Đứng trước sức tàn phá của con người với môi trường rừng, cặp vợ chồng người Mỹ Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đã nghĩ ra biện pháp cải thiện, chính là đổ hàng ngàn tấn vỏ cam vào khu vực rừng bị tàn phá tại Costa Rica vào cuối những năm 1990. Và hơn 16 năm sau, kết quả mà họ thu được đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Năm 1997, hai nhà nghiên cứu của trường đại học Princeton là Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đã tìm đến hãng sản xuất nước cam Del Oro tại Costa Rica với một lời đề nghị hết sức đặc biệt.
Đó là nếu Del Oro chịu dành tặng một phần đất của mình cho trung tâm bảo tồn quốc gia Guanacaste, họ sẽ có quyền đổ toàn bộ số rác thải vỏ cam trong quá trình sản xuất ra một vùng đất đã thoái hóa trong công viên, mà không phải chịu bất kỳ khoản phí tổn nào.
Đây là một lời đề nghị có lợi cho cả đôi bên, nên dĩ nhiên công ty Del Oro đã vui vẻ đồng ý. Vậy là sau 1 năm, đã có 12.000 tấn vỏ cam được nghiền nhuyễn đổ xuống vùng đất này, và sau 6 tháng, toàn bộ số vỏ cam đều biến thành lớp bùn đen dày đặc bao phủ khu đất.
Tuy nhiên, sau đó dự án này đã bị chặn đứng, bởi một công ty đối thủ của Del Oro là công ty hoa quả TicoFruit, họ đã đâm đơn kiện công ty Del Oro đổ rác thải ra môi trường, làm ô uế công viên quốc gia. Khi đó, TicoFruit đã thắng kiện và buộc dự án đổ vỏ cam của vợ chồng Daniel Janzen và Winnie Hallwachs phải dừng lại.
Tưởng chừng, bãi rác vỏ cam của công ty Del Oro đổ vào theo thời gian đã dần trôi vào quên lãng. Thế nhưng, 15 năm sau tức vào năm 2013, Janzen đã ủy thác cho một sinh viên mới ra trường của mình là Timothy Treuer đến vùng đất ấy để kiểm tra một lần nữa.
Khi đến đây, Treuer đã đi loanh quanh khu rừng trong 30 phút vẫn không thể tìm thấy vết tích của ‘bãi rác vỏ cam’. Sau đó anh đành phải báo cáo với Janzen hướng dẫn chi tiết hơn về vị trí chính xác.
Một tuần sau, một lần nữa Treuer đã quay lại khu bảo tồn, và tìm đến đúng nơi cần đến. Điều kỳ diệu là vùng đất hoang vắng năm nào, nay đã biến thành một khu rừng xanh tốt, với cây cối to lớn mọc um tùm, cùng rất nhiều động vật, bao gồm cả chồn đã chuyển đến đây sinh sống. So sánh với khu đất kế bên không có vỏ cam là một sự khác biệt hoàn toàn, dù bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy được.
“Thật khó để tin rằng sự khác biệt giữa 2 khu vực này là vỏ cam. Chúng trông như hệ sinh thái hoàn toàn khác nhau”, Treuer cảm thán.
Đây là điều mà Treuer và các nhà khoa học chưa bao ngờ ngờ tới, toàn bộ hệ sinh thái nơi đây rậm rạp đến mức đã che phủ mất đi vết tích đánh dấu của Janzen năm nào, do đó Treuer đã không thể tìm thấy từ đầu, và phải mất một khoảng thời gian để xác định lại vị trí.
“Cái biển báo đánh dấu vị trí được cắm tại khu vực này đã bị che phủ bởi các loại cây dây leo, khiến chúng tôi không thể tìm ra chính xác vị trí của khu vực này sau hàng chục lần tìm kiếm”.
Trước sự phát triển vượt trội của khu đất, Treuer cùng các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Princeton, đã bắt tay vào tìm hiểu chuyên sâu hơn về vùng đất này.
Kết quả cuộc nghiên cứu sau đó được công bố trên tạp chí Restoration Ecology, cho thấy sinh khối của khu đất vỏ cam tăng lên 176% so với thời điểm trước khi những chuyến xe vỏ cam được đổ xuống. Chất lượng đất ở đây trở nên tốt hơn so với vùng không có vỏ cam, độ màu mỡ cũng tăng lên đáng kể. Cây rừng có tán lá rộng với độ che phủ lớn hơn. Thực vật cũng đa dạng hơn một cách kỳ diệu.
Tuy nhiên, về việc tại sao vỏ cam lại có thể phục hồi phần đất khô cằn trở nên nơi màu mỡ trù phú như vậy chỉ sau 16 năm, thì nhóm nghiên cứu vẫn chưa có được câu trả lời chính xác.
Phát hiện này, có thể nói là một bước tiến đáng mừng cho nhân loại, mở ra một hướng đi mới cho việc con người có thể kiến tạo lại những khu rừng trên các mảnh đất đang bị thoái hóa nhanh chóng.
Và các nhà máy, doanh nghiệp thay vì như trước kia được mệnh danh là “kẻ phá hoại môi trường”, thì nay có thể trở thành một trợ thủ đắc lực góp phần làm xanh thế giới, đồng thời tìm được nơi xử lý rác thải sinh học cho mình một cách hợp lý.
Nhà sinh thái học David Wilcove của Đại học Princeton, đồng tác giả của dự án nghiên cứu khu đất vỏ cam chia sẻ ý kiến trên trang của Đại học Princenton: “Nếu khối tư nhân và các tổ chức bảo vệ môi trường bắt tay với nhau, thì rất nhiều vấn đề về môi trường có thể được giải quyết hoặc giảm mức độ thiệt hại. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra và tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa để sử dụng những thứ bỏ đi từ sản xuất thức ăn công nghiệp, mang những khu rừng nhiệt đới quay trở lại. Đó là cách tái chế hiệu quả nhất”.
Đồng thời, theo các nghiên cứu trên tạp chí Nature (2016), các khu rừng mới hình thành trở lại có tác dụng hấp thụ khí cacbonic cao gấp 11 lần so với các khu rừng già. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tình trạng ô nhiễm không khí mà con người đang gánh chịu.
Chưa kể rằng câu chuyện vỏ cam và rừng cây sau khi công bố, có tác động mạnh mẽ trong việc khuyến khích con người quay trở về với tự nhiên, sử dụng các rác thải sinh học làm phân bón giúp phục hồi đất, thay vì những chất hóa học độc hại.
Chúc Di (T/h)