Những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông bất chấp hơi cay và dùi cui của cảnh sát đã trụ vững tại khu trung tâm tài chính toàn cầu hôm Thứ Hai (29/9).
Đây được xem là một trong những thách thức chính trị lớn nhất đối với Trung Quốc kể từ thảm sát Thiên An Môn 25 năm trước. Chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh đã dứt khoát không chấp nhận bất đồng chính kiến và phản đối bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài trong khi hàng nghìn người biểu tình tập trung đông đảo vào đêm thứ 4 của cuộc vận động vì tự do, tại thành phố hơn 7 triệu dân.
“Hồng Kông thuộc về Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh kiên quyết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Cuộc biểu tình dẫn tới tình trạng bất ổn nhất tại Hồng Kông kể từ sau khi nơi này được trao trả lại Trung Quốc vào năm 1997, khiến khói trắng bao phủ các tòa văn phòng, trung tâm mua sắm, trước khi cảnh sát chống bạo động đột nhiên rút lui vào trưa Thứ Hai (29/9).
Hàng chục nghìn người biểu tình phần lớn là sinh viên yêu cầu nền dân chủ trọn vẹn và kêu gọi Đặc Khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức. Trung quốc cai trị Hồng Kông theo thể chế “Một quốc gia, hai chế độ” chấp nhận khu vực này có được một mức độ dân chủ nhất định.
Cảnh sát chống bạo động đã rút lui hôm Thứ Hai, đoàn người biểu tình mệt mỏi ngủ bên đường dưới bóng những chiếc ô, tạo nên hình ảnh khiến nhiều người gán cho cuộc vận động cái tên “Cách mạng của những chiếc ô”.
Ô dù được sử dụng là tấm chắn hơi cay từ cảnh sát và bảo vệ người biểu tình khỏi những yếu tố sát thương khác. Nicola Cheung, sinh viên 18 tuổi từ Đại học Baptist, cho biết người biểu tình ở tuyến đường trung tâm khu Kim Chung đang đánh giá tình hình và lên kế hoạch cho bước tiếp theo. “Sẽ có thêm tranh đấu vì chính quyền Hồng Kông quyết không để chúng tôi chiếm đóng khu vực này. Chúng tôi đang chiến đấu vì giá trị đích thực của dân chủ và tự do, sẽ không có bất kỳ bạo lực nào có thể khiến chúng tôi khiếp sợ và lùi bước”, cô khảng khái.
Các nhà tổ chức cho biết có tới 80.000 nguời tập trung đông đảo trên các tuyến phố sau khi cuộc biểu tình nổ ra hôm Thứ Sáu (26/9). Những người biểu tình, dù không có một thủ lĩnh cụ thể ngay từ đầu, đã đồng lòng tham gia phong trào quần chúng với thành phần chủ yếu là những sinh viên khao khát tri thức, được nuôi dưỡng và trưởng thành trong tự do mà người Trung Quốc đại lục không có.
Phong trào đại diện cho một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với lãnh đạo ĐCS tại Bắc Kinh kể từ sau lần đàn áp đẫm máu cuộc vận động ủng hộ dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.
Hoạt động biểu tình dự kiến sẽ còn mạnh hơn cho đến ngày 1/10, ngày quốc khánh Trung Quốc. Thuộc địa Bồ Đào Nha trước đây là Macau liền kề cũng đang lên kế hoạch cho một cuộc vận động tương tự.
Những người ủng hộ dân chủ từ các quốc gia khác cũng có ý định hòa vào biểu tình, khiến chính quyền Bắc Kinh thêm bối rối. Kiểu bất đồng chính kiến như thế này không được chấp nhận tại đại lục, nơi mà cụm từ “Chiếm Trung tâm Hành chính” đã bị chặn trên Weibo.
Thông tin về cuộc biểu tình không được đăng tải rộng rãi trên các trang báo tại đại lục nhằm tránh kích động bất bình với chính phủ. Những người biểu tình yêu cầu một cuộc bầu cử ứng viên dân chủ để chọn lãnh đạo Hồng Kông vào năm 2017. Nhưng Quốc hội bù nhìn hôm 31/8 đã ký hậu nghị quyết các ứng viên phải do Bắc Kinh chỉ định.
Quốc tế quan tâm
Khung cảnh hỗn loạn tại Hồng Kông đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày cuối tuần qua gây ấn tượng mạnh cho khán giả bên ngoài Hồng Kông. Phong trào này đặc biệt giống với những gì diễn ra tại Đài Loan, một lãnh thổ hoàn toàn dân chủ nhưng bị Trung Quốc xem là tỉnh ly khai mà một ngày nào đó cần phải được sáp nhập về đại lục.
