Đại dịch COVID-19 sẽ có tác động nghiêm trọng đến cách các doanh nghiệp nghĩ về Trung Quốc. Ánh nhìn không mấy tốt đẹp dành cho nhà nước cộng sản Trung Quốc trong vài tuần qua có thể buộc nhiều hội đồng quản trị thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của họ một cách nhanh chóng.
Theo Kyle Bass, quản lý kiêm nhà sáng lập quỹ phòng hộ Hayman Capital Management, các quốc gia trên thế giới sẽ “buộc phải tách rời” khỏi Trung Quốc, nghĩa là cắt đứt quan hệ kinh tế với đất nước này vì nhiều nguyên nhân về chiến lược và quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Epoch Times thuộc chương trình “American Thought Leaders”, ông Bass cho biết: “Những uẩn khúc về chủng virus gây căn bệnh COVID-19 mà Trung Quốc đem đến cho thế giới đã mở ra một luồng sáng thay đổi các chuỗi cung ứng toàn cầu”.
“Hãy nghĩ về vấn đề này xem, chúng ta đang là một nền dân chủ phương Tây phụ thuộc hoàn toàn vào chuỗi cung ứng của một quốc gia cộng sản, toàn trị. Sẽ thật điên rồ nếu để mọi thứ diễn ra như này”.
Nếu nói đến “cái may trong cái rủi” của đại dịch COVID-19 lần này, Bass Kyler cho biết đó sẽ là sự gia tăng việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 bởi Hiệp hội Thương mại Mỹ và công ty kiểm toán PwC, một trong năm tập đoàn lớn của Mỹ hiện đang hoạt động tại Trung Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình tách rời khỏi Trung Quốc. So sánh với một cuộc khảo sát tương tự thực hiện vào năm 2019 thì cuộc khảo sát lần này cho thấy khả năng tách rời kinh tế giữa hai quốc gia lớn hơn.
Tuy nhiên, hơn 40% người khảo sát vẫn tin rằng sẽ không thể cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Ông Bass đã từng chỉ trích các tập đoàn Mỹ vì làm ngơ trước hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc.
“Liệu họ có thể tưởng tượng ra việc phải lý giải cho một ai đó rằng mình đang hợp tác kinh tế với một chế độ nhà nước giam cầm hơn 1 triệu tù nhân lương tâm và thực hiện thu gom nội tạng sống từ những tù nhân chính trị này mỗi ngày được không? Vậy mà những tập đoàn như Blackstone vẫn đang đầu tư tiền vào Trung Quốc. Những ông trùm như Sheldon Adelson vẫn đang tiến hành mở thêm một sòng bạc tại Ma Cao”, Bass Kyler chia sẻ.
“Đó là bởi họ đã bị đồng tiền làm mờ mắt trước những hành vi lạm dụng nhân quyền trắng trợn từ một trong những chế độ nhà nước độc tài nhất từng có. Điều này thật điên rồ”.
Bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm
Trong vài tuần gần đây tại Mỹ, đã có hàng loạt các quan điểm từ công chúng nhắm đến nhà nước Trung Quốc. Hầu hết mọi người đều lên án ĐCSTQ khi che đậy thông tin về nguồn gốc hình thành của chủng virus SARS-CoV-2 và giấu nhẹm thông tin về phạm vi bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Vũ Hán.
Theo cuộc khảo sát từ Harris Poll được thực hiện từ ngày 14/3 đến 5/4, có 72% người dân Mỹ lên án chính phủ Trung Quốc vì đã báo cáo sai lệch về tác động của chủng virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát khác từ Trung tâm Nghiên cứu Pow vào tháng Ba cho thấy khoảng hai phần ba người dân Mỹ hiện đang có cái nhìn không mấy thiện cảm với Trung Quốc.
Ông Bass cho hay, ngày càng có nhiều các nhà lập pháp tại Mỹ, Anh, Úc và Canada bắt đầu thảo luận về việc “đòi bồi thường và bắt chính phủ Trung Quốc phải trả giá cho những hành động ác tính của họ”.
Ông nhấn mạnh rằng các viện chính sách và giáo sư luật đã bắt đầu phác thảo những trách nhiệm về pháp lý và tài chính mà Trung Quốc phải chịu đối với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Ông Bass cho biết: “Có vô vàn thứ mà chính phủ có thể làm để khiến Trung Quốc phải trả giá cho những việc làm của họ”.
