TT – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh ngừng cải tạo đảo trên biển Đông và quân sự hóa tranh chấp.
Phát biểu tại một sự kiện quân sự ở tiểu bang Hawaii, ông Carter nhấn mạnh Mỹ sẽ là một cường quốc an ninh chủ chốt tại khu vực trong vài thập kỷ tới và các máy bay quân sự, tàu chiến của Washington sẽ tiếp tục hoạt động tại bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Ông Carter cho rằng hoạt động của Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông là một bước đi nằm ngoài các quy tắc quốc tế và nằm ngoài sự nhất trí của khu vực. “Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho tất cả tranh chấp, và ngừng ngay lập tức việc cải tạo đảo của bất cứ bên nào. Chúng tôi cũng phản đối việc quân sự hóa các yếu tố tranh chấp” – Reuters dẫn lời ông Carter. Tuyên bố cứng rắn của bộ trưởng quốc phòng Mỹ đưa ra ngay sau khi Trung Quốc động thổ xây dựng hai ngọn hải đăng trên bãi đá Châu Viên và Gạc Ma của Việt Nam. Ngay lập tức, hôm qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích Mỹ áp dụng tiêu chuẩn kép trên biển Đông khi bỏ qua hoạt động của các nước khác và đưa ra các tuyên bố “thiếu trách nhiệm” về chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. “Không ai có quyền nói Trung Quốc phải làm gì” – bà Hoa cảnh báo. Mỹ sẽ bảo vệ Philippines Theo bộ trưởng quốc phòng Mỹ, hành động của Trung Quốc đang khiến các nước trong khu vực xích lại gần nhau và tìm kiếm sự can dự của Mỹ. “Các nước ngày càng muốn Mỹ can dự vào châu Á – Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ đáp lại điều đó” – ông Carter tuyên bố. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, ông Carter cũng tái khẳng định lời hứa bảo vệ đồng minh Manila khi cả hai thảo luận về các căng thẳng đang leo thang trên biển Đông do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết hai bộ trưởng quốc phòng nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Washington và Manila, đồng thời nhất trí “tất cả các bên liên quan ở biển Đông nên tìm kiếm giải pháp hòa bình trong các tranh chấp”. Trước đó, ông Gazmin đã yêu cầu Mỹ thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn tại khu vực và tăng cường hỗ trợ Philippines. Dù vậy, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng Manila không chỉ dựa vào Washington mà còn cần sự ủng hộ của cộng đồng thế giới. Theo giới phân tích, việc Mỹ công bố đoạn ghi hình các hoạt động cải tạo đảo tại biển Đông của Trung Quốc và đoạn ghi âm vụ chạm trán với hải quân Trung Quốc không chỉ phát tín hiệu cứng rắn với Bắc Kinh mà cũng dụng ý thúc các quốc gia ASEAN hành động dưới sự dẫn đầu của Washington. Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ: “Các nước cần nắm bắt vấn đề và cần sớm có động thái. Nếu đợi thêm bốn năm nữa thì chuyện đã xong”. Dù khả năng ASEAN đoàn kết vẫn khiến một số chuyên gia hoài nghi, tuy nhiên việc các nước hợp tác trong các hoạt động tuần tra, trao đổi quân sự, tập trận… hoàn toàn có thể và đã bắt đầu diễn ra nhộn nhịp thời gian qua. Nói về vụ chạm trán tuần trước, nhà báo Jim Sciutto của CNN, người được lên trực thăng của quân đội Mỹ, cho rằng Lầu Năm Góc chủ ý thực hiện và công bố sự việc với thông điệp rằng Mỹ đang theo dõi và đang mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. “Phi hành đoàn đã chuẩn bị trước – ông Jim mô tả – Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Mỹ bay qua các hòn đảo này”. Úc đang sát cánh cùng Mỹ Tờ Sydney Morning Herald ngày 28-5 đưa tin Trung Quốc bắt đầu triển khai vũ khí tới các đảo nhân tạo xây trái phép trên biển Đông, làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Mỹ và các đối tác an ninh trong khu vực, bao gồm cả Úc. Tờ báo cho biết các quan chức của Canberra lo ngại Bắc Kinh có thể đưa ra đảo các hệ thống rađa tầm xa, súng chống máy bay và triển khai các chuyến bay để tăng cường năng lực quân sự tại khu vực. Các quan chức quân sự cấp cao của Úc đang thảo luận để đưa ra các động thái thể hiện sự ủng hộ đối với tự do đi lại trên biển Đông và phản đối kế hoạch xây đảo của Bắc Kinh. Các lãnh đạo Úc phải cân nhắc việc thể hiện quan điểm của Canberra không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các hòn đảo nhưng tránh gây xung đột với đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Một số nguồn tin cấp cao cho biết Úc cũng có thể tập trận với Mỹ hoặc các đối tác trong khu vực gồm Nhật, Malaysia, Singapore. Các động thái này sẽ được bàn bạc với Mỹ và không công khai rầm rộ nhằm tránh phản ứng của Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao Úc thời gian gần đây cũng thôi nói về sự trung lập của Canberra đối với các vấn đề biển Đông, báo Sydney Morning Herald nhận định. Cơ quan tình báo quốc phòng và Văn phòng đánh giá quốc gia Úc mới đây cũng đổi giọng trong đánh giá chiến lược, sắp trình lên Ủy ban An ninh quốc gia, về các hoạt động của Trung Quốc TRẦN PHƯƠNG
|
Theo Tuổi Trẻ