Bơi lượn khắp đại dương, liên tục phát ra tín hiệu âm thanh để tìm kiếm bạn đồng hành nhưng chưa từng được đáp lại. Đó là câu chuyên buồn của một chú cá voi cô đơn nhất thế gian.
Được các nhà khoa học đặt cái tên là 52, xuất phát từ tần số âm đặc biệt 52Hz mà các nhà khoa học đo được từ những tiếng gọi bạn tình tuyệt vọng của chú cá voi. Thanh âm do 52 tạo ra chỉ cao hơn so với nốt thấp nhất trong âm khu trầm tuba – tần số âm thanh của loài cá voi – nhưng kỳ lạ là không một chú cá voi nào khác có thể chia sẻ hay nhận ra được.
Một điều thú vị nữa là 52 chưa bao giờ thực sự được nhìn thấy kể từ khi nhà khoa học William Watkins thuộc Viện Hải dương Woods Hole phát hiện ra sự tồn tại của nó ở Bắc Thái Bình Dương năm 1989. Chỉ có tiếng kêu gọi bạn của nó, vốn được ví như những bản tình ca bi ai không lời hồi đáp, được máy dò hải quan ghi lại.
Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng thanh âm đặc trưng của 52, dù thấp hơn so với con người nhưng lại cao hơn nhiều so với những tiếng gọi thông thường của loài cá voi xanh khổng lồ, có vây, hay bất kỳ loài cá voi nào khác.
Chính vì vậy, một số người tin rằng 52 có thể sở hữu một hình thể biến dạng trong khi một số khác lại cho rằng sinh vật có vú khổng lồ này là “con lai” của cá voi xanh và một loài khác.
Một hệ thống ống nghe dưới nước tinh vi trị giá hàng tỷ USD của hải quân Mỹ, vốn được thiết kế để theo dõi tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh cũng đã được dùng để ghi lại sự di trú của 52 mỗi năm khi nó di chuyển từ trung tâm California đến quần đảo Aleutian ở phía bắc Thái Bình Dương. Theo một báo cáo trên tạp chí Deep Sea, 52 luôn chỉ có một mình và sự di trú của nó “không hề liên quan đến sự hiện diện hay chuyển động của bất kỳ loài cá voi nào khác”.
Nhà sinh vật biển Mary Ann Daher, đồng tác giả của nghiên cứu ban đầu về sự tồn tại của 52 cho hay ngày càng nhiều người viết thư cho bà để chia sẻ sự đồng cảm với chú cá voi.
“Thật buồn khi có quá nhiều người cùng cảnh ngộ như chú cá voi. Tôi nhận được thư viết tay, thư điện tử và cả những bài thơ – hầu hết từ phụ nữ – và thật đau lòng khi đọc những gì họ viết. Họ đồng cảm với 52 – sinh vật dường như không thuộc về nơi nào, không thể dễ dàng kết bạn, cảm thấy cô đơn và dị biệt so với những người bạn đồng loại”, Marry nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2013.
Một số nhạc sĩ và những người kể chuyện trên khắp thế giới cũng đã lấy câu chuyện lạ thường của 52 làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của mình.
Ban nhạc Anh Dalmatian Rex và Eigentones đã sáng tác ca khúc The Loneliest whale in the world (Chú cá voi cô đơn nhất thế gian), trong khi ca sĩ Laura Ann Bates cũng thu âm lại một bài hát dành riêng cho chú cá voi độc đáo có tên The Loneliest Creature on earth (Sinh vật cô đơn nhất hành tinh). Một cuốn sách ảnh cho trẻ em mang tiêu đề 52 Hertz Wal của tác giả người Đức Agnieszka Jurek cũng lấy 52 làm nguyên mẫu cho nhân vật trong truyện.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cá voi là sinh vật có tập tính xã hội và một số tiếng hát của cá voi có thể ngân vang qua 3.000 dặm đại dương với mục đích duy nhất là muốn được giao tiếp.
“Cô đơn hoặc cố gắng kêu gọi sự kết nối mà chưa bao giờ được hồi đáp là một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người. Chúng ta là sinh vật xã hội. Cá voi cũng vậy. Chúng có các tế bào hình thoi, cho phép chúng biết yêu, biết ghét, biết trở thành một phần của vòng tròn xã hội nhất định”, nhà làm phim cho hay Josh Zeman cho hay.
Lắng nghe và cảm nhận nhạc khúc của Laura Ann Bates dành riêng cho chú cá heo cô đơn này nhé!