ANTĐ – Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với CATP Hà Nội khám phá nhiều vụ án lớn.
ANTĐ – Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với CATP Hà Nội khám phá nhiều vụ án lớn. Nộp thuế điện tử sẽ giúp quản lý tốt hơn hoạt động của doanh nghiệp Phối hợp chặt, chống thất thu thuế Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 2.792 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế với số thuế truy thu, truy hoàn và phạt gần 925 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 384 tỷ đồng, giảm khấu trừ 64,5 tỷ đồng. “Ngành thuế cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác chống thất thu, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Cục Thuế TP Hà Nội đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, xác minh sai phạm về thuế với 86 vụ liên quan tới 86 doanh nghiệp có dấu hiệu phát hành hóa đơn trái phép”, ông Thái Dũng Tiến nhấn mạnh. Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, tình trạng tội phạm lợi dụng sự thông thoáng trong việc thành lập công ty và sơ hở của chính sách để thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán trái phép hóa đơn GTGT để trốn thuế, tham nhũng… diễn biến phức tạp. Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lập khống chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ để rút tiền ngân sách; Lập khống hồ sơ hoàn thuế để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; Lập khống chứng từ để hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu hay làm tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng… Một số doanh nghiệp “ma” còn khai thuế, nộp thuế để “nuôi” doanh nghiệp có hóa đơn lâu dài. Siết chặt quản lý in hóa đơn Theo đại diện Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV, các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn bất hợp pháp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… Thậm chí, các đối tượng không bỏ trốn như trước mà tạm dừng hoạt động, sau khoảng 2-3 năm mới làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế. Theo quy định, để được khấu trừ thuế GTGT từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp phải thanh toán qua ngân hàng nhưng các đối tượng vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng. Điển hình như vụ Nguyễn Trường và đồng bọn, qua điều tra cho thấy, có 2.995 doanh nghiệp chuyển tiền về cho 14 “doanh nghiệp ma” với số tiền lên tới hơn 5.400 tỷ đồng. Qua thực tế phối hợp, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV kiến nghị, Cục Thuế TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh đề án khai thuế điện tử và chủ động phối hợp với đơn vị chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn, sớm phát hiện tội phạm. Bởi quá trình điều tra các vụ án cho thấy, có dấu hiệu cán bộ quản lý thuế tại các chi cục thiếu trách nhiệm hoặc cố ý vi phạm. “Cần có những quy định để hạn chế thấp nhất tình trạng cấp giấy phép cho các doanh nghiệp “ma”. Các cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu siết chặt hơn nữa công tác quản lý in ấn hóa đơn hiện còn lỏng lẻo. Qua điều tra, có trường hợp chỉ 3 đối tượng nhưng nhận 87 hợp đồng in hóa đơn”, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị. |
Theo ANTĐ