Tinh Hoa

Câu chuyện về nỗi kinh hoàng gia đình này phải gánh chịu sẽ khiến bạn biết trân quý tự do

Đôi lúc chúng ta than vãn, muộn phiền chỉ vì chuyện nhỏ nhặt, nhưng lại không biết rằng, trên thế gian này có những người, thậm chí rất tốt, đang phải trải qua hoàn cảnh khốc liệt mà đối với họ, tự do thôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Câu chuyện này sẽ giúp bạn biết trân quý tự do, trân qúy cuộc sống hơn.

Gia đình bà Vương tại Mỹ sau khi trải qua những năm tháng kinh hoàng ở quê hương. (Ảnh: Epoch Times)

Bà từng bị thẩm vấn trước đây, nhưng lần này tồi tệ hơn. Vương Tuệ Quyên, một giáo viên tiểu học đã trở thành “chiến lợi phẩm” và người bảo vệ ga tàu đã kiếm được một khoản hậu hĩnh vì bắt được bà. “Anh ta rất hăng hái truyền tin qua radio đến cảnh sát: ‘Chúng tôi tìm thấy một người luyện Pháp Luân Công nữa!’”, bà Vương nhớ lại. Trong chớp mắt, một số công an xuất hiện và bắt bà đến một trại giam địa phương.

Người bảo vệ lục soát đồ đạc của bà tìm thấy một số tờ rơi và đĩa DVD, giải thích chính sách khủng bố Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc và phơi bày chiến dịch tuyên truyền vu khống môn tu luyện. Cảnh sát yêu cầu bà khai ra nơi sản xuất tài liệu.

Vì không thể khiến bà nói ra nơi cung cấp, cảnh sát đã đập đầu bà vào tường, đánh vào mặt bà bằng một cây thước kim loại vớ được từ bàn làm việc bên cạnh. “Có rất nhiều máu. Mũi và miệng tôi đều chảy máu, họ đã làm thủng màng nhĩ tôi. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ: Ngay cả khi phải chết, tôi cũng không nói ra tên những người khác. Và tôi sẽ không từ bỏ niềm tin của mình”, bà Vương, hiện vẫn đang phải đeo máy trợ thính, kể lại.

Nhưng cái giá phải trả rất đắt

Bà đã phải trải qua 7 năm tiếp theo trong tù, bị tách khỏi chồng và con gái, phải chịu đựng những màn tẩy não, tra hỏi, đánh đập, bức thực, không cho ngủ, và tra tấn tâm lý,…

“Tất cả những gì họ muốn là “chuyển hóa”, nghĩa là anh phải ký một tuyên bố sẽ không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nữa. Nếu không chịu chuyển hóa, họ sẽ không để anh gặp gia đình, hoặc anh sẽ bị sa thải, hay các đồng nghiệp sẽ gặp rắc rối, hoặc chính cảnh sát sẽ bị trừng phạt. Họ được giao chỉ tiêu”, bà Vương nói. Và nếu đã ký một tuyên bố, đó cũng chưa phải là sự kết thúc tra tấn tâm lý; anh sẽ được dùng để chuyển hóa các học viên khác.

Khủng bố

Bà Vương và chồng, ông Lý đã ra vào các trại cưỡng bức lao động, trung tâm tẩy não và nhà tù liên tục suốt 10 năm, đơn giản chỉ vì họ không từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Khi cặp vợ chồng này bắt đầu thực hành Pháp Luân Công, môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, vào năm 1998, chính quyền Trung Quốc rất ủng hộ. Theo ước tính của nhà nước, hơn 70 triệu công dân đã tập luyện, và Cục Thể dục Thể thao cũng báo cáo những cải thiện đáng kể trên diện rộng về sức khoẻ và đạo đức người dân. Các công viên trên khắp cả nước tràn ngập những người tập công và thiền định buổi sáng.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại ủng hộ thuyết vô thần, và số lượng các học viên Pháp Luân Công ngày càng lớn đã khiến Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ ganh tị và sợ hãi sẽ đe dọa đến quyền lực của mình. Ngày 20/7/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch bức hại toàn quốc với chủ trương “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công trong vòng 3 tháng.

Năm 1999, Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch bức hại toàn quốc với chủ trương “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh: Falun Dafa Art)

Tuổi thơ bị đánh cắp

Phù Dao chỉ mới 6 tuổi khi cha mẹ lần đầu biến mất trong hệ thống trại cưỡng bức lao động. “Tôi đã rất xáo trộn, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi biết cha mẹ mình đúng, vì họ đứng lên cho những gì họ tin tưởng”, cô nói.

