Ngày 25/8, trong cuộc trấn áp của cảnh sát Hồng Kông với những người biểu tình, ngoài việc xịt hơi cay, họ còn điều động xe bọc thép và xe vòi rồng, thậm chí còn rút súng bắn cảnh cáo. Ngày 1/10 đang tới gần, tình hình ngày càng xấu đi, liệu Trung Quốc có xuất quân can thiệp?
Chiều ngày 25/8, người Hồng Kông đã đội mưa để tổ chức cuộc diễu hành biểu tình tại Kwai Tsing, Tsuen Wan. Sau 05:35 chiều, những người biểu tình trên phố Yeung Uk Road và Tai Ho bị cảnh sát liên tục xả hơi cay, không ngừng trấn áp và bắt bớ. Có xe vòi rồng và xe bọc thép được trang bị ở hiện trường.
Vào khoảng 8 giờ tối, cảnh sát ở đường Sha Tsui bị nhóm người mặc áo đen truy đuổi. Nhiều sĩ quan cảnh sát đã rút súng lục và bắn đạn thật vào đám đông. Tại hiện trường có thể nghe thấy tiếng súng!
Cảnh sát trưởng hình sự Lương Quốc Vinh của nam Tân Giới Hồng Kông khi trả lời câu hỏi của truyền thông đã thừa nhận, theo thông tin sơ bộ thì có cảnh sát đã nổ súng, là một sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, nhưng hiện tại không biết là đã nổ súng bao nhiêu lần và người nổ súng là ai, phải sau khi điều tra xong mới có thể kết luận thêm thông tin.
Vào buổi chiều hôm đó, gia đình của các cảnh sát viên cũng đã tổ chức một cuộc mít tinh, những người tham gia chỉ trích chính phủ Hồng Kông nên giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bằng các biện pháp chính trị, không nên dùng cảnh sát viên để “làm bia đỡ”.
Một người vợ giấu tên của sĩ quan cảnh sát cho biết: “Tôi tin rằng trong hai tháng qua, cảnh sát đã chịu quá nhiều tủi nhục”.
Trước ngày 1/10, liệu Bắc Kinh có xuất binh?
Tính đến ngày 25/8, cuộc đấu tranh phản đối dự luật dẫn độ đã diễn ra gần ba tháng, cho đến nay tình hình vẫn không có dấu hiệu được xoa dịu.
Trong thời gian này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng ban hành các công văn “hù dọa” phong trào biểu tình tại Hồng Kông, đồng thời ngay tại Thâm Quyến – sát cạnh Hồng Kông, ĐCSTQ đã tập kết quy mô lớn quân đội, xe tăng, xe bọc thép để đe dọa.
Sáng sớm 29/8, một lượng lớn xe bọc thép, xe tải quân sự chở binh sĩ thuộc quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến vào Hồng Kông. Nhưng Tân Hoa Xã lại nói rằng đó chỉ là “hoạt động luân chuyển thường niên” theo luật pháp Trung Quốc về việc đồn trú quân đội trong khu vực hành chính đặc biệt.
Tuy nhiên, đây được coi là một tín hiệu cứng rắn từ Bắc Kinh: Không loại trừ khả năng ĐCSTQ sẽ can thiệp vũ lực tại Hồng Kông.
Điền Bắc Thần, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, khi trả lời bài phỏng vấn trong chương trình “Millennials” của Hồng Kông và Đài Loan vào ngày 20/8 đã nói: “Làn sóng biểu tình ở Hồng Kông không thể tiếp tục kéo dài”.
Ông cho biết, ngày 1/10 kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ chính là “Tử huyệt” của trung ương, sự kiện này nhất định phải giữ bình tĩnh, nếu không trung ương sẽ gây áp lực lên trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, phương án được đề ra bao gồm điều động bộ đội đóng ở Hồng Kông và phái cảnh sát vũ trang của ĐCSTQ đến Hồng Kông.
Điền Bắc Thần giải thích rằng kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ sẽ được quan tâm rộng rãi. Nếu 1 triệu người Hồng Kông ra đường diễu hành vào thời điểm này, thì chính quyền trung ương sẽ không thể chấp nhận. Do đó, cuộc khủng hoảng Hồng Kông phải được giải quyết trước ngày 1/10.
Ngày 1/10 đang đến gần, theo đó tình hình ngày một xấu đi, liệu Bắc Kinh có “xuất binh quyết tử” đối với phong trào “Chống dự luật dẫn độ” ở Hồng Kông?
Dương Kiến Lợi, người sáng lập Civil Force đã phân tích trên “Voice of America”: “Những tháng tới là rất quan trọng. Người dân Hồng Kông đã lên kế hoạch cho rất nhiều cuộc biểu tình. Mọi người đều hiểu tầm quan trọng của ngày 1/10 đối với ĐCSTQ, đặc biệt là đối với Tập Cận Bình“.
