Đồng cảm, hiểu về hoàn cảnh của nhau khi cùng là người tí hon với chiều cao 90cm, anh Chiến và chị Lan quyết định xây dựng tổ ấm dù cuộc sống nhiều khó khăn và điều kỳ diệu đã xảy ra khi họ có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh.
33 năm trước tại căn nhà nhỏ ở xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, anh Trịnh Thế Chiến đã chào đời. Khác với ba anh chị em trong nhà, 4 tuổi, cậu bé biết nói nhưng vẫn nằm một chỗ.
Năm lên 7 tuổi, cậu bé ấy mới bắt đầu tập đứng, tập đi. Cứ tưởng không thể nuôi nổi đứa trẻ ốm đau, thế nhưng năm anh Chiến 11 tuổi, anh bất ngờ đòi đi học khiến vợ chồng ông Trịnh Văn Hữu ngỡ ngàng.
Ông Hữu kể, ngày đó trước khi đưa con đến trường, ông phải dặn anh Chiến không việc gì phải tự ti vì tuy con nhỏ bé nhưng tay chân lành lặn, có đầu óc bình thường.
Nghe vậy, anh Chiến vui vẻ kết bạn, không để tâm đến ánh nhìn của người xung quanh. Cho đến khi trưởng thành, chiều cao của anh vẫn dừng lại ở 90cm, nặng 20kg.
Khi lên cấp ba, trường của anh Chiến cách nhà 15km, chiếc xe điện ba bánh không thể vượt quãng đường xa nên ông Hữu đã dùng xe máy để kéo xe của con đến trường, thuê trọ cho ở. Cuối tuần, ông lại đến đưa con về. Lên đại học, anh Chiến một thân một mình vào TP.HCM học cao đẳng, ngành công nghệ thông tin.
Bốn năm trước, anh Chiến gặp chị Não Nữ Hoàng Lan (SN 1990) tại một công ty chuyên về hàng thủ công mỹ nghệ dành cho người khiếm khuyết. Cùng dáng người nhỏ bé hư nhau, hai người nhanh chóng trở nên thân thiết rồi dần dà họ trở thành một đôi.
Người khuyết tật cũng đáng được yêu thương như bao người
Nhớ lại thời ấy, chị Lan bộc bạch rằng, chị yêu anh Chiến vì ngưỡng mộ nghị lực phi thường, tài năng của anh.
Yêu nhau bốn năm, anh Chiến theo chị về quê cô ở Ninh Thuận ra mắt bố mẹ. Chàng trai xin phép người lớn trong nhà cho anh được cưới chị.
“Chúng con tuy nhỏ bé nhưng cũng như mọi người, muốn yêu thương, muốn có một tổ ấm”, anh Chiến nói rồi xin phép người lớn trong nhà cho anh được cưới chị và được Hai bên gia đình chấp thuận.
Không đăng ký kết hôn, không đám cưới, hai người dọn về ở chung trong phòng trọ 15m2 ở Thủ Đức rồi chuyển đến làm tại một công ty giám sát camera cho các siêu thị, trung tâm thương mại có trụ sở ở thành phố Thủ Đức.
Nhân viên làm việc tại đây cũng chủ yếu là người khuyết tật, công việc phù hợp lại sinh hoạt dễ dàng hơn, mức lương ổn định cho 2 vợ chồng trẻ.
Niềm vui bất ngờ
Trong thâm tâm, cặp đôi cũng như người thân đều nghĩ họ không thể có con, họ chỉ muốn có người để bầu bạn cùng. Bốn tháng về cùng một nhà, chị Lan bị nôn ói, mệt mỏi trong người, lúc nhìn que thử thai hiện hai vạch, vợ chồng vừa mừng vừa lo.
Gia đình nội ngoại biết tin liền vội từ quê vào TP.HCM để bàn chuyện trăm năm cho đôi trẻ. Mọi người đưa Lan đến bệnh viện, bác sĩ tư vấn cho biết có thể yên tâm giữ lại cái thai này khiến ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Biết sắp được làm cha mẹ, vợ chồng chăm chỉ kiếm thêm thu nhập để lo cho con. Anh thì bán thẻ, sim điện thoại, chị thì bán mỹ phẩm trên mạng xã hội.
Rồi con anh chị cũng ra đời, bé trai ấy chỉ nặng vỏn vẹn 1,2kg vì thiếu tháng. Gia đình đặt cho bé cái tên Nhật An.
“Hôm bác sĩ ẵm con ra cho nhìn, trong lòng tôi là những cảm xúc lẫn lộn. Vừa thương con nhỏ bé vừa hạnh phúc khi được làm cha”, anh Chiến nói.
Những năm tháng đầu đời, bé Nhật An hầu như chỉ nằm viện, cơ thể non nớt của bé đã phải trải qua hai cuộc phẫu thuật do nhiễm trùng, có lúc sự sống chỉ còn một phần trăm.
Nhờ sự nỗ lực hết mình của đội ngũ y bác sĩ mà bé Nhật An có thể vượt cửa tử về bên vòng tay cha mẹ.
Bé lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi, tháng thứ 10 đã tập đi, bập bẹ nói. Mỗi lần thấy con chập chững từng bước một, lòng anh Chiến lại bồi hồi: “Nó biết bố mẹ nhỏ bé nên mạnh mẽ thay”.
Trong đợt đại dịch này, cuộc sống của cặp vợ chồng tí hon gặp nhiều xáo trộn. Những ngày mắc kẹt ở TP.HCM, cả gia đình phải sống dựa vào trợ cấp của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng.
Đầu tháng 10, TP mở cửa trở lại, anh Chiến vẫn nghỉ việc, cả gia đình tạm về quê nội. Việc đầu tiên họ nghĩ đến là đăng ký kết hôn để được là vợ chồng hợp pháp.
Gia đình là nơi để tìm về
Ngày 28/10, anh Chiến và chị Lan đến UBND xã Krông Búk làm thủ tục kết hôn. Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Hải Sâm bày tỏ xúc động khi thấy cặp đôi tí hon này, ông cho biết hơn 10 năm công tác, đây là lần đầu tiên ông trao giấy kết hôn cho đôi vợ chồng đặc biệt như vậy.
“Tình yêu của hai cháu như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường“, ông Sâm nói.
Anh Chiến chia sẻ rằng, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho anh, dù ngoài kia đầy thăng trầm sóng gió, chỉ cần về nhà nhìn thấy vợ con là bao khó khăn đều qua đi.
“Đây là món quà vô giá tôi từng không dám mơ, giờ đã chạm đến. Tôi chỉ mong gia đình tí hon của mình khỏe mạnh, để sóng to, gió mạnh cuộc đời đều có thể vượt qua”, anh nói rồi với người, vòng đôi tay nhỏ xíu, ôm cả vợ lẫn con.
Yên Yên (t/h)