Trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố họ đã dựa vào các tử tù để đẩy mạnh ngành thương mại cấy ghép tạng. Tuy nhiên nhiều minh chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các nhóm thiểu số bị đàn áp để phát triển ngân hàng nội tạng của họ.
ĐSCTQ tuyên bố rằng tất cả các nội tạng được thu hoạch hiện nay đều đến từ các nhà tài trợ “tự nguyện”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà lãnh đạo quốc tế đang nắm giữ các bằng chứng cho thấy cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương, còn được gọi là East Turkistan, có thể là đối tượng bị nhà nước Trung Quốc giết hại để lấy tim, phổi, gan, thận và các bộ phận cơ thể quan trọng khác – thậm chí các bộ phận này còn bị lấy ra từ các cơ thể đang còn sống.
Đầu tháng này, hai tổ chức hoạt động của người Duy Ngô Nhĩ – Phong trào thức tỉnh quốc gia Đông Turkistan và Chính phủ lưu vong Đông Turkistan – đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) chống lại lãnh đạo Bắc Kinh, cho rằng giới chóp bu này đã phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người, bao gồm cả việc đánh cắp nội tạng của nhóm dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Họ thúc giục ICC nhanh chóng mở cuộc điều tra.
Động thái này được đưa ra ngay sau một báo cáo báo cáo dài 562 trang của Tòa án về vấn đề Trung Quốc vừa hoàn thành. Báo cáo là kết quả nhiều năm nghiên cứu của hơn 50 chuyên gia, cùng các lời khai nhân chứng và những dữ liệu thống kê dưới dạng tài liệu hoặc băng ghi âm và video của Tòa án về vấn đề Trung Quốc do Ngài Geoffrey Nice QC, công tố viên tòa án hình sự quốc tế làm chủ tịch. Ngài Geoffrey Nice là công tố viên xét xử nhà lãnh đạo Slobodan Milosevic của Nam Tư vì tội ác chiến tranh. Ông từng tuyên bố rằng bất kỳ người nào hay tổ chức nào tương tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, đều “cần phải biết rằng họ đang tương tác với một quốc gia tội phạm”.
Toà án về vấn đề Trung Quốc xác định chắc chắn ở Trung Quốc, việc mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm đã xảy ra trong một khoảng thời gian rất lâu dài. Trong khi phần lớn các nạn nhân được cho là các học viên Pháp Luân Công và người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
“Bằng cách tập trung vào một nhóm dân số thiểu số bị giam cầm, ĐCSTQ đã phát triển cơ bản từ cái mà tôi gọi là ‘thu hoạch 1.0’ – một hệ thống có sức lan tỏa về mặt địa lý như các học viên Pháp Luân Công – để thu hoạch 2.0,” Ethan Gutmann, đồng sáng lập Liên minh Quốc tế để chấm dứt lạm dụng cấy ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) và là ứng cử viên Nobel năm 2017, nói với Fox News. “Chính quyền lựa chọn có hệ thống những người trẻ khỏe để lấy nội tạng sống, rồi vận chuyển nội tạng đến các bệnh viện có quy mô công nghệ và cấy ghép cho người nhận trong và ngoài nước – nhanh hơn, hiệu quả hơn và ẩn giấu khỏi sự giám sát của thế giới tốt hơn.”
Theo nhiều người sống sót và các thành viên gia đình đang ẩn náu ở nước ngoài, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu kiểm tra y tế toàn diện – liên quan đến siêu âm và xét nghiệm mẫu máu – của những người thiểu số ở Tân Cương từ khoảng 4 năm trước.
“Lựa chọn này hoàn toàn là dựa trên chủng tộc: hơn một nửa dân số Tân Cương, người Hán, được miễn kiểm tra y tế,” Gutmann nói.
