Khi hoàng hôn từ từ buông xuống một ngày hè nóng nực giữa tháng 7, những ngọn nến được thắp lên, từng ngọn từng ngọn một, để tưởng nhớ những người đã mất đi sinh mạng trong cuộc bức hại nhân quyền tạn bạo nhất lịch sử tại Trung Quốc.
Bên bờ sông Hudson, ngay phía bên kia đường của Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York, trong nền nhạc thoang thoáng buồn, các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, ngồi lặng im thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của hàng ngàn đồng tu của họ ở Trung Quốc.
Môn tu luyện thiền định ôn hòa theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn này được ông Lý Hồng Chí lần đầu tiên giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Nhờ những lợi ích to lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, môn tu luyện nhanh chóng trở nên phổ biến tại Trung Quốc, đến năm 1999, đã có khoảng 70-100 triệu người theo học.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thời bấy giờ là Giang Trạch Dân lo sợ rằng sự nổi tiếng của môn tu luyện sẽ đe dọa sự kiểm soát của ông với công chúng. Vì vậy vào ngày 20/7/1999, ông đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc, huy động bộ máy an ninh của cả nhà nước để bắt giữ và tống giam những người tu luyện Pháp Luân Công trong các nhà tù, trại cưỡng bức lao động, các trung tâm tẩy não và các cơ sở khác.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hơn 4.000 người được xác nhận đã chết vì bị tra tấn và lạm dụng trong khi bị giam giữ, mặc dù con số thực tế được cho là cao hơn rất nhiều vì khó lấy được thông tin từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số lượng lớn học viên còn bị giết do mổ cướp nội tạng để cung ứng cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng trị giá hàng tỷ USD của nước này.
Video: Giết người cướp nội tạng – Quốc doanh bí mật của Trung Quốc
Mặc dù thời tiết vô cùng nóng nực, nhưng khoảng 200 học viên Pháp Luân Công vẫn tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc để kỷ niệm 19 năm cuộc bức hại, đồng thời kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo này.
Zhang Hongyu, một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc trốn thoát sang Hoa Kỳ đã kể về việc mẹ cô qua đời vào năm 2013 sau nhiều năm bị chính quyền Trung Quốc cầm tù, trong đó có việc bà bị ngược đãi ở trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia.
Bố của Zhang, ông Zhang Ming, gần đây đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ. Người thân của ông cũng bị cấm đến thăm ông. Zhang đã kêu gọi các quan chức lãnh sự đang ngồi ở phía bên kia đường tiếp nhận thông điệp của cô, đó là: Hãy trả tự do cho cha cô và tất cả các học viên Pháp Luân Công khác vẫn còn bị giam tại Trung Quốc.
“Tại thời điểm quan trọng trong lịch sử này, lựa chọn giữa bảo vệ hay phá hủy đạo đức của nhân loại là việc mà mỗi người sống trên Trái đất này phải làm”, cô nói.
Cô Gao Hongmei đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc cũng nói về người mẹ 72 tuổi của mình. Bà bị bắt giữ vào tháng 5 này sau khi có người báo cáo với chính quyền địa phương rằng bà đã phát những tờ tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Quốc. Bà hiện vẫn đang bị giam giữ.
Cô Gao cho biết cho dù có bao nhiêu học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng nhục hình trong khi bị giam giữ, họ vẫn kiên trì giữ vững đức tin của mình. “Tra tấn không thể thay đổi được trái tim lương thiện của họ”, cô nói.
Cô Shi Ling từ tỉnh Sơn Đông cho biết các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc còn phải đối mặt với những vụ bắt giữ vô cớ. Ví dụ như một học viên ở tỉnh cô đã bị bắt khi đang đi bộ đến nhà một thành viên trong gia đình. Gia đình của học viên đó cũng không được quyền thăm viếng.
Wang Zhiyuan, người phát ngôn của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), gọi cuộc bức hại đang diễn ra là “diệt chủng”.
Ông cũng lưu ý rằng những quan to trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từng giúp Giang Trạch Dân thi hành cuộc bức hại – như nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, và nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu – đã bị “ngã ngựa” và khai trừ khỏi Đảng. Ông kêu gọi những người vẫn thực hiện chiến dịch của ông Giang hãy dừng lại ngay lập tức.
Một số nhà hoạt động xã hội Trung Quốc, trong đó có nhà văn Lin Zhang, cũng phát biểu tại cuộc mít-tinh. Ông Lin đã chứng kiến các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn trong khi ông bị giam tại một cơ sở ở tỉnh Quảng Châu vì bất đồng chính kiến.
Ông nhớ lại: “Sự dũng cảm và kiên trì của họ đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc”. Ông nói thêm rằng ông hy vọng một ngày nào đó, tất cả họ có thể thực sự được tự do.
Hồng Liên, theo Epoch Times