(PL)- “Căn nhà” của người công nhân vệ sinh Phạm Văn Út (khu phố 6, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM) bé xíu, nằm lọt thỏm giữa các ngôi mộ. Ngay thềm nhà là hai ngôi mộ lớn án ngữ, chỉ chừa một lối đi vào trong.
Căn nhà có bề ngang chưa tới 3 m, dài 4 m, có thêm một cái gác nhỏ. Nhỏ xíu vậy nhưng đây là nơi sum họp của một đại gia đình có tới chín người, gồm vợ chồng ông Út, con và các cháu lên ở chung để tiện đi học. May mà có một gia đình nhỏ đã tách ra, nếu không nhà sẽ phải “ken” thêm người nữa. Nhà chỉ đủ để chen nhau ở, nấu ăn, giặt giũ đều phải quây chỗ bên ngoài. Ngồi cạnh mộ tổ tiên, ông Út kể về cuộc đời mình. Lúc trẻ ông đi làm phụ hồ để nuôi gia đình có bốn người con. Được một thời gian, ông chuyển qua nghề đi bốc cốt. Đó là một cái nghề nghiệt ngã, cực nhọc, tiếp xúc với tử khí nhiều, có nhiều ngày về nhà ông không bưng được chén cơm ăn. Nhưng hễ ai gọi là ông đi ngay, bởi con gái ông bệnh nặng, nhà rất cần tiền.
Ông Út và “căn nhà” xây trên kim tĩnh của chị mình, phía trước là mộ của cha và dượng. Ảnh: HỒNG MINH Nhưng rồi con gái ông sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật đã ra đi. Dù đau đớn và áp lực bởi cái nghèo nhưng ông vẫn đứng lên, gắng bươn chải đi làm và vẫn luôn dạy con sống hiền lành, lương thiện. Cũng có lúc ông đã dành dụm được một ít tiền, tính chuyện buôn bán để thoát nghèo nhưng rồi lại cụt vốn dần dần vì làm ăn thất bát, thêm vào đó ông lại đau bệnh. Cuối cùng vợ chồng ông không còn chỗ ở nên đã vào khu đất thổ mộ của dòng họ cất tạm một cái lều để có chỗ trú mưa, tránh nắng. Nền nhà làm ngay trên phần kim tĩnh của chị ông. Ông bệnh tim, đồng lương công nhân vệ sinh của ông không thể cáng đáng thêm khoản tiền thuê nhà. Những ngày đầu vào khu mộ để ở, ông rất lo lắng nhưng không cảm thấy sợ. Ông lý giải: “Vì đây là phần yên nghỉ của những người thân, chắc là tổ tiên cũng hiểu và thông cảm cho mình, cũng chỉ là khó khăn quá phải làm vậy”. Cách đây vài năm, ông mượn được hơn 20 triệu đồng để xây “căn nhà” cho tươm tất hơn, để người già và con nít ở tạm bợ hoài cũng không ổn. Khi ông đang xây cất dở thì đội quản lý đô thị có vô ngăn lại, cho biết sẽ cưỡng chế đập bỏ nhà. Lúc đó cha vợ ông đang ở cùng, lại bị bệnh nặng, đội quản lý đô thị không nỡ đưa ông cụ già yếu ra khỏi nhà mà chỉ yêu cầu ông Út phải tự dỡ. Sau lần “lỡ xây” đó, vợ chồng ông vẫn “ở lụi” cho đến nay. Sau khi được Liên đoàn Lao động TP.HCM giúp đỡ mổ tim, ông lại tất tả đi làm để lo cho gia đình. Tiền lương hằng tháng của ông chia ra nhiều khoản nhỏ: Khoản để ăn uống, khoản mua nước bình nấu cơm (vì nước giếng khoan ở nghĩa địa chỉ có thể dùng để tắm), khoản thuốc men… Ông gắng đầu tư cho con trai út đi học nhưng anh vừa bỏ dở việc học cao đẳng để đi làm kiếm tiền, san sẻ gánh nặng trên vai cha. Cháu gái của ông Út là người thứ hai vô đất này cất nhà tạm. Căn nhà của chị chỉ che chắn bằng tôn, bạt, lưới… nằm lúp xúp sau những căn mộ. Chị làm thức ăn nhanh để bán cho công nhân ở các xí nghiệp gần nhà. Con gái chị đang đi học. Ban ngày mọi người rời khỏi khu mộ để đi học, đi làm. Những ngôi mộ chìm trong im lặng. Đến tối các thành viên trong gia đình lại trở về, san sẻ nỗi cơ cực cùng nhau giữa không gian của những người đã mất. Trong những câu chuyện họ nói với nhau luôn có một giấc mơ về một ngày nào đó, những đứa trẻ sẽ được học tới nơi tới chốn, bước ra khỏi khu đất mộ, họ sẽ dành dụm mua được một mảnh đất nhỏ giá rẻ ở nơi nào đó xa xa trung tâm TP. HỒNG MINH Theo Pháp luật TPHCM |