Tinh Hoa

Chiến tranh thương mại leo thang, các nhà sản xuất đang rời bỏ Trung Quốc

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, chi phí sản xuất gia tăng do lương và thuế quan tăng, các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đang rục rịch rời bỏ Trung Quốc và chuyển sang thị trường tiềm năng hơn như các nước Đông Nam Á.

Chiến tranh thương mại leo thang, doanh nghiệp nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc. (Ảnh ABC)

Gần 20 năm nay, Trung Quốc nắm vai trò công xưởng của thế giới. Các doanh nghiệp phương Tây đặt chân đến quốc gia Đông phương này vì khao khát nguồn lao động rẻ. Nhưng trong vài năm qua, các nhà sản xuất đã rục rịch di dời khỏi Trung Quốc vì chi phí gia tăng. Cuộc chiến thương mại hiện tại với Hoa Kỳ càng tiếp thêm động lực để họ áp dụng kế 36 của Tôn Tấn “tẩu vi thượng sách”.

Chiến tranh thương mại và ngành công nghiệp sản xuất

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, chi phí sản xuất của Trung Quốc thấp hơn 6% so với Mexico. Một thập kỷ sau, chi phí sản xuất của Mexico rẻ hơn 4%. Hiện tại, chi phí sản xuất ở Trung Quốc chỉ thấp hơn 5% so với Mỹ, và khi Mỹ bổ sung thêm thuế nhập khẩu, thì quá rõ ràng – đã đến lúc các nhà sản xuất phải di chuyển ra ngoài.

Nathan Resnick, Giám đốc điều hành của Sourcify, nói với tạp chí Forbes: “Tôi đã giao thương với Trung Quốc trong nhiều năm, và thị trường này đang ngày một đắt đỏ hơn. Với tất cả các mức thuế hiện tại, không lý do gì chúng tôi lại không tìm cho mình một nơi sản xuất khác. Các công ty đang muốn nói rằng nỗi sợ về các mức thuế này đã làm giảm sự thúc đẩy sản xuất tại Trung Quốc”.

Người ta cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng giữ chân các nhà sản xuất. Họ cố khiến đại lục có chi phí rẻ hơn so với vùng duyên hải phía Đông. Tuy nhiên, chi phí sản xuất ở đại lục vẫn sẽ ở mức cao hơn trong một thời gian dài do lương tăng và thuế quan.

Các công ty Nhật Bản có vẻ là người cầm cờ đi đầu trong “công cuộc” di dời sản xuất. 60% các doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển đổi hoặc đang trong quá trình chuyển đổi hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc. 40% còn lại đang xem xét thu hồi lại vốn.

Chính quyền Trump cũng đã rút khỏi hiệp ước bưu chính, do họ thấy hiệp ước này mang đến lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Động thái này sẽ tăng chi phí vận chuyển cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc.

Tìm những đồng cỏ tươi tốt khác

Trong mắt các doanh nghiệp đa quốc gia, các nước Đông Nam Á đang dần trở thành nơi lý tưởng để trở thành trung tâm sản xuất. GoerTek, đơn vị sản xuất Airpod của Apple tại Trung Quốc, đang chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam.

Trên ABC News, Chủ tịch công ty Jiang Bin cho biết: “Do các yếu tố kinh tế vĩ mô – như biến động thị trường bên ngoài, hay tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, các hoạt động và sự quản lý của công ty dần trở nên khó khăn hơn”.

SK Hynix đang chuyển một số sản phẩm DRAM sang Hàn Quốc. Toshiba thì đang tìm cách biến Thái Lan hoặc Nhật Bản thành trung tâm sản xuất mới về máy ép nhựa. Mitsubishi lại chuyển dây chuyền sản xuất công cụ máy móc về Nagoya, Nhật Bản. Còn công ty vận chuyển và kho bãi lớn nhất châu Á, Kerry Logistics Network Ltd., sẽ chuyển các dây chuyền sản xuất từ ​​Trung Quốc sang các nước như Việt Nam, Myanmar, Lào và Malaysia.

Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được xem là cơ hội kinh doanh có một không hai của nước Đông Nam Á. Theo The Globe And Mail: “Chính phủ Đài Loan đang tích cực khuyến khích các công ty di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tháng trước, chính phủ đã cam kết đẩy nhanh “chính sách đối ngoại” hiện tại nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, thông qua việc khuyến khích các công ty [Đài Loan] chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á”.

Nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết, thì không thể tránh khỏi việc một số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất phục vụ cho thị trường Hoa Kỳ “cao chạy xa bay” khỏi Trung Quốc. Điều duy nhất còn lại lúc này là liệu Trung Quốc có thể cầm cự được bao lâu nữa mới chịu quy phục luật chơi công bằng.

Xuân Nhạn, theo Vision Times