Càng đến gần hạn chót đàm phán Quy tắc ứng xử trên biển Đông COC với Trung Quốc, các nước thành viên ASEAN càng tăng cường cảnh giác, có những động thái cứng rắn hơn, phối hợp với nhau chặt chẽ và mạnh mẽ hơn.
Bộ trưởng ngoại giao Malaysia, đường 9 đoạn là một thứ ‘nực cười’
Trong diễn biến mới nhất, Malaysia đã có động thái cứng rắn khi Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah gọi đường 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra nhằm yêu sách phần lớn diện tích Biển Đông là một thứ ‘nực cười’.
“Với việc Trung Quốc tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông thuộc Trung Quốc, tôi nghĩ đó là chuyện nực cười”, ông Saifuddin phát biểu tại Kuala Lumpur hôm 20/12.
Những bình luận của Ngoại trưởng Saifuddin được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Malaysia trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc hôm 13/12, đề nghị thiết lập giới hạn thềm lục địa của nước này trên Biển Đông.
Malaysia tuyên bố hồ sơ mới đệ trình của Malaysia nhằm thiết lập giới hạn thềm lục địa trong phạm vi 200 hải lý là những gì xứng đáng thuộc về nước này và sẽ bảo vệ tuyên bố về vùng thềm lục địa đến cùng, bất chấp việc Bắc Kinh cáo buộc Kuala Lumpur xâm phạm chủ quyền, vi phạm quy tắc quốc tế và kêu gọi Liên Hợp Quốc không xem xét hồ sơ của Malaysia.
Trong khi đó, mặc cho lập trường gần gũi với Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Duterte, chính quyền Philippines cũng đã công bố kế hoạch tham vọng nhằm mở rộng lực lượng phòng vệ bờ biển.
Philippines tăng cường khoảng 10.000 nhân sự bảo vệ bờ biển
Theo Inquirer, Manila mong muốn tăng cường thêm khoảng 10.000 nhân sự vào cuối năm 2020 cho các nhóm phòng vệ bờ biển, mục tiêu cho đến hết năm 2025 là tăng thêm 45.000 nhân lực nữa.
Mục tiêu bổ sung thêm nhân sự của Philippines diễn ra trong bối cảnh Manila đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc. Các tàu này từng chặn các tàu của Philippines trong cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông, hồi 2012.
Trước đó, Việt Nam cũng đã công bố Sách trắng quốc phòng vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, Sách trắng quốc phòng của Việt Nam nêu lên quan ngại trước các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là các hành vi đơn phương vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam, đi ngược lại luật pháp quốc tế…
Thách thức với ASEAN khi đàm phán COC cùng Trung Quốc
Được biết, Trung Quốc đang đàm phán với 10 nước thành viên ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Hai bên đặt mục tiêu đi đến thống nhất trước năm 2021.
COC là tập hợp những quy tắc, quy định và trách nhiệm hay cách hành xử phù hợp của các cá nhân, tổ chức và bên có liên quan đến Biển Đông. COC được nêu ra từ thập niên 1990, bắt đầu được ASEAN và Trung Quốc thảo luận từ năm 2002, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông gia tăng.
Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, quá trình đàm phán COC liên tục bị trì hoãn bất chấp nỗ lực của các thành viên ASEAN, chủ yếu là do khác biệt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong cách nhìn nhận về COC…
Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc sẽ khó có thể đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước các động thái mới đây từ phía các nước láng giềng. Bắc Kinh đang phải đối phó với áp lực quốc tế liên quan tới vấn đề Tân Cương, cuộc biểu tình tại Hong Kong, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, đi cùng với nền kinh tế giảm tốc gây ra sức ép về đối nội.
Vũ Tuấn (t/h)