Ông đề xuất rằng chính phủ Mỹ có thể nắm giữ các doanh nghiệp thuộc sở hữu bởi nhà nước Trung Quốc và tiếp quản khối tài sản quốc tế của họ, chẳng hạn như tài sản của doanh nghiệp tại Mỹ và cổ phiếu phát hành trên thị trường tài chính phương Tây. Mỹ thậm chí còn có thể hủy bỏ hàng nghìn tỷ đô la chứng khoán do Trung Quốc nắm giữ tại Kho bạc Hoa Kỳ.
Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, tính đến tháng Hai, Trung Quốc sở hữu khoảng 1,09 nghìn tỷ đô nợ công Hoa Kỳ. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Hoa Kỳ, sau Nhật Bản với mức 1,26 nghìn tỷ đô la.
“Điều chúng ta có thể làm đó là tận dụng nền tảng của quốc gia, quy định pháp luật và xem xét, thi hành luật pháp để xử lý các hành vi sai lệch của họ. Đó là cách chúng ta đối phó với một quốc gia đầy sự dối trá và chuyên chế”, ông Bass chia sẻ.
Nhật Bản chi khoản kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp tách rời khỏi Trung Quốc
Chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra tuyên bố gần đây rằng họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe đang dành gần 2,25 tỷ đô la từ gói kích cầu để giúp các công ty Nhật Bản tách rời chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là những công ty sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Ông Bass cho rằng chính phủ Mỹ cũng nên làm điều tương tự. Ông cho hay việc chính phủ Mỹ dành ra một khoản kích cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ tách ra khỏi Trung Quốc là “một điều bắt buộc về mặt đạo đức”.
Chính quyền tổng thống Donald Trump hiện đang chuẩn bị một mệnh lệnh hành pháp giúp di dời các chuỗi cung ứng y tế từ nước ngoài sang Hoa Kỳ do đại dịch COVID-19 phụ thuộc quá nhiều một cách nguy hiểm vào chính quyền Trung Quốc.
Ông Bass cho hay đại dịch đã buộc chính phủ Mỹ phải xem xét lại tình trạng phụ thuộc quá mức về trang thiết bị y tế và thuốc chữa trị của Mỹ vào Trung Quốc.
Nhiều người tin rằng sự thống trị toàn cầu của chính quyền Bắc Kinh trong việc sản xuất thuốc và thiết bị y tế chính là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ gặp phải khó khăn trong việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ông Bass cho hay, trong vài năm qua, các công ty, doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc đã bị ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận ra khỏi quốc gia, và trong vài tuần qua, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu phải có giấy phép trong việc di chuyển chuỗi cung ứng. Ông nói: “Các doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động tại Trung Quốc như Intel hay Sony hay BMW hay Chevron đều không thể chuyển được khoản lãi có được ra khỏi Trung Quốc kể từ quý tư năm 2016. Và giờ đây chúng ta nhận được tin rằng khả năng những doanh nghiệp như trên còn không thể di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi lãnh thổ”.
Di dời khỏi Trung Quốc
Steve Abbott, tư vấn viên tại Patina Solutions, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng, cho hay hầu hết các công ty, tập đoàn lớn đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở Trung Quốc để tiếp cận thị trường Trung Quốc, và họ đã “phải từ bỏ” quyền sở hữu trí tuệ như một “mức giá để nhập cảnh”.
Ông cho biết, các doanh nghiệp có thể di dời nguồn hàng ra khỏi Trung Quốc, “miễn là những điều khoản hợp đồng không ngăn chặn việc thay đổi nguồn cung ứng”.
Tuy nhiên, Steve Abbott cho hay việc phá vỡ các thỏa thuận hợp đồng trong các liên doanh nơi các hợp đồng liên quan đến vốn chủ sở hữu, doanh thu hoặc vốn cổ phần sẽ là một bước tiến lớn đối với nhiều tập đoàn của Mỹ. Ông tin rằng các lực lượng chính phủ có thể hỗ trợ tái cung cấp cho các quy trình hoạt động trong nước bằng cách cung cấp vốn hoặc các khoản vay chi phí thấp để củng cố công suất trong nước. Những khoản tiền này cũng có thể sử dụng để bù đắp cho các hình phạt mà chính quyền Trung Quốc khả năng cao sẽ đề ra.
“Nếu không có sự hỗ trợ kiểu này, các doanh nghiệp ‘sẽ rất khó để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc’”, ông nói.
Ngân Khánh (Theo Epoch Times)