Tinh Hoa

Cảnh sát Macedonia bắn hơi cay vào người nhập cư cố vượt biên giới

Hôm 10/4, cảnh sát Macedonia đã bắn hơi cay vào những người nhập cư cố gắng vượt qua biên giới giữa Hi Lạp và nước này, làm ít nhất 260 người bị thương.

Người nhập cư và tị nạn đụng độ cảnh sát tại biên giới Macedonia. (Ảnh: AFP)

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cho biết, hôm 10/4, ít nhất 260 người bị thương khi cảnh sát bắn hơi cay vào những người nhập cư đang cố gắng vượt qua biên giới Hi Lạp – Macedonia.

Vụ việc xảy ra khi có tin đồn rằng biên giới Idomeni băng qua Macedonia vốn đóng cửa từ giữa tháng 2 đã mở lại.

AFP ghi nhận tại hiện trường, nhiều người biểu tình mang khăn che mặt hoặc bôi kem đánh răng để tự bảo vệ trước hơi cay đã ném đá vào các hàng rào. Một phần của hàng rào tại khu vực này đã bị phá bỏ.

Theo một nguồn tin từ cảnh sát Hi Lạp, hàng trăm người nhập cư đã tập trung trước các hàng rào và yêu cầu mở cửa biên giới. Khi họ cố gắng phá các rào cản này, cảnh sát Macedonia bắt đầu bắn hơi cay.

Trước đó một phát ngôn viên cảnh sát Macedonia cho biết, đám đông đã ném đá và các vật dụng khác khiến 3 cảnh sát nước này bị thương và họ phải dùng hơi cay để giải tán đám đông này.

Hai trăm người đã được điều trị bởi đơn vị y tế của chúng tôi về các vấn đề hô hấp, 30 người khác vì các vết thương do đạn nhựa gây ra và 30 người bị các vết thương khác“, bác sĩ Achilleas Tzemos thuộc MSF cho hay.

Tuy nhiên, cảnh sát Macedonia phủ nhận việc có người biểu tình nào bị thương bởi đạn nhựa. “Chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại đạn nhựa nào bởi vì luật pháp Macedonia cấm chúng. Chúng tôi không sử dụng dùi cui khi chúng tôi đang ở phía bên kia hàng rào“, phát ngôn viên Liza Bendevska của Macedonia nói.

Theo AFP, đây là vụ bạo lực mới nhất tại các điểm nóng ở Hi Lạp nơi vốn đang ùn ứ hơn 11.000 người nhập cư và tị nạn kể từ tháng 2 đến nay khi các quốc gia vùng Balkan đóng cửa biên giới, cắt đứt con đường đến Bắc Âu của những người này.

Cuộc đụng độ tại biên giới Hi Lạp – Macedonia xảy ra trong khi một phái đoàn EU đến Thổ Nhĩ Kỳ để thúc giục nước này nhanh chóng thực hiện thỏa thuận mà qua đó sẽ nhận lại tất cả những người nhập cư đến châu Âu đang nộp đơn xin tị nạn.

Theo Tuổi Trẻ