Chính sách một con của Trung Quốc từng mang đến rất nhiều hệ lụy đáng tiếc trong xã hội, đặc biệt là đối với những đứa trẻ sinh sau. Chúng không được làm giấy khai sinh, không được công nhận quyền công dân, vì vậy cũng chẳng thể hưởng bất kỳ quyền lợi nào.
Li Xue được sinh ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cũng như hàng triệu người khác, cô là người con sinh sau trong gia đình và vi phạm chính sách một con thời kỳ đó. Kể từ đó, cô không được đi học, không được hưởng lợi ích từ chế độ y tế và khó có thể xin được một công việc tử tế.
Cô không có giấy khai sinh, không giấy tờ tùy thân, không được đến thư viện công cộng, không được kết hôn hay thậm chí là không thể mua vé tàu. Li Xue như một người nước ngoài đang sống trên chính quê hương mình.
“Tôi sinh ra ở đây. Nhưng tôi không có quyền như một người Trung Quốc thật sự. Dù làm gì đi nữa, tôi đều bị ngăn cấm. Thậm chí, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh sự tồn tại của tôi tại Trung Quốc” – Li Xue nói.
Mới đây, Trung Quốc đã chính thức chấm dứt chính sách một con gây tranh cãi nhiều năm qua. Kể từ bây giờ, các gia đình Trung Quốc có thể sinh con thứ hai. Trước đó, chính sách một con đã gây nhiều hệ lụy xã hội như phá thai, triệt sản và từ bỏ con cái, giống trường hợp của Li Xue.
Cha mẹ của Li đã có một cô con gái, đầy đủ giấy tờ pháp nhân. Khi mang thai lần hai, cha mẹ của Li bị nhà máy cho nghỉ việc. Lúc đó, cả hai vợ chồng chỉ muốn phá thai nhưng vì người mẹ quá yếu nên đành phải sinh đứa con thứ hai.
Thời điểm đó, gia đình nào sinh con thứ hai sẽ phải trả “phí bảo trì xã hội” để hợp thức hóa em bé, đảm bảo quyền công dân cho bé. Gia đình sẽ bị phạt 5000 nhân dân tệ (hơn 20 triệu đồng), gấp 50 lần thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng. Vì thế, cha mẹ Li đã trốn nộp phạt.
Và giờ đây, khi đã 22 tuổi, Li vẫn sống trong một thế giới tăm tối. Khi 6 tuổi, lúc các bạn khác đến trường thì Li phải ở nhà. Cô bé không được nhập hộ khẩu để đi học. Cha mẹ mất việc, khó khăn chồng chất.
Năm 2013, cả Trung Quốc có khoảng 13 triệu “dân đen” như Li, thậm chí còn nhiều hơn dân số Bồ Đào Nha. Chị gái của Li Xue là người dạy cô đọc và viết chữ. Trong khi các bạn đi học, mỗi ngày Li Xue cùng cha mẹ đến bên ngoài trụ sở chính quyền để cầu xin họ cho cô được nhập hộ khẩu.
“Chúng tôi đã đi không biết bao nhiêu lần” – Bà Bai, mẹ của Li Xue kể lại.
Cha mất sớm, chị gái của Li Xue phải bỏ học từ năm 16 tuổi để phụ giúp gia đình. Cô làm việc tại một quán đồ ăn nhanh và sau đó sang làm cho một công ty điện tử.
Áp lực gia đình cũng khiến cuộc hôn nhân của Li Bi tan vỡ. Nhưng cô chưa bao giờ trách em gái mình. “Tất cả chúng tôi đều rất đồng cảm với Li Xue. Em ấy đã mất mát quá nhiều. Chúng tôi muốn em ấy cảm thấy ấm áp trong nhà mình bởi xã hội đã ruồng bỏ cô ấy”, Li Bi nói.