Vào ngày đầu năm mới 2020, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường diễu hành quy mô lớn. Cảnh sát nhân cơ hội này lạm dụng bạo lực bắt người bừa bãi, chặn và kiểm tra 464 người, bắt giữ 287 người. Tuy nhiên người nhà lại nhận được thông báo của cảnh sát rất chậm. Một người mẹ nói, nhìn thấy con trai bị bắt trên sóng truyền hình trực tiếp, đến đồn thăm hỏi cũng bị lờ đi, mời luật sư cũng bị từ chối.
Cuộc diễu hành quy mô lớn vào ngày đầu năm 2020 do Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền (CHRF) khởi xướng, xuất phát từ Công viên Victoria, đi bộ đến khu vực dành cho người đi bộ trên đường Chater. Thời gian là từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối ngày 1/1. Đã có một lượng lớn người dân tham gia hưởng ứng, đám đông đã chật kín đường Hennessy.
Vào khoảng 2 giờ 40 phút chiều, do số lượng lớn người tham gia nên cuộc diễu hành bắt đầu sớm từ Công viên Victoria, được dẫn đầu bởi các tân nghị viên quận. Họ giương cao các khẩu hiệu “đừng quên lời hứa, sánh vai đồng hành”, hô to các khẩu hiệu như “Không sợ chèn ép, sánh vai đồng hành”, “5 yêu cầu chính, không thể thiếu một”...
Vào lúc 5 giờ 30 phút chiều, CHRF bất ngờ nhận được thông báo của cảnh sát, yêu cầu cuộc diễu hành và mít tinh phải được giải tán ngay lập tức. Vào thời điểm đó, một số lượng lớn người dân vẫn đang chờ đợi để khởi hành ở Công viên Victoria. Sau đó cảnh sát đã xịt nước tiêu, bắn đạn hơi cay, sử dụng vòi rồng. Nhiều người dân chưa thể tham gia cuộc diễu hành, đành phải bất đắc dĩ rời đi theo hướng trạm Fortress Hill.
Theo ước tính, cho đến lúc cuộc diễu hành bị cắt ngang, đã có hơn 1,03 triệu người tham gia. Cùng ngày, cảnh sát đã chặn và kiểm tra 464 người, bắt giữ 287 người trong hoạt động bắt giữ.
Ngày 5/1, cuộc diễu hành “Đừng nhập lậu hàng hóa năm mới” được tổ chức tại quận Bắc Hồng Kông cũng nhận được thư thông báo không phản đối của cảnh sát. Buổi mít tinh bắt đầu từ 1 giờ 30 phút chiều, diễu hành từ 2 giờ 30 phút đến 5 giờ. Tuy nhiên cảnh sát đã tùy ý chặn đường người dân tại hiện trường diễu hành, cũng liên tục xịt nước tiêu vào người dân ở cự ly gần.
Một người dân ở đó tiết lộ, sau khi đi bộ qua con đường mình đi mỗi ngày, anh đã bị cảnh sát chặn lại vì đeo khẩu trang. Lúc ấy có tổng cộng hơn 20 người dân bị chặn đường, yêu cầu ngồi quay mặt vào tường, không những bị lục soát người, tra xét túi và chụp ảnh, còn bị yêu cầu nói họ tên và địa chỉ.
Cùng ngày, cảnh sát chống bạo động bao vây Trung tâm Thượng Thủy (Sheung Shui), cuối cùng đã bắt giữ tổng cộng 40 công dân và giam giữ họ tại Sở cảnh sát Thượng Thủy.
Theo Thời báo Epoch Times, ngày 6/1, nghị viên khu quận Bắc Trần Húc Minh nói rằng, cảnh sát đã công bố tên của những người bị bắt ở Thượng Thủy một cách chậm trễ, một số người thân và bạn bè của những người bị bắt phải ngồi ngoài Sở cảnh sát Thượng Thủy khổ sở chờ đợi. Không quá 10 người được xác nhận danh tính.
Ông còn nói, ngày 1/1, cảnh sát đã áp giải 464 người một cách vô nhân đạo, trong quá trình kiểm tra không cho bọn họ đi vệ sinh, có người bệnh tim tái phát cũng bị đưa vào viện trễ mấy tiếng, cuối cùng một nhóm người cứu hộ đã được phóng thích vào lúc nửa đêm, cảnh sát đã truy tố 287 người. Trong đó Đồn cảnh sát North Point giam giữ 170 người.
Vào sáng ngày 3/1, người thân của những người bị bắt lần lượt đến Đồn cảnh sát North Point nhưng không được vào, phải ở ngoài khổ sở chờ đợi. Các thành viên gia đình được phép vào cũng không thể gặp người bị bắt, chỉ có thể đứng ở phòng báo án vài phút, để lại đồ tiếp tế và rời đi. Có người nói cảnh sát không cho phép chuyển đồ tiếp tế, đồ ăn, và nước…
Có người bị bắt giữ hơn 50 giờ cũng không được thông báo với người nhà và không cho luật sư can dự, đó là một sự vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền.
Tiêu Nhược Nguyên, một nhân vật truyền thông khá nổi tiếng ở Hồng Kông đã giới thiệu trong một chương trình, một người phụ nữ có một người con trai 23 tuổi, vào ngày 1/1 anh ta chỉ đi hẹn hò với bạn gái, cũng bị bắt khi đi ngang qua hiện trường. Bởi vì tuổi còn trẻ nên anh ta vẫn chưa được thả, những người khác lớn tuổi hơn một chút đều đã được thả ra sau mấy tiếng bị bắt giữ.
Nhưng mẹ của anh ta không hề nhận được bất cứ thông báo nào từ cảnh sát, họ mời luật sư can thiệp cũng bị từ chối.
Liên đoàn Lao động Xã hội Hồng Kông đã đưa ra một tuyên bố rằng: “Chúng tôi rất phản cảm với hành động vây bắt của cảnh sát vào đêm giáng sinh và tết dương lịch, và cho rằng điều này sẽ chỉ gây ra hậu quả xấu: 1, Vi phạm nhân quyền; 2, Khiến cho người nhà của một số lượng lớn người bị bắt bất an; 3, Gia tăng sự oán hận của xã hội đối với cảnh sát; 4, Lãng phí công quỹ tố tụng; 5, trước khi sự kiện ngày 21/7 chưa điều tra ra sự thật, cuộc vây bắt quy mô lớn của cảnh sát hoàn toàn thiếu sức thuyết phục!”.
Tuyên bố cũng nói rằng, tính hợp lý của vụ bắt giữ bên ngoài Sogo vào ngày 1/1 đang gây tranh cãi, lại gặp thêm một số tình cảnh vô nhân đạo, như trì hoãn việc đưa đến bệnh viện cứu chữa, không cho đi vệ sinh, từ chối tiết lộ vị trí của người bị bắt, v.v., những người thân và bạn bè của những người bị bắt đều cảm thấy không thỏa đáng, cho rằng hành động răn đe của cảnh sát sẽ chỉ làm mất lòng dân, sẽ tự hủy hoại hình tượng của lực lượng cảnh sát.
Video: cuộc đại diễu hành vào ngày đầu năm mới ở Hồng Kông
Minh Huy (Theo NTDTV)