Sự quyết tâm của cô gái nhỏ bị khảo nghiệm ở mọi cấp độ. Các bạn cùng lớp đã xa lánh thậm chí nhổ nước bọt lên sách Phù Dao khi có mặt giáo viên ở đó. Bố mẹ cô hầu như không có ở nhà; người thân duy nhất là bà ngoại cũng đã ngã bệnh vì quá lo lắng cho con trai và con dâu. Tuy nhiên, không có sự tức giận cũng như oán hận nào trong thái độ của Phù Dao. Cô nói từ đầu đã biết cha mẹ không phạm tội. “Tôi rất trân quý những gì họ đã làm và chịu đựng”.

Giờ đây, trái tim bà Vương vẫn đau nhói khi nghĩ đến cảnh phải rời xa con. “Sau khi bị bắt, tôi lo lắng nhiều nhất là Phù Dao, con bé còn quá nhỏ, làm sao nó có thể đối mặt với tất cả những chuyện này?”

Một lần con gái đến thăm, bà hỏi, “Phù Dao à! Con muốn mẹ chuyển hóa rồi về nhà, hay vẫn giữ đức tin mà không làm trái với lương tâm? Nếu mẹ nói sự thật, họ sẽ vẫn giam mẹ ở đây. Tôi đã khóc, con bé lau nước mắt tôi rồi nói, ‘Mẹ à, mẹ phải là người công chính chứ. Mẹ không thể nói Pháp Luân Đại Pháp là xấu được’”.

Buộc phải chọn

Lần đầu từ quê hương Thiên Tân đi phản đối cuộc bức hại, ông Lý, cha của Phù Dao không cầm được nước mắt. Đó là tháng 10/1999 và Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành nơi phản đối chính do gần với chính phủ và vì những ký ức nó vẫn lưu giữ về vụ thảm sát sinh viên năm 1989. “Sáng hôm đó tôi đã ôm con gái vào lòng mà khóc, nghĩ rằng đây có thể là lần cuối cùng tôi nhìn thấy con bé”, ông Lý, một người dẫn chương trình truyền hình thành công nhớ lại.

Ông biết rõ những rủi ro của cuộc biểu tình ôn hòa. Kể từ tháng 7/1999, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và tống vào các trại cưỡng bức lao động, trung tâm tẩy não. Ông đã nghe những câu chuyện khủng khiếp về tra tấn và chết chóc.

“Nếu tôi không lên tiếng, thì ai sẽ làm điều đó đây? Và tôi đã đến Quảng trường Thiên An Môn với suy nghĩ có thể mình sẽ bị giết”. Lý Chân Quân

Ông Lý đã trải nghiệm những điều kỳ diệu khi tu luyện. Ông từng bị viêm gan B mãn tính, các bác sĩ nói không thể chữa khỏi. Tuy nhiên chỉ sau khi luyện các bài công pháp và đọc các bài giảng vài tuần, cơ thể ông đã trở nên khỏe mạnh. Đó là điều khiến ông quyết định đến Quảng trường Thiên An Môn dễ dàng hơn. “Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi cuộc sống thứ hai và nên được tập luyện tự do ở Trung Quốc”, ông Li nói.

Ông Lý bị bắt ngay khi bước chân vào quảng trường, vài ngày sau, ông bị kết án 3 năm tù trong một trại cưỡng bức lao động. Không thẩm phán, không bồi thẩm đoàn, chỉ có một viên cảnh sát đọc bản tuyên án trên một mẩu giấy. Ông đã bị giam bất hợp pháp trong nhiều năm chỉ vì học Pháp Luân Công.

Điều kiện sinh hoạt trong nhà tù vô cùng tệ hại. Ông phải ngủ trực tiếp trên tấm gỗ trong một căn phòng chật hẹp, ăn thức ăn ôi thiu. Trong suốt hơn 2 năm, ông bị cưỡng bức lao động khổ sai 16 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần, không lương, bị bỏ đói, tra tấn, đánh đập bởi những tù nhân khác,… Một lần, vì quá kiệt sức do bị tra tấn sau giờ làm việc và cảm thấy tuyệt vọng, ông đã bị ép viết tuyên bố ngừng tu luyện.

“Nhưng tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Trước khi viết là tra tấn thể xác; nhưng sau khi viết là tra tấn đạo đức và tâm lý”. Không lâu sau, ông đã hủy bỏ tuyên bố của mình và yêu cầu cảnh sát trả lại tờ giấy. Cảnh sát từ chối, và ông bị đánh thêm. Nhưng gánh nặng tâm lý đã được gỡ bỏ.

