Khi nói đến “cười”, mọi người thường nghĩ đó là một cảm giác tốt đẹp, bởi vì “nụ cười” thông thường đi kèm với hạnh phúc và vui vẻ. Nhưng một người nếu cứ cười mãi, cười không nhịn được, lúc nào cũng cười to, chảy cả nước mắt, thở không ra hơi nhưng vẫn cười như điên tiết… thì quả là không ổn rồi.
Dưới đây là câu chuyện về một người như thế, trong lòng ông ấy cảm thấy buồn tủi, cay đắng nhưng miệng vẫn không thể không cười, rốt cuộc là nguyên nhân vì sao?
Từ phòng chờ khám bệnh của thầy thuốc Ngọc Lâm vang lên một tràng cười… làm người ta chú ý.
Âm thanh đó khá trầm, mạnh mẽ, thoạt nghe thì giống như người cười lớn ấy đang có chuyện vui, hoặc đang mang tâm trạng hứng khởi mà nói chuyện. Tiếng cười ấy khiến người ta bất giác mỉm cười …
Hôm đó là một ngày không thể quên, thầy thuốc Ngọc Lâm nhớ lại:
Khi đến lượt người đàn ông ấy vào khám bệnh, tôi mở hồ sơ xem qua bệnh án. Lý do ông đến điều trị được ghi là “Không thể nhịn được cười, vô cùng thống khổ …”
Tôi đưa mắt nhìn ông ấy. Đây là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, dáng người khỏe mạnh, ngoại hình trung bình, tướng mạo đoan chính, giữa hai lông mày lộ rõ nét u sầu, hằn sâu khó hiểu, khi ông ấy nhìn vào người khác thì sẽ khiến người ta có cảm giác toàn thân khó chịu.
Thoạt tiên, ông ấy hỏi tên tôi được phát âm như thế nào, sau đó cười to vài tiếng. Tiếp đến, ông ấy hỏi tôi đã đến Mỹ mấy năm, rồi lại cười ha ha.
Tôi không thể hiểu được, cuộc đối thoại với mấy câu xã giao ngắn ngủn như thế, có gì đáng để ông ấy cười sảng khoái như vậy? Tôi bắt đầu có hơi khó chịu, ông ấy cũng cảm nhận được điều này, đưa mắt nhìn tôi lộ vẻ nghiêm túc, cố hết sức đè nén bản thân “không được cười”.
Tôi hỏi: “Có thể cười một cách vui vẻ chẳng phải là chuyện tốt sao? Tại sao ông lại nói đó là bệnh?”
Ông thở dài đáp: “Thưa bác sĩ, các cơ trên mặt tôi vì cười mà đau nhức, tôi cười đến mức muốn khóc, cười đến chảy nước mắt, chảy nước mũi, thở không ra hơi. Hơn nữa trong cuộc sống hàng ngày của tôi chẳng có việc gì đáng để cười to như thế”.
Tôi hỏi: “Ông bị bệnh này bao lâu rồi?”
Ông trả lời: “Nó bắt đầu từ khi tôi còn rất trẻ. Lúc hai tuổi rưỡi, tôi mắc một căn bệnh lạ, bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được là bệnh gì, nhưng tôi phải tiêm thuốc, cứ 30 phút tiêm một lần, tổng cộng 21 ngày. Lúc đó bố mẹ tôi không ở bên cạnh, tôi bị trói vào giường, hét to kêu cứu, rồi bất lực mà cười to. Tôi nghĩ rằng tiếng cười sẽ thu hút mọi người quan tâm đến mình. Kết thúc 21 ngày đó, toàn thân tôi bị đâm nhiều lỗ kim, không còn mấy chỗ thịt lành lặn, nhưng tôi vẫn cứ không ngừng cười.
Chỉ có trái tim tôi biết rằng, sâu thẳm trong tiếng cười ấy thực ra là nỗi buồn đau không tả xiết. Thế giới này vốn là nơi không phân biệt được thật giả, dở khóc dở cười. Theo thời gian, tôi trở nên tê liệt. Từ khi còn nhỏ, tôi đã hy vọng rằng ai đó sẽ hiểu mình, không phải tôi thực sự muốn cười hay trong cuộc sống có điều gì đó đáng cười, mà là vì khóc sẽ bị coi thường, thậm chí còn bị bỏ rơi…”.
Vừa dứt lời, ông ấy không nhịn được, lại tiếp tục cười ha ha. Tiếng cười từ cao xuống thấp, từ thấp đến ậm ừ, nghe mà khiến người nghe phải rợn người.
Ông buồn bã: “Tôi đã phá sản, mất hết tiền tiết kiệm. Tôi không có gia đình, tôi ở một mình, đi đến đâu cũng vì tiếng cười của tôi mà để lại cho người ta những ký ức không vui. Bác sĩ ơi, đây có phải là bệnh không?”
Lúc đó… Tôi thật sự không biết phải nói gì.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp một bệnh nhân cười mà lại thấy đau thương, không những đau thương mà tinh thần còn hao tổn. Sau khi châm cứu, ông ấy đã yên lặng hơn rất nhiều so với lúc mới vào, đã có thể nói chuyện một cách bình thường hơn một chút.