Dương Kiến Lợi tin rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc đàn áp vũ lực. Một số dấu hiệu như gần đây ĐCSTQ tung một số tin mập mờ ra trong và ngoài nước, cũng như việc đóng quân ở Thâm Quyến, hay đưa quân đội vào Hồng Kông thời gian gần đây, đã chứng tỏ rằng họ đã chuẩn bị cho việc này.
Nhưng đàn áp bạo lực đòi hỏi phải có lý do, ngày quốc khánh đang ngày một đến gần, vì thế ĐCSTQ cần phải tự tạo ra bạo lực để lấy cớ cho việc xuất quân trấn áp.
Dương Kiến Lợi cho biết Trung Quốc đưa quân đến Hồng Kông, không nhất định phải sử dụng hình thức quân dã chiến tiến hành trấn áp bạo lực như sự kiện Lục Tứ, bởi vì hiện nay có cảnh sát vũ trang chống bạo lực, cộng thêm cảnh sát Hồng Kông và các đơn vị quân đội đóng quân tại đây, Bắc Kinh tin rằng lực lượng của họ đủ để kiểm soát Hồng Kông.
Lý Hóa Cầu, một nhà nghiên cứu đặc biệt tại Quỹ nghiên cứu chính sách quốc gia Đài Loan cho rằng, một tuần lễ nữa sẽ là thời điểm rất quan trọng. Về việc ĐCSTQ có xuất quân hay không thì cần phải xem liệu có bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào trong những ngày này hay không, và các hoạt động quy mô lớn được xác định là theo chủ nghĩa khủng bố, thì khả năng xuất quân mới cao. Giả sử rằng có xuất quân thật đi chăng nữa, Bắc Kinh sẽ “kìm kẹp” nội loạn, và thông báo cho quốc tế không được can thiệp vào chuyện nội bộ của ĐCSTQ.
Dương Khiết Trì đến thăm Hoa Kỳ mang theo 30 tỷ USD để thăm dò?
Dương Khiết Trì, thành viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Trung ương, đã đến New York, Hoa Kỳ vào ngày 13/8 để gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo. Tuy nhiên, không bên nào tiết lộ nội dung cụ thể của cuộc trò chuyện sau cuộc họp.
Thời báo Epoch Times dẫn lời các nguồn tin cho hay, Dương Khiết Trì đã mang theo 30 tỷ USD trong chuyến đi. Ông muốn dùng khoản tiền này để bịt miệng người Mỹ, để Mỹ không “hé răng” khi ĐCSTQ sắp xuất quân đến Hồng Kông. Nhưng phía Mỹ nói rõ rằng “tuyệt đối không thể” lặp lại lịch sử giống như cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu muốn thông qua việc thao túng thị trường chứng khoán Mỹ và lấy kinh tế Mỹ để uy hiếp sẽ là điều không tưởng. Những gì ĐCSTQ làm tại Hồng Kông, Mỹ đều nắm rõ như lòng bay tay, không phải Mỹ không ra tay mà là thời cơ chưa chín muồi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhiều lần cảnh cáo ĐCSTQ phải giải quyết vấn đề ở Hồng Kông một cách nhân đạo. Trump cũng đề nghị Tập Cận Bình và những người biểu tình gặp nhau trực tiếp để xử lý mâu thuẫn. Trump nói rằng ông “lo lắng cho Hồng Kông và không muốn đàn áp bạo lực”.
Ngoài Hoa Kỳ, tình hình ở Hồng Kông cũng đã thu hút sự chú ý của các nước phương Tây khác. Các bộ trưởng ngoại giao bao gồm Anh, Pháp, Đức, Canada và Liên minh châu Âu đã cùng đưa ra một tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Hồng Kông và cảnh báo ĐCSTQ không sử dụng vũ lực.
Nhan Kiến Phát – Phó Giám đốc điều hành Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ phân tích rằng, trước mắt ĐCSTQ vẫn có khuynh hướng giao sự việc cho chính phủ Hồng Kông xử lý, nếu xử lý tốt thì ĐCSTQ được “nở mày nở mặt”, còn nếu không tốt thì mọi vấn đề sẽ đẩy cho chính phủ Hồng Kông.
Ông nói rằng hiện nay Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, châu Âu đều can thiệp vào sự kiện ở Hồng Kông, nếu ĐCSTQ phát động trấn áp vũ lực đối với Hồng Kông, sẽ không chỉ là dẫn đến sự trừng phạt kinh tế, mà thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh quân sự, số phận của ĐCSTQ sẽ rất thảm hại, vì vậy với tình hình hiện nay, ĐCSTQ đang đứng vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Gia Hưng (Theo NTDTV)