Dù trong túi vàng lấy trộm của vợ có gần một nửa là tiền do bản thân góp vào nhưng Tâm không hề biết, trong khi đó bà T. gọi điện cho chồng không được nên đã báo công an khiến Tâm lãnh án gần 3 năm tù giam.
Theo Plo, ngày 23/2, TAND TP. Cần Thơ xử phúc thẩm bị cáo Quan Thanh Tâm (47 tuổi) về tội trộm cắp tài sản. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của cả bị cáo và bị hại.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Tâm và bà T. (64 tuổi) sống chung như vợ chồng từ năm 2012 nhưng đến tháng 12/2020 mới kết hôn.
Vào khoảng 16h ngày 27/4/2020, Tâm mang sọt quần áo dơ đi giặt thì phát hiện trong sọt có một túi nilon màu trắng đựng vàng gồm một chiếc lắc vàng, 3 chiếc nhẫn vàng và một sợi dây chuyền vàng đều là của bà T.
Đến chiều tối hôm sau (28/4/2020), do bà T. không có ở nhà nên Tâm nảy sinh ý định lấy số vàng trên để làm của riêng. Theo đó, bị cáo đã lấy túi vàng bỏ vào túi quần rồi mang về nhà cha mẹ ruột ở gần đó cất giấu trên nắp bồn nước trong nhà tắm.
Hai ngày sau, bà T. phát hiện mất vàng nên đến công an phường trình báo. Công an mời Tâm đến làm việc thì Tâm thừa nhận lấy trộm vàng của bà T. và tự nguyện giao nộp toàn bộ số vàng.
Theo giám định và định giá, tổng số vàng trị giá hơn 122 triệu đồng. Bà T. khai một chiếc lắc và 2 chiếc nhẫn là của con riêng bà ở Đài Loan cho riêng bà vào năm 2017. Một dây chuyền và một chiếc nhẫn là tài sản của Tâm và bà tích góp nhiều năm mua được. Số vàng trên đều do bà T. quản lý, chồng bà không hề biết bà mua lại vàng gì và trọng lượng bao nhiêu.
Xử sơ thẩm vào tháng 12/2020, TAND quận Ô Môn nhận định có đủ căn cứ quy kết Tâm đã trộm số vàng trị giá hơn 122 triệu đồng.
Dù người bào chữa cho bị cáo đề nghị trừ 1 sợi dây chuyền và 1 nhẫn vì là tiền bị cáo đưa cho bị hại mua vàng nên định lượng tài sản bị trộm là dưới 100 triệu đồng nhưng tòa vẫn tuyên phạt bị cáo Tâm 2 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Tòa cho rằng tại thời điểm bị cáo Tâm lấy trộm vàng, bị cáo nghĩ đây là tài sản của người bị hại và không biết trong đó có tài sản của mình. Sau khi lấy trộm xong, bị cáo đem về nhà cha mẹ cất giấu và cũng không nghĩ trong đó có tài sản của mình. Khi bị cáo lấy không có sự đồng ý của bị hại nên mức án trên là hợp lý.
Sau khi tòa tuyên án, bị cáo Tâm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật.
Vợ bị cáo là bà T. cũng kháng cáo, xin cho chồng được giảm nhẹ hình phạt, được hưởng án treo vì bà thường xuyên đau ốm, còn cha mẹ chồng cũng già yếu, cần có người chăm sóc.
Tại phiên phúc thẩm ngày 23/2, bà T. cho biết đã sống chung với bị cáo Tâm từ năm 2012 nhưng gần đây mới đăng ký kết hôn (sau phiên tòa sơ thẩm).
Trả lời câu hỏi của luật sư vì sao thấy mất vàng không nói cho chồng trước mà lại đi báo công an, bà T. cho biết: “Khi phát hiện mất vàng, tôi mới hết hồn. Lúc đó, tôi gọi điện thoại cho ảnh 2, 3 cuộc mà ảnh không nghe nên mới đi báo công an”.
Phát biểu quan điểm tại tòa, đại diện VKS đề nghị tòa không chấp nhận kháng cáo của bị cáo vì bị cáo có nhiều anh em khác có thể chăm sóc cho cha mẹ bị cáo.
Sau khi nghị án, tòa cho rằng bị cáo kháng cáo nhưng không cung cấp chứng cứ mới, do đó HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, giữ y bản án sơ thẩm, phạt bị cáo Tâm 2 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Cụ thể, HĐXX nhận định có cơ sở xác định bị cáo Tâm đã lén lút lấy tài sản của bị hại, trị giá trên 122 triệu đồng.
Dù cả bị cáo và bị hại đều khai rằng đã chung sống từ năm 2012 nhưng đến tháng 12/2020 mới kết hôn nên tài sản bị trộm trong vụ này không được xem là tài sản chung của vợ chồng.
Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo Tâm lại ngầm hiểu đó là tài sản của bị hại nên lén lút lấy mang về nhà cha mẹ. Mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên (2 năm 6 tháng tù) thực chất là nhẹ so với khung hình phạt.
Vũ Tuấn (t/h)