Tôi hỏi về cha mẹ của ông ấy. Ông rơi nước mắt, lại cười và nói với tôi rằng: Khi ông được 7 tuổi, cha mẹ ông cùng chĩa súng bắn vào nhau rồi chết ở ngay trước mặt ông. Thoạt đầu ông nghĩ đó là trò đùa của họ, nên đứng bên cạnh cười ha ha. Mãi cho đến khi cha mẹ ngã trong vũng máu và không còn đáp lại tiếng khóc gào của ông được nữa, lúc đó mới nhận ra rằng, tất cả những điều này là sự thật. Kể từ đó, tiếng cười của ông ấy đều có liên quan đến sự bất hạnh. Khi gặp phải tình huống tuyệt vọng, không thể cứu vãn trong cuộc đời, ông ấy lại ra sức cười. Đây là những gì ông ấy đã bị ám ảnh từ khi còn bé. …
Lúc chuẩn bị rời phòng khám, ông ta thấy một người mẹ trẻ đang bế một đứa bé khoảng hơn hai tháng tuổi, ngồi trong phòng chờ đợi tôi. Người phụ nữ đó nhìn tôi áy náy, giải thích rằng: Hôm nay cô ấy không tìm được người giúp chăm sóc con, lại sợ tôi phải chờ đợi, không biết làm sao nên đành mang đứa bé theo.
Ông ta nghe vậy hai mắt liền sáng lên, lập tức nói: “Để tôi bế cho, tôi có thời gian, tôi sẽ bế đứa trẻ ngồi ở trên ghế sô-pha, đợi cô không đi đâu cả”.
Người phụ nữ vui vẻ: “A, hay quá! Tôi vừa thay bỉm và cho con bé uống sữa, nó sẽ ngủ một giấc dài, không quấy phá ông đâu ạ.”
Người mẹ nhìn tôi với vẻ tin tưởng, nghĩ rằng những bệnh nhân bước ra khỏi phòng khám của tôi đều đáng tin cậy.
Tôi không bày tỏ bất cứ thái độ gì. Thấy ông đưa tay đón lấy đứa trẻ hết sức trân trọng, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở: “Tạm thời ông xem đứa trẻ như là chính mình lúc còn nhỏ nhé!”
Ông ấy gật đầu, nước mắt lưng tròng, cảm động nhìn tôi nói: “Tôi hiểu rồi!”
Người mẹ trẻ yên tâm đi vào phòng khám. Tôi đứng ở cửa phòng chờ, nán lại vài phút, vì sợ rằng tiếng cười vang vọng của ông ấy sẽ đánh thức đứa trẻ đang ngủ say, tôi hy vọng khoảnh khắc này có thể lấy lại sự thiện lương trong bản tính của ông.
Trong ký ức bị bỏ rơi khi còn nhỏ, có lẽ cảm giác từng được một người mẹ ôm ấp, có thể quay ngược thời gian trở lại trong tâm trí không trọn vẹn này. Tôi hy vọng hành động bế đứa bé hoàn toàn trong sáng không chút ô nhiễm bụi trần kia, có thể chữa lành vết thương thời thơ ấu của ông.
Bất ngờ quay người lại, thấy tôi vẫn còn đứng đó, ông nhẹ nhàng nói: “Bác sĩ, cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội này. Tôi biết rằng khoảnh khắc này quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, vì nó có thể chữa lành vết thương của tôi…”.
Tôi gật đầu, nhẹ nhàng đóng cửa lại.
Một giờ sau, đứa bé thức giấc, đôi mắt mở to trong vòng tay ấm áp của ông, tò mò nhìn xung quanh. Vừa đúng lúc người phụ nữ kia bước ra khỏi phòng khám, đi đến ôm đưa bé vào lòng.
Lạ một nỗi, thay vì người mẹ trẻ lên tiếng thì lúc ấy, chính ông ta lại cảm ơn rối rít: “Tuần sau tôi lại tới khám bệnh, cô cứ đến khám tiếp sau tôi nhé, tôi sẽ lại bế con bé như thế cho cô, cô yên tâm, cứ yên tâm nhé”.
Người mẹ trẻ nhướng mày nhìn tôi: “Hay quá! Bác sĩ ơi, quyết định như thế nhé!”
Nhìn đứa trẻ từng bước được mẹ bế rời đi, ông lại cố rướn cổ lên để nhìn thêm lần nữa. Lúc này tôi mới nhận ra, đã hơn một tiếng đồng hồ, ông ta không còn cười thành tiếng nữa.Tôi chợt nhớ đến một bài thơ rằng:
“Đau khổ tột cùng cười thỏa thích
Dằn bao thống khổ lẫn bi thương
Người đời nghĩ rằng ta đắc ý
Nào biết tim đau như biển cạn
Trần thế hỗn loạn đâu thật giả
Trời phủ bóng ma âm dương loạn
Xua tan mây mù tìm trong sạch
Đường về chân ngã chính Đạo quy”
Việt Anh (t/h)