Jack Andraka là một học sinh 15 tuổi đến từ Mỹ. Cậu bé đã nhanh chóng trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới y học, sau khi sáng chế ra một phát minh có thể cứu sống được vô số mạng người.
Sau cái chết của người bạn thân bị ung thư tuyến tụy, “nhà phát minh nhỏ tuổi” đến từ Crownville – Jack Andraka, đã quyết tâm tìm ra phương pháp xác định sớm các tế bào ung thư tuyến tụy. Cậu hiểu rằng căn bệnh này không thể chữa trị là do phát hiện quá muộn, thường là vào giai đoạn cuối, trong khi nếu được phát hiện sớm từ những giai đoạn đầu thì hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Jack nhận ra rằng phương thức xét nghiệm đang được áp dụng của y học hiện tại đã quá lỗi thời (từ 60 năm trước), nên cậu đã nghĩ ra một phương pháp mới mà theo như các báo cáo, nó nhanh hơn 168 lần, rẻ hơn 26000 lần, tinh nhạy hơn tới 400 lần và chuẩn xác 100%.
“Em tìm và nghiên cứu thông qua laptop với điện thoại”, Jack chia sẻ.
Theo Jack, bước đầu tiên cần phải làm là cô lập nguyên tử xuất hiện trong giai đoạn đầu của ung thư tuyến tụy. Đấy là một protein có tên mesothelin, và cậu đã xác định được nó sau 4000 lần thử. Trùng hợp thay, Jack lại được học về các phân tử kháng thể có khả năng liên kết với một số protein điển hình. Chính vì thế, cậu đã nảy ra ý tưởng rằng sẽ tìm một kháng thể nào đó có thể liên kết với protein có trong tế bào ung thư tuyến tụy.
Cậu bé đã nghĩ ra một học thuyết rằng, nếu đan xen các kháng thể vào mạng lưới các ống nano các-bon (có kích thước bằng 1/50000 sợi tóc), chúng ta có thể chẩn đoán được nồng độ cao của mesothelin trong mẫu máu của các bệnh nhân ở giai đoạn đầu ung thư tuyến tụy.
Từ suy nghĩ thành hành động
Sau nghiên cứu, Jack quyết định thử nghiệm học thuyết của mình dù nó không hề đơn giản. Cậu tiết kiệm tiền, lập ra một danh sách các vật liệu cần thiết, kèm theo một bảng kế hoạch các quy trình. Và cuối cùng là gửi ý tưởng tới 200 nhà nghiên cứu với hy vọng sẽ có người tài trợ cho phòng thí nghiệm của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có hứng thú với ý tưởng của cậu. Chỉ duy nhất một người đồng ý, đó là ông Anirban Maitra, một nhà nghiên cứu về ung thư tuyến tụy của Đại học Y John Hopkins.
Sau hàng loạt những pha thử nghiệm thất bại, Jack cuối cùng đã sáng chế ra một thiết bị chẩn đoán ung thư được cho rằng chính xác tới 100%. Dù mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ nhưng đã có hàng loạt các doanh nghiệp về y học để ý. Jack cho rằng thiết bị của mình có thể chẩn đoán nhiều loại bệnh.
“Tôi đã không thể cứu được người bạn mình qua đời vì ung thư tuyến tụy, nhưng tôi hi vọng sẽ tạo ra được một thiết bị có thể giúp mọi người không phải gặp hoàn cảnh tương tự như vậy. Bằng cách thay đổi các mục kháng thể, thiết bị sẽ xác định được bệnh Alzheimer, các bệnh về tim, HIV/AIDS, sốt rét, và các bệnh ung thư khác.” – Jack chia sẻ với National Geographic.
Với những gì mình đã làm, Jack Andraka xứng đáng là nhân vật có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho mọi người.
Thanh Thiên (Theo Newsner)