Tại sao luật sư bảo vệ quyền lợi cho Tân Hiệp Phát được phép tham dự các buổi hỏi cung bị cáo, trong khi luật sư của bị cáo thì không được?
Võ Văn Minh tra tay vào còng sau khi nhận bản án 7 năm tù – Ảnh: Đức Tuyên |
“Luật sư của Tân Hiệp Phát lại có mặt tại buổi hỏi cung của bị cáo Minh để làm gì, để bảo vệ cho Tân Hiệp Phát, thu thập những chứng cứ bất lợi cho bị cáo hay có can thiệp gì vào quá trình hỏi cung không? Mục đích của điều tra viên khi cho luật sư của Tân Hiệp Phát vào dự?”, bạn đọc tên Tân nêu thắc mắc.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần phải làm rõ
Đây là một sự tùy tiện của cơ quan điều tra trong vụ án này. Mục đích của điều tra viên khi cho LS của Công ty Tân Hiệp Phát tham dự những buổi lấy cung là nhằm vào mục đích gì, điều này nhất định cần phải làm rõ.
|
Luật sư (LS) Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo, cho rằng theo điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, LS bảo vệ quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gọi chung là đương sự) chỉ có quyền sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra; tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa.
“Như vậy, LS của Công ty Tân Hiệp Phát không được tham dự các buổi lấy lời khai của đại diện Công ty Tân Hiệp Phát, càng không được tham dự các buổi lấy cung bị can Võ Văn Minh. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, có quy định. Việc điều tra viên cho LS của Tân Hiệp Phát dự các buổi lấy cung bị can Võ Văn Minh là vi phạm pháp luật” – LS Lê Quang Vũ khẳng định.
LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cho phép LS phía Công ty Tân Hiệp Phát dự các buổi lấy cung của bị cáo Minh dẫn đến tiết lộ bí mật điều tra và không khách quan. Hoạt động lấy lời khai của bị can là một hoạt động tố tụng nằm trong giai đoạn điều tra phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối.
Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, điều 59 BLTTHS năm 2003 cũng có quy định LS bảo vệ quyền lợi cho các đương sự chỉ có quyền có mặt trong các buổi lấy lời khai của người mà mình bảo vệ trong trường hợp đương sự là người chưa thành niên hay có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Phóng viên Hoàng Điệp của báo Tuổi Trẻ cũng nêu rõ chính kiến: Việc cho phép luật sư phía Tân Hiệp Phát tham dự hỏi cung bị cáo là không đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan của vụ việc. Khi họ được nghe tất cả những lời khai của bị cáo Minh trong buổi hỏi cung thì có thể nắm bắt được cách thức làm lợi cho thân chủ mình, gây ảnh hưởng đến lời khai của phía Tân Hiệp Phát.
“Theo các chuyên gia luật pháp, ở đây có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng và tùy mức độ sai phạm có thể hủy án hoặc tiến hành điều tra lại” – PV Hoàng Điệp thông tin.
Bất lợi về mặt hình ảnh
Phản hồi nổi bật nhất trong những ngày qua từ phía bạn đọc là việc hình sự hóa câu chuyện dân sự với “thượng đế” (khách hàng) của mình khiến lòng yêu mến với sản phẩm bị lung lay theo chiều hướng xấu. Thậm chí rất đông bạn đọc khẳng định: “nghỉ chơi với kẻ đẩy bạn (khách hàng thân thiết) của mình vào tù”.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, có ba bất lợi rõ ràng về mặt hình ảnh và kết quả kinh doanh đối với Công ty Tân Hiệp Phát sau vụ việc lần này.
Bất lợi đầu tiên dễ thấy nhất là doanh số của Công ty Tân Hiệp Phát trong tháng này, Tết này chắc chắn sẽ đi xuống. Thời điểm cuối năm là dịp kinh doanh tăng trưởng, người tiêu dùng mua sắm rất mạnh mẽ để chuẩn bị đón tết. Lúc này đáng lẽ phải tránh những vụ kiện tụng lớn có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu thì Công ty Tân Hiệp Phát lại đi kiện người tiêu dùng.
Thứ hai, Công ty Tân Hiệp Phát sẽ phải bỏ hàng trăm triệu đồng mỗi ngày thúc đẩy quảng cáo để cứu vớt hình ảnh. Việc mỗi tháng bỏ hàng chục tỉ đồng so với 500 triệu đồng thì tính ra Công ty Tân Hiệp Phát đã thua về bài toán kinh doanh.
Thứ ba, thiệt hại lớn nhất về lâu về dài vẫn là để mất lòng tin của khách hàng, làm sụp đổ uy tín của một thương hiệu lớn đã được xây dựng trong suốt thời gian qua. Người tiêu dùng đang có những làn sóng tẩy chay rất mạnh mẽ đối với Công ty Tân Hiệp Phát. Đã có rất nhiều người công khai bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội là sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Tân Hiệp Phát. Nếu càng để vụ việc này kéo dài, dư luận cứ nhắc đi nhắc lại mãi thì càng không có lợi cho Tân Hiệp Phát.
“Thương hiệu nào cũng có những xác suất rủi ro bất lợi. Nhưng để xảy ra vụ việc gây ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty lớn đến mức này thì công ty phải xem lại về cách hành xử của mình khi gặp sự cố” – chuyên gia Võ Văn Quang kết luận.
Theo Tuoitre.vn