Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO John Chen cho biết BlackBerry sẽ phải từ bỏ sản xuất smartphone nếu như nỗ lực hồi sinh hiện tại không thành công
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, CEO John Chen cho biết BlackBerry sẽ phải từ bỏ sản xuất smartphone nếu như nỗ lực hồi sinh hiện tại không thành công
Theo vị CEO đáng kính của BlackBerry, chỉ trong “trường hợp lý tưởng nhất“, BlackBerry mới có thể tiếp tục gắn bó với thị trường phần cứng smartphone bằng cách giảm bớt số lượng model, từ bỏ phân khúc giá rẻ và tập trung hơn nữa vào thị trường chính phủ hoặc thị trường người dùng chuyên nghiệp. Song, ông Chen cũng không tỏ ra quá kỳ vọng vào kịch bản này: “Một lúc nào đó, các định luật kinh tế sẽ lại được thể hiện rõ mà thôi“. Trong quý vừa qua, doanh thu BlackBerry lại giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Chen cho biết nếu như tình trạng hiện tại tiếp diễn, lựa chọn gắn bó với thị trường phần cứng sẽ là không hợp lý. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh BlackBerry đã liên tục đẩy quá trình sản xuất smartphone vào tay các đối tác gia công giá rẻ tại Đài Loan và Trung Quốc. Kể từ khi nắm quyền, ông Chen đã hướng BlackBerry vào mảng phần mềm với doanh thu bảo mật và dịch vụ ngày càng gia tăng. Mảng bảo mật của BlackBerry cũng đã thu hút được một số đối tác lớn như Google và Samsung. Tin đồn BlackBerry chuyển sang sản xuất smartphone Android cũng đã xuất hiện, dù rằng John Chen và đồng sự vẫn hoàn toàn kín tiếng về thông tin này.
Khi phần mềm khởi sắc, John Chen không còn nhiều lý do để ở lại với thị trường phần cứng quá khốc liệt. Nhưng phần cứng smartphone vẫn chiếm một nửa tổng doanh thu của BlackBerry trong năm tài chính gần đây nhất. Dâu Đen vẫn tiếp tục ra mắt các sản phẩm phần cứng mới như Passport, Classic và Leap. Tuy vậy, những chiếc smartphone giá rẻ như Leap có lẽ sẽ không có mặt trong tương lai của BlackBerry: “Chúng tôi phải ra mắt những chiếc smartphone cao cấp mà bạn có thể bước chân vào cửa hàng và hỏi mua với tư cách là một người dùng chuyên nghiệp. Sẽ là rất khó để cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc và Ấn Độ. Smartphone cấp thấp không phải là vị trí thuận lợi cho BlackBerry”. Sở dĩ BlackBerry vẫn tiếp tục gắn bó với phần cứng là do nhiều khách hàng chính phủ vẫn chưa cho phép nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc. Tuy vậy, theo chính lời của ông Chen, việc các đối thủ cạnh tranh lần lượt ra mắt các dòng điện thoại siêu bảo mật (ví dụ như chiếc smartphone tự hủy của Boeing) sẽ lấp đi chỗ trống của BlackBerry. Để thực sự thay máu cho BlackBerry trở thành công ty phần mềm, nhà lãnh đạo đã từng đem lại tia hy vọng cuối cùng cho Dâu Đen sẽ phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất từ trước đến giờ: vượt qua sức ép đến từ chính nội bộ công ty. Ngay chính ông cũng phải thừa nhận: “ADN của công ty này là phần cứng. Nhiều nhân viên giỏi đã trưởng thành từ quá trình xây dựng thiết bị”. Lê Hoàng Theo Bloomberg |
Theo VnReview