giam.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích vấn đề ‘Hồ Duy Hải có oan sai hay không’?
Ông Bình cho biết vụ án xảy ra từ năm 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp. Đoàn giám sát oan sai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 đã xem xét. Đặt vấn đề “Hồ Duy Hải có oan sai hay không, có phạm tội hay không?”, ông Bình bắt đầu phân tích về căn cứ kết tội của tòa án.
Cụ thể, hồ sơ vụ án thể hiện Hồ Duy Hải quen hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Tối 13/1/2008, Hải đến đó chơi. Vân đang trực, Hồng đang nghỉ nên anh ta nói chuyện với Hồng. Trong quá trình nói chuyện, Hải có hành vi thân mật và có ý định quan hệ tình dục với Hồng nên đưa tiền cho Vân ra ngoài mua trái cây.
Ở nhà, Hải dẫn Hồng vào buồng ngủ và bị phản ứng đạp vào bụng. Hồng vùng chạy, Hải đuổi theo. Hồng ngã gần cái thớt nên Hải dùng thớt gây án. Lát sau, Vân đi mua hoa quả về và cũng bị sát hại.
Khi cơ quan điều tra cho mô tả hiện trường, Hải mô tả chính xác những đồ vật có mặt ở đó. Điều này được cơ quan điều tra đánh giá rằng “nếu không có mặt thì không mô tả được”.
Bưu điện là nơi công cộng, những đồ vật trong phòng ngủ của Hồng, nếu không có mặt ở hiện trường thì không biết được. “Vị trí những đồ vật rời như con gấu, tờ báo, cốc nước… nay có thể để chỗ này, mai chỗ khác, nhưng các vật đó Hải đã mô tả chính xác vị trí”, ông Bình nói.
Hải được xác định gây án bằng thớt, bản ảnh hiện trường là chiếc thớt dính máu nằm bên cạnh đầu Hồng. Đỉnh đầu Hồng có một vết thương. Điều này được cho là phù hợp với kết luận pháp y xác định có tác động của vật cứng mặt phẳng.
Ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết Hải lấy được những gì. Nhưng Hải khai sau khi giết hai cô gái đã lấy tiền và một số sim card và nữ trang. Nội dung này phù hợp với thông tin từ gia đình, bưu điện, người thân nạn nhân về những đồ vật, tài sản bị mất, ông Bình cho hay.
Cơ quan điều tra yêu cầu khai địa chỉ tiêu thụ, Hải vẽ chính xác địa chỉ nơi tiêu thụ ở cửa hàng vàng và cửa hàng tiêu thụ đồ cũ; tả đúng về người giao dịch. Cơ quan điều tra xác minh chiếc điện thoại cũ ở thời điểm đó có giá 200.000 đồng. Hải khai bán được đúng số tiền này.
“Cách thanh toán và giá cả những đồ trang sức đã bán phù hợp với phương thức Hải đã khai. Quá trình bán vàng, do sợ bị theo dõi, Hải không nhìn vào người mua vàng ở cửa hàng mà nhìn ra bên ngoài xem có bị ai theo dõi không”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Giải thích lý do vật chứng là chiếc thớt bị mất, người đứng đầu ngành tòa án cho biết, ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết cái thớt là hung khí. Đến khi bắt được Hải khai dùng cái thớt đập vào đầu nạn nhân thì mới biết thớt là hung khí, nhưng lúc biết thì “vật này đã bị dọn đi”.
Với con dao, Hải khai là dắt ở tường và chỉ có Hải mới biết con dao này. Khi khám nghiệm hiện trường, ông Bình cho biết có 3 dân phòng tham gia khám nghiệm đã vứt con dao đi, cơ quan điều tra tìm không được nên cho 3 dân phòng mô tả dao này.
“Dư luận nói cơ quan điều tra mua dao về thay hung khí nhưng hồ sơ vụ án không có chỗ nào mua dao về thay hung khí cả. Công an mua dao, thớt, vật tương tự để cho Hải và những người có liên quan nhận có phải hung khí hay không? Kết quả, trước một loạt các con dao, Hải chỉ đúng loại dao gây án”, ông Bình trình bày.
Sau giải thích của ông Bình, đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) cho biết đoàn đại biểu Quốc hội địa phương chưa nhận được ý kiến nào của nhân dân, cử tri về vụ án Hồ Duy Hải. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Long An đã tập hợp ý kiến cử tri nhưng cũng không có ý kiến về vụ việc.
VKSND: ‘Vụ án Hồ Duy Hải còn nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ’
Trước đó, cuối tháng 5, báo cáo Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, VKSND Tối cao cho rằng vụ án Hồ Duy Hải còn nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ; đề nghị chỉ đạo, xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hôm 8/5.
Theo VKS, việc sử dụng thời gian của Hải thể hiện anh ta không thể có mặt ở Bưu cục Cầu Voi (tỉnh Long An) trước thời điểm nhân chứng Đinh Vũ Thường đến gọi điện thoại lúc 19h39 như cáo buộc của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Bởi lúc 19h13 Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ cách đó khoảng 7,5 km.
Tại hiện trường có 5 dấu vân tay nhưng chưa làm rõ được là của ai
Ngoài ra, VKSND Tối cao cũng cho biết quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra thu giữ 5 dấu vân tay – giám định không phải của Hải nhưng chưa làm rõ dấu vân tay của ai;
Cơ quan này cũng chưa làm rõ thời điểm 2 nạn nhân chết để xác định Hải có hay không phải hung thủ và con dao bị cáo mô tả dùng gây án có khả năng gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân không.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan; vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng khi bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay.
Theo bản án đã có hiệu lực, tối 13/1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, Long An bị sát hại. Hồ Duy Hải bị cáo buộc là hung thủ. Qua hai cấp xét xử tại TAND tỉnh Long An và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, Hải bị tuyên phạt mức án tử hình.
Chiều 8/5 Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ công bố Quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải với nhận định hai cấp xét xử tuyên Hải phạm tội Giết người và Cướp tài sản “là có căn cứ, không oan” và cho biết có 18 căn cứ để chứng minh kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm là “không có căn cứ để chấp nhận”.
Vũ Tuấn (t/h)