Lần đầu tiên bị bắt, ông Lý bị tra tấn bằng kỹ thuật “bay” trong khi thẩm vấn. Sau khi ở vị trí này hơn nửa giờ, cảnh sát đẩy ông xuống sàn nhà và tiếp tục đánh ông. (Minghui.org)

Phù Dao chỉ nhìn thấy cha 2 lần một năm, cách ly bằng kính và nói chuyện qua điện thoại, nhưng cô vẫn luôn khuyến khích ông tiếp tục. Ông được trả tự do khi mãn hạn tù, nhưng 18 tháng sau lại bị bắt và kết án 4 năm.

Đoàn tụ

Cuối cùng cả gia đình cũng được đoàn tụ vào năm 2009, sau khi bà Vương được thả và Phù Dao khi ấy 14 tuổi. Bà Vương không thể trở lại làm công việc giáo viên và ông Lý cũng bị buộc rời khỏi vị trí công việc trong đợt đầu bị bắt. Họ bắt đầu công việc kinh doanh tổ chức tiệc cưới, và cửa hàng cũng là nơi họ kể cho mọi người về cuộc bức hại và những tuyên truyền lừa dối của ĐCSTQ vẫn thấy trên truyền thông nhà nước.

“Lý do duy nhất giúp chúng tôi không bị bắt trở lại là vì trưởng phòng an ninh địa phương là bạn cũ của gia đình và ông biết vợ chồng tôi rất tử tế. Ông đã bảo vệ chúng tôi, nhưng cấp trên liên tục gây áp lực rất lớn”, bà Vương nói.

Quyết định ra khỏi Trung Quốc một phần vì họ lo lắng những người bạn sẽ bị tổn hại, cũng như sự an toàn của gia đình họ. “Trong tim tôi luôn hiện hữu nỗi sợ hãi gia đình bị chia ly lần nữa. Chúng tôi luôn lo lắng cảnh sát sẽ đến gõ cửa và các thành viên khác sẽ bị bắt”, bà nói.

Chạm đến tự do

Năm 2014, họ đã tìm cách chạy trốn và xin tị nạn ở Mỹ. “Khi đặt chân lên đất Mỹ, tất cả nỗi sợ hãi và lo lắng đã biến mất; chúng tôi cuối cùng cũng được yên ổn”, bà Vương nói. Nhưng vết thương trong tâm hồn thật khó xóa mờ.

Khi hít thở không khí trong lành, tận hưởng quyền lợi và tự do tín ngưỡng nơi đây, tôi không thể không cảm thấy buồn cho đồng bào ở Trung Quốc. Vương Tuệ Quyên

Khi nghe tin 20 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại quê hương, Thiên Tân, vào ngày 7/12/2016. Bà Vương lập tức gọi đến các trại giam để gây áp lực yêu cầu công an thả họ. “Tôi muốn làm những gì có thể để giải cứu họ, để họ không phải chịu đựng những gì tôi từng phải chịu”, bà nói.

Tại New York, bà dành nhiều thời gian nhất có thể tại các địa điểm du lịch, cung cấp thông tin về cuộc bức hại cho du khách từ Trung Quốc. Gia đình họ hiện sống trong một căn hộ khiêm tốn ở Queens, New York. Đó là một gia đình hạnh phúc và họ vẫn không thể tin đây là sự thật.

Bà Vương trước Tòa nhà Empire State ở Manhattan, New York ngày 12/1/2017 để giúp khách du lịch Trung Quốc hiểu được sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. (Ảnh: Epoch Times)

Tuy nhiên, những ký ức đau đớn chưa bao giờ rời đi…

Bà Vương cố gắng giải thích: “Đôi khi một mình suy nghĩ về những ngày tháng trong tù, tôi biết nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không thể sống sót. Nỗi đau ấy, không chỉ là thể chất, mà là một loại đau khác”.

“Bạn không phải là một người xấu, bạn muốn cải thiện thành người tốt hơn, nhưng chế độ đó đã dùng những phương thức dã man, ác độc nhất – những gì người bình thường không thể tưởng tượng – đối với các học viên Pháp Luân Công, với tinh thần của họ, để cố gắng hủy hoại đến cùng; không phải về thể chất, mà về tâm lý để bạn phát điên và không còn hy vọng vào cuộc sống”.

Theo NTDTV