Các dự án lớn khác nhau do Trung Quốc tài trợ hoặc xây dựng trên khắp châu Phi đã khiến cho môi trường ở lục địa này bị suy thoái nghiêm trọng. Các dự án khổng lồ cũng cho phép Bắc Kinh bành trướng quyền lực, phát triển thế ảnh hưởng của mình ở châu Phi, theo Epoch Times.
Dự án xây đường cho Kenya
Kenya là một minh chứng cho thấy Trung Quốc hầu như không làm gì để đảm bảo việc tác động tối thiểu lên môi trường tại những nước họ thực hiện các siêu dự án. Trên thực tế, các quốc gia này thường bị bỏ lại trong tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều so với lúc đầu.
Hậu quả về môi trường mà Trung Quốc đang để lại trên đất nước Kenya thông qua các dự án xây dựng đã gây ra một cuộc tranh luận nảy lửa trên lục địa này trong vài năm qua. Các dự án này chủ yếu nằm trong sáng kiến “1 Vành đai, 1 con đường” của Trung Quốc.
Tổng thống Kenya, Uhuru Kenyatta, gần đây đã bật đèn xanh cho Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc xây dựng một đường cao tốc dài 27km, nối từ trung tâm thành phố Nairobi đến Sân bay Quốc tế Jomo Kenyatta. Mục đích là để giảm bớt ách tắc giao thông và cho phép khách du lịch bắt kịp các chuyến bay.
Tuy nhiên, đường cao tốc này dự định sẽ được xây cắt ngang qua Công viên Uhuru, một công viên giải trí rất được người dân yêu thích. Công viên này nằm ở rìa Khu trung tâm thương mại quận Nairobi và có diện tích trải dài khoảng 13 hecta.
Sau khi vấp phải các cuộc biểu tình và phản đối công khai, chính phủ đã cho định tuyến lại con đường, và sẽ thi công trong thời gian 2-3 năm tới. Nếu dự án được thực hiện theo hoạch định ban đầu, đường cao tốc sẽ làm mất hơn nửa hecta của công viên Uhuru.
Một trường hợp khác là tuyến đường sắt tiêu chuẩn (SGR) do Trung Quốc xây dựng chạy qua Vườn quốc gia Nairobi. Tháng 12/2016, Cơ quan quản lý môi trường quốc gia đã cấp giấy phép cho Tập đoàn Đường sắt Kenya xây dựng tuyến đường SGR giai đoạn 2A, đi xuyên qua công viên Nairobi bằng một cây cầu cạn. Vườn quốc gia Nairobi là nơi duy nhất trên thế giới có chung hàng rào với thành phố Nairobi.
Tuyến đường sắt trị giá 1,5 tỷ USD này do Trung Quốc tài trợ. Tuyến đường nối từ Naivasha đến Nairobi. Nó cũng nối với tuyến đường giữa Cảng Mombasa và Nairobi trị giá 3,2 tỷ USD và cũng do Trung Quốc tài trợ.
Trong cuộc phỏng vấn với thời báo Epoch Times, Giám đốc điều hành mạng lưới phúc lợi động vật châu Phi Kahindi Lekalhaile cho biết, tuyến đường sắt đã can thiệp vào môi trường sống của động thực vật trong công viên, những thiệt hại về sinh thái và môi trường là không thể phục hồi được. Ngoài ra, đã có sự gia tăng xung đột giữa người dân và động vật hoang dã kể từ khi xây dựng tuyến đường sắt này.
“Một quốc gia như Kenya tuyệt đối không thể phớt lờ Trung Quốc và phải bắt họ chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ gây ra, nếu không, sẽ xuất hiện thêm những vấn đề lớn hơn,” Lekalhaile nhấn mạnh.
Bất kỳ ai nắm quyền lực đều có thể ảnh hưởng đến một tổ chức thể chế. Trong khi tòa án hoặc các nhóm xã hội dân sự lại làm như không có gì xảy ra ngoài việc nói suông về nâng cao nhận thức cộng đồng.”
Dự án đập thủy điện tại Sudan
Đập Merowe ở Sudan đi vào hoạt động năm 2009 là một trong những dự án thủy điện có sức tàn phá lớn nhất thế giới, theo nhóm International Rivers. Con đập trị giá 2,4 tỷ USD này được tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và các nhà tài chính Ả Rập.
Mặc dù dự án đập Merowe làm tăng sản lượng điện ở Sudan lên gấp đôi, nhưng nó đã gây tác động hủy hoại cực lớn đến môi trường nước này, bao gồm việc di dời hơn 50.000 