Trong một lời khai được cung cấp cho Fox News thông qua Hội nghị Người Duy Ngô Nhĩ trên thế giới, có trụ sở tại London, Omer Bakari, người Duy Ngô Nhĩ may mắn sống sót cho biết ông đã trải qua việc bị cưỡng bức thử máu và nước tiểu cưỡng bức lần đầu tiên, cùng với một cuộc kiểm tra mắt và toàn thân, tại một đồn cảnh sát Pichan ở cuối tháng 3/2017. Ông cũng bị buộc thực hiện cuộc kiểm tra lần hai một tháng sau đó tại một bệnh viện, trước khi bị tống vào nhà tù Karmay, nơi ông cùng nhiều người thiểu số khác bị đánh bằng roi và “bị treo lên như miếng thịt”. Ông nghi ngờ rằng ông đang được xét nghiệm như một ứng cử viên bị lấy nội tạng tiềm năng.
Tương tự, Gulbahar Jelilova, 46 tuổi, tuyên bố rằng cô đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào tháng 5/2017 sau khi đi đến Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương, để nhận một lô hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu của cô.
Cô cho biết chính quyền buộc cô phải nhận tội chuyển tiền cho một công ty Thổ Nhĩ Kỳ mà cô chưa bao giờ biết đến, và cho biết trong suốt 15 tháng bị giam giữ, cô và tất cả phụ nữ đều bị ép uống thuốc tránh chu kỳ kinh nguyệt và có lần cô đã bị lột trần để kiểm tra y tế.
Luật sư nhân quyền người Canada – David Matas, người đã nghiên cứu sâu rộng về nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp, nhấn mạnh rằng tại sân bay Kashgar ở Tân Cương, thậm chí còn có các dấu hiệu bằng nhiều ngôn ngữ biểu thị tuyến đường vận chuyển nội tạng đến máy bay để xuất khẩu ra nước ngoài. Hình ảnh được công bố vào tháng 9/2018 cho thấy các làn đường ưu tiên cho mục đích này.
Thêm vào sự mơ hồ xung quanh việc nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là sự xuất hiện của các báo cáo cho thấy nhiều người đến Trung Quốc để thực hiện các ca cấy ghép tạng đến từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có; do đó, nhu cầu về cơ quan nội tạng “halal” – từ các cơ thể không bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn chế độ ăn uống như thịt lợn và từ những người đã theo chế độ ăn kiêng phù hợp với người theo đạo Hồi – đều là nhu cầu.
Gutmann khẳng định rằng mặc dù không có mục quảng cáo nào về “nội tạng halal”, cụm từ này đã trở thành một cách viết tắt hữu ích cho một số bằng chứng, bao gồm tài liệu về khách du lịch cấy ghép tạng vùng vịnh tại Bệnh viện Trung ương Thiên Tân, trung tâm cấy ghép lớn nhất thế giới.
“Quay trở lại một vài năm trước, và đường truy cập vào trang web của bệnh viện từ nước ngoài luôn lịch sự hỏi bạn có muốn tiếp tục bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ả Rập không. Gần đây, ít nhất một bệnh viện Trung Quốc công khai quảng cáo với thế giới rằng nó có một phòng cầu nguyện Hồi giáo rất đẹp và một nhà hàng halal,” ông cho biết.
Trong khi các chuyên gia nói rằng thị trường nội tạng quan trọng nhất là trong nước, còn người mua nội tạng đến từ khắp nơi trên thế giới.
“Các khách hàng trong nước lớn nhất thường là những người Trung Quốc giàu có hoặc có quan hệ chính trị. Các khách hàng nước ngoài lớn nhất hiện nay là Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudis,” Matas nói
Salih Hudayar, thủ tướng của Chính phủ Đông Turkistan lưu vong, chỉ ra rằng “các tù nhân Duy Ngô Nhĩ cũng đã được chuyển đến tỉnh Hắc Long Giang gần biên giới Triều Tiên; được biết rằng Hàn Quốc là một thị trường có nhu cầu cấy ghép tạng lớn”.
Nhưng đi đến tận cùng của vấn đề là một thách thức sâu sắc đối với các nhà điều tra bên ngoài, do sự đàn áp khắc nghiệt của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương.
Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại tập trung – thứ mà Bắc Kinh gọi là “trại cải tạo” và là một công cụ an ninh quốc gia cần thiết chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hơn nữa, thi thể của nạn nhân nhanh chóng được xử lý – các thành viên gia đình thường được thông báo rằng người thân khỏe mạnh của họ đột ngột qua đời và chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền khi họ chứng kiến và chôn cất thi thể.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng các biện pháp cấy ghép nội tạng phi đạo đức, khăng khăng cho rằng họ đã ngừng sử dụng nội tạng từ các tử từ vào năm 2015.
Các quan chức Bắc Kinh đã cáo buộc Tòa án về vấn đề Trung Quốc lan truyền “tin đồn” vô căn cứ.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò được công bố trên tạp chí BMC Medical Ethics vào tháng 11 đã cáo buộc Trung Quốc giả mạo và thao túng các bộ dữ liệu cấy ghép nội tạng chính thức để che giấu số lượng người đã đăng ký tự nguyện hiến tặng, so với số ca cấy ghép.
Các nhà hoạt động gọi đây là “diệt chủng y tế,” họ ước tính Bắc Kinh kiếm được hàng tỷ USD từ việc việc buôn bán cấy ghép nội tạng số lượng lớn.
“Một hoặc hai trong số các bệnh viện của Trung Quốc có thể thực hiện trung bình khoảng 6.000 ca ghép gan, bằng với số ca ghép hàng năm trên toàn nước Mỹ kể từ năm 2000,” Trung tâm nghiên cứu thu hoạch nội tạng Trung Quốc có trụ sở tại Hoa Kỳ tuyên bố.
Cơ quan này khẳng định họ đã thăm dò hàng trăm bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc từ doanh thu, số lượng giường, tỷ lệ sử dụng giường, chuyên môn phẫu thuật, chương trình đào tạo, tài trợ của nhà nước và nhiều thông tin khác, làm bằng chứng cho các phát hiện của họ. “Trong khi các quan chức Trung Quốc cho rằng nước này thực hiện khoảng 10.000 ca cấy ghép mỗi năm Dựa trên các yêu cầu năng lực tối thiểu do chính phủ áp đặt, 164 bệnh viện cấy ghép được phê duyệt có thể đã tiến hành hơn 70.000 ca cấy ghép mỗi năm.”
Các nhà chức trách y tế Trung Quốc tự hào rằng nước này thực hiện nhiều ca cấy ghép nhất trên thế giới – vượt qua con số 40.000/năm ở Hoa Kỳ – nhưng thông tin về những “người tình nguyện” hiến tạng thì vẫn còn quá mờ ám.
“Hầu hết người Trung Quốc đều không muốn hiến tặng nội tạng do truyền thống của họ, vì vậy chúng tôi tin rằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chúng tôi vô cùng nghi ngờ rằng điều đó đang xảy ra ở Đông Turkistan do thực tế là nhiều thi thể nạn nhân đã chết trong các trại tập trung và nhà tù chưa được trả về cho gia đình họ. Trong trường hợp các thi thể được trả lại cho gia đình, có những vết khâu có thể nhìn thấy trên các bộ phận của cơ thể như thận,” Hudayar đưa ra lưu ý
Ông cũng nhấn mạnh rằng “hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã được bí mật chuyển đến các nhà tù ở các tỉnh của Trung Quốc như Hà Nam, nơi có 5 bệnh viện Trung Quốc bị các nhà nghiên cứu cáo buộc có liên quan đến việc thu hoạch nội tạng.”
“Với các báo cáo về tự do tôn giáo, chúng tôi không có lý do gì để tin vào sự phủ nhận chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Bản thân sự thiếu minh bạch của chính phủ này là rất lộ liễu. Thật không may, hầu hết nạn nhân của thủ đoạn ghê rợn này đều đã chết, vì vậy họ không thể nói về sự đau khổ của mình,” Gary Bauer – ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói.
Thiện Thành (Theo Fox News)