Tinh Hoa

Cao cao đèn lồng Hội An

Bất kể ngày hay đêm, những chiếc đèn lồng treo bên hiên nhà hoặc trong quán nhỏ đều tô điểm không gian yên bình của phố Hội thêm rực rỡ.

Một trong những điểm khiến du khách thích thú về Hội An là được du ngoạn giữa không gian tĩnh lặng, tản bộ trên phố đèn lồng thơ mộng và ngồi ghe ngắm sông Hoài lấp lánh.

Dạo một vòng quanh phố cổ, du khách dễ dàng nhìn thấy những chiếc đèn lồng treo trên hiên nhà…

… hay lủng lẳng đủ màu, đủ loại trong những ki-ốt bán đồ lưu niệm.

Nguyên liệu chính để làm đèn lồng là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung đèn là loại già, được ngâm kỹ với nước muối từ 10 đến 15 ngày để chống mối mọt. Sau đó, tre được phơi khô, vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn.

Vải lụa tơ tằm có độ dai nên khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn bởi chất liệu này làm ánh sáng thêm huyền ảo, sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng, người làm còn phải bỏ công sức tiện gỗ, quét sơn hay véc ni, kết tua, uốn dây thép làm chỗ treo.

Đèn lồng được bày bán khắp nơi trên đường phố Hội An. Bạn có thể tìm thấy chúng với nhiều màu sắc, kích cỡ khác nhau.

Trong mối quan hệ giao thương với Việt Nam khoảng thế kỷ 16-17, nhiều thương gia từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ… đã góp phần tạo nên văn hóa đặc sắc của thương cảng Hội An. Chiếc đèn lồng là kết quả của sự giao thoa giữa các nền văn hóa này mà giá trị cũng như hình dáng đặc trưng của nó trở nên nổi tiếng. Được tạo ra với mục đích phục vụ nhu cầu cuộc sống, đèn lồng dần trở nên tinh xảo qua bàn tay tài tình của các nghệ nhân.

Vào ban đêm, đi ngang đường Trần Phú, Châu Thượng Văn…, bạn sẽ bị thu hút bởi những chiếc đèn xinh xắn, sáng rực trong bóng tối.

Hội An càng thêm huyền ảo trong sắc vàng ấm dịu từ những chiếc đèn lồng tỏa sáng khắp các ngõ. Phố cổ thường cấm xe cộ lưu thông từ 18h hàng ngày nên bạn có thể đi bộ chậm rãi, tận hưởng không gian Hội An về đêm.

Trong sự tĩnh lặng, dường như những chiếc đèn lồng không còn là vật trang trí mà trở thành một phần linh hồn phố cổ.

Vào ngày rằm và 14 âm lịch hàng tháng, Hội An tổ chức lễ hội thả hoa đăng. Dòng người đổ về dọc con sông Hoài, nhẹ nhàng thả từng chiếc đèn hoa đăng khắp mặt sông, nguyện cầu điều bình an. Bạn có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ, chèo ra giữa sông, thả hoa đăng và ngắm nhìn những dãy đèn lồng lung linh đôi bờ.

Theo VnExpress – Du Lịch