Tinh Hoa

Cận giáng sinh, ô nhiễm không khí tại TP.HCM ‘vượt mặt’ Hà Nội

Hà Nội lần đầu tiên đạt chỉ số AQI ở mức màu vàng – chất lượng không khí bình thường, tiệm cận không khí sạch sau nhiều ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng, trong khi TP.HCM lại đón ngày cuối tuần với ô nhiễm gia tăng.

Ô nhiễm không khí đảo chiều, TP.HCM ‘vượt mặt’ Hà Nội. (Ảnh qua thanhnien)

Sáng chủ nhật (22/12), ứng dụng AirVisual hiển thị chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) tại Thủ đô Hà Nội chuyển biến tích cực, lần đầu tiên giảm xuống 54 – mức màu vàng (bình thường), tiệm cận mức chất lượng không khí sạch.

Ô nhiễm không khí TP.HCM ‘vượt’ mặt Hà Nội

Cụ thể, số liệu được cập nhật đến 9h sáng ngày 22/12 như sau: Điểm đo Hoàn Kiếm: 68; Điểm đo Thành Công: 69; Điểm đo Tân Mai: 51; Điểm đo Kim Liên: 48 (chỉ số ở ngưỡng xanh – không ảnh hưởng đến sức khoẻ – PV);  

Điểm đo Phạm Văn Đồng: 81; Điểm đo Tây Mỗ: 59; Điểm đo Mỹ Đình: 56; Điểm đo Hàng Đậu: 90; Điểm đo Chi cục bảo vệ môi trường: 53; Điểm đo Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 59; Điểm đo Đại sứ quán Pháp: 43 (chỉ số ở ngưỡng xanh – không ảnh hưởng đến sức khoẻ).

Thông qua Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND TP. Hà Nội mức chỉ số trung bình đã đạt ngưỡng vàng, 3 điểm ở ngưỡng xanh. (Ảnh qua moitruongthudo)

Ứng dụng Airvisual cũng cho chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội ở mức 54 – ngưỡng màu vàng. Ứng dụng PAM Ari  tương tự với nhiều điểm ngưỡng vàng.

Với chỉ số cải thiện này, Thủ đô của Việt Nam đã xuống vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, thay vì vị trí đầu bảng như khoảng 1 – 2 tuần trước.

Ngược lại, sau vài ngày chỉ số chất lượng không khí trở về mức bình thường, sáng cuối tuần của người dân TP.HCM lại giảm sạch khi AQI đạt 156 – mức màu đỏ. Theo đó, TP.HCM đứng thứ 11, tiệm cận top 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu. Phải tới khoảng 13 giờ chiều, chất lượng không khí mới cải thiện và trở về mức màu vàng vào 19 giờ tối. 

Trước đó, chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn trong thời gian vừa qua.

TP.HCM sắp có xe đạp công, loại xe máy cũ để giảm ô nhiễm môi trường

Theo đó, Sở GTVT đã cho triển khai khẩn cấp Kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải năm 2020.

Bên cạnh yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng nâng cao tính chống chịu biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường,..Bộ còn đặc biệt quan tâm đến quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới.

Giao thông là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. (Ảnh qua Zing)

Cụ thể, ngay sau khi được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương, Sở GTVT sẽ triển khai thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại khu vực quận 1 nhằm đa dạng hóa các phương thức giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dự kiến tháng 1/2010, Sở cũng sẽ phối hợp cùng Công ty TNHH Grab thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố. 

Ô nhiễm không khí, kẻ giết người thầm lặng

Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm và tỷ lệ này ở đột quỵ não và bệnh lý tim mạch là 25%. 

Ths Chu Thị Cúc Hương – Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội. (Ảnh qua kinhtedothi)

Với các bệnh lý về hô hấp thì các đối tượng bị ảnh hưởng còn lớn hơn, khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý về hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Trao đổi với phóng viên, Ths Chu Thị Cúc Hương – Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí có thể gây đau đầu, đặc biệt tác động rõ rệt đến chức năng phổi, tăng nặng các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim cũng như đột quỵ tăng cao.

Các bác sĩ về da liễu, nhãn khoa cũng lo ngại về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến mắt và da, có thể gây viêm kết mạc mắt, thay đổi sắc tố da, phá hủy tế bào da, ảnh hưởng đến khả năng tái tạo da và dẫn đến đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

Vũ Tuấn (t/h)