Dựa cột mà nghe. Đây là bí quyết để Steve Jobs, người sáng lập tập đoàn Apple có được những kinh nghiệm tuyệt vời khi ông biết học hỏi từ những cái cột lớn hơn mình.
Năm 12 tuổi, Steve Jobs tham gia một câu lạc bộ được dành cho những con mọt công nghệ mang tên Câu lạc bộ những người khám phá Hewlett-Packard (The Hewlett-Packard Explorers Clubs). Tại đây, ông được trải nghiệm một trong những bước đột phá kì diệu nhất của loài người. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy một chiếc máy tính để bàn với tên gọi 9100A và nó nặng tới 18kg.
Bất kỳ ai tham gia câu lạc bộ đều được khuyến khích xây dựng những dự án của riêng mình dưới sự hỗ trợ từ những kỹ sư tại HP. Vì vậy, Jobs quyết định tạo ra một chiếc máy đếm tần số, đo lường số lượng xung điện trên một giây trong một tín hiệu điện tử.
Ông cần một số linh kiện để hoàn thành tác phẩm của mình và khi biết rằng những vật dụng này được sản xuất tại HP, ông đã nhấc máy lên gọi tới trụ sở của công ty, nhưng đáp lại là sự từ chối vì họ không thể cung cấp được do những con số chưa được thống kê.
Và như vậy, với sự tự tin kỳ lạ của một học sinh lớp 8, Jobs đã tìm trong cuốn niêm giám điện thoại Palo Alto để gọi điện tới trực tiếp tới nhà Bill Hewlett, người sáng lập ra HP.
“Bill đã trả lời điện thoại và mọi thứ sau đó đều tốt đẹp,” Jobs nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn năm 1985. Sau cuộc trò chuyện 20 phút, Bill không những giải đáp những câu hỏi của Jobs mà còn đưa cho ông những thứ ông cần và còn đề nghị chàng trai trẻ làm việc ở công ty, nơi sản xuất những chiếc máy đếm tần số.
Jobs sẽ làm tại HP vào mùa hè và cha ông là người tài xế đưa đón ông đến công ty. Công việc chủ yếu của Jobs là đặt những đai ốc và bu lông vào linh kiện trong dây chuyền sản xuất. Lúc đó, những người công nhân trong dây chuyền sản xuất đều tỏ ra bất mãn với một đứa trẻ khó ưa, người đã thuyết phục để được vào làm bằng cách gọi điện cho CEO.
Jobs nói: “Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến đây làm việc và quá háo hức đến nỗi không thể kìm nén được sự vui sướng cũng như hạnh phúc khi được đứng trong hàng ngũ nhân viên của Hewlett-Packard. Tôi yêu thích thế giới điện tử và hỏi người quản lý tên Chris của tôi rằng ông thích làm cái gì nhất.”
Như thể người ngoài hành tinh đáp xuống trái đất, Chris nhìn ông giận dữ và trả lời cụt lủn “chết tiệt, chết tiệt”.
Sau này, nhìn lại quá trình xin việc mà không có bằng cấp của mình, Jobs chia sẽ rằng hầu hết mọi người không có được những kinh nghiệm vì họ không bao giờ hỏi. Ông nói “hầu hết kinh nghiệm của ông đều đến từ việc hỏi người khác”. Chính tính cách tòi mò học hỏi đã giúp ông có được một công việc tại HP.
Thành công vì biết đứng trên vai của những gã khổng lồ
Will Rogers từng nói rằng chỉ có hai cách học hiệu quả trên đời: một là học từ sách vở và hai là học từ những người tài giỏi hơn. Bản chất của Jobs vốn không phải là mọt sách, ông là con mọt của công việc.
Rời khỏi chiếc ghế nhà trường do cảm thấy mình không học được gì từ giảng đường đại học, Jobs cho rằng đó là sự bồng bột nhất thời của ông khi còn trẻ. Vì thế, nhằm tiến thân và không ngừng phát triển, ông chỉ còn một con đường duy nhất là phải học thật giỏi từ trường đời.
Nhen nhóm niềm đam mê đầu tiên trong ông là người đã dẫn bước và cho ông kinh nghiệm làm việc tại HP là Bill Hewlett. Về sau, khi chứng kiến di sản mà Hewlett và Packard để lại bị hủy hoại bởi những con người kém cỏi, Jobs đã bật khóc vì tưởng nhớ đến công ơn của Hewlett.
Sự ra đời của Apple có công rất lớn của Nolan Bushnell. Nolan là người sáng lập công ty Atari và là cha đẻ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Ông cũng là người sếp của Jobs khi còn trẻ. Theo đồng sáng lập Apple, Wozniak nói rằng Jobs thần tượng và đã sáng lập Apple với cảm hứng có được từ Nolan.
Để cảm thụ được bản chất của một nghệ sĩ đích thực, ông học từ Bob Dylan. Jobs có đầy đủ các bài hát của Dylan trong từng thiết bị số của ông. Thậm chí, như nhiều bạn bè kể lại thì Jobs nghiện ca sĩ này tới mức hẹn hò với Joan Baez chỉ vì đây là bạn gái cũ của Dylan.
Còn để phát triển mô hình kinh doanh cho Apple, Jobs học theo từ ban nhạc huyền thoại được thành lập tại Liverpool, nước Anh là The Beatles. Họ là 4 chàng trai đã tạo nên sự cân bằng cho nhau và đó là niềm khao khát mà Jobs muốn có trong mã di truyền ở Apple.
Không có cạnh tranh, sẽ không có phát triển. Jobs luôn xem Bill Gates là bạn nhưng cũng là đối thủ trong cuộc chiến công nghệ.
Nhằm khơi nguồn cảm hứng làm việc, ông lấy hình mẫu từ nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, Gandhi, Henry Ford cùng với đó là hai nhà sáng lập của Intel, Andy Grove và Bob Noyce. Tất cả đều là người mạo hiểm và sẵn sàng đánh cược cả cuộc đời chỉ để có một cơ hội thay đổi thế giới.
Sức sáng tạo của Jobs không phải bẩm sinh đã có. Jobs đã học được từ cuộc hành hướng đến Ấn Độ và trải nghiệm cuộc sống khó khăn của người dân tại những ngôi làng nghèo đã giúp ông lĩnh ngộ được sức mạnh của trực giác. Và sự sáng tạo là một phần của cái quyền năng to lớn của trực giác.
Vì vậy, Jobs thành công là vì ông biết đứng trên vai của những gã khổng lồ.