Chủ tịch Đài Loan là Mã Anh Cửu cho biết Bắc Kinh “nên lắng nghe tận tường những yêu cầu của người dân Hồng Kông”. Đài Loan hiểu và ủng hộ nhu cầu phổ thông đầu phiếu của người dân Hồng Kông, ông cũng nói thêm, “Chúng ta không muốn chứng kiến thêm bất kỳ xung đột nào”.
Người Anh bày tỏ lo ngại về tình thế hiện giờ tại Hồng Kông và kêu gọi bảo vệ những người biểu tình. Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông kêu gọi các bên “kiềm chế những hoạt động có thể làm căng thẳng leo thang”.
Phát ngôn viên Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh ghi nhận ý kiến của các quốc gia như Mỹ và tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng các nước liên quan nên cân nhắc kỹ về vấn đề này và không nên đưa ra những bình luận gây hiểu lầm. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kì quốc gia nào tìm cách can thiệp nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kì quốc gia nào bằng mọi cách ủng hộ hoạt động phi pháp như ‘Chiếm đóng Trung tâm Hành chính’. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự ổn định và thịnh vượng lâu dài của Hồng Kông, vì đây là lợi ích sát sườn của toàn thể nhân dân Trung Quốc tại quê hương cũng như trên toàn thế giới”.
Năm 1989, đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn đã khiến người Hồng Kông chấn động khi chứng kiến cách thức mà giới lãnh đạo Trung Quốc có thể dùng tới để kiểm soát quyền lực.
Hoạt động tài chính bị ảnh hưởng
Các ngân hàng ở Hồng Kông như HSBC, Citigroup, Bank of China, Standard Chartered và DBS đã đóng cửa một số chi nhánh và khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà hoặc đến các chi nhánh khác. Thị trường vẫn hoạt động trong bối cảnh bất ổn cuối tuần, điều này một lần nữa chứng tỏ Hồng Kông luôn là đô thị thương mại ưu việt. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông kết thúc phiên giao dịch trượt 1,9%.
Cuộc biểu tình khiến du khách hoảng sợ, với lượng khách tham quan từ đại lục giảm mạnh trước kì nghỉ Quốc Khánh. Hôm Thứ Hai, Hồng Kông đã hủy bắn pháo hoa chào mừng Quốc Khánh ở khu cảng.
Mỹ, Úc và Singapore cảnh báo du khách không nên đến Hồng Kông do có bất ổn. Một vài người biểu tình lập rào chắn để chặn lực lượng an ninh vào sáng sớm Thứ Hai (29/9), mặc dù tình hình có vẻ lắng dịu vào chiều tối.
Đến giữa chiều, hàng trăm người lại đổ xô vào trung tâm. Một chiếc xe bus sơn dòng chữ “Dân chủ” đậu ngay trên đường phố. Người dân đặt các chiếc ô bị bỏ lại để che cho những sinh viên đang ngủ dưới ánh mặt trời, trong khi những người khác phân phát nước và mặt nạ để chống hơi cay.
Trước đó, cảnh sát với dùi cui tiến hành chặn đám đông đổ xô vào các tuyến đường dẫn tới cơ quan chính phủ, bất chấp các cảnh báo về tính bất hợp pháp của biểu tình. Một vài cuộc xô xát đã xảy ra giữa cảnh sát trang bị nhiều dụng cụ trấn áp với những người biểu tình.
“Nếu hôm nay không đứng lên, mai sau tôi sẽ căm ghét bản thân. Thậm chí nếu tôi bị ghi tên vào danh sách tội phạm, thì đó là một vinh dự”, một tài xế taxi 55 tuổi cho biết.
Tại cảng biển Victoria nổi tiếng của Hồng Kông, số lượng người biểu tình ít hơn, trong đó có học sinh cấp hai, tụ tập ở Mong Kok, Kowloon. Khoảng 200 công nhân tại Swire Beverage, một đơn vị thuộc tập đoàn Swire Pacific của Hồng Kông và nhân viên đóng chai của Công ty Coca-Cola cũng đã đình công để ủng hộ những người biểu tình, một đại diện công đoàn cho biết.
Nhóm biểu tình cũng yêu cầu lãnh đạo Hồng Kông từ chức. Trung Quốc đã hứa cho Hồng Kông hưởng tự trị ở mức độ nào đó theo quy chế “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên Bắc Kinh tháng trước lại bác bỏ bầu cử dân chủ tại Hồng Kông mà dự kiến ấn định ứng cử viên trung thành với giới chức ở đại lục. Lý do chính theo phân tích của giới bình luận là vì lãnh đạo ĐCS Trung Quốc đang lo ngại những yêu cầu dân chủ này có thể mang tính lan truyền kích động tới người dân đại lục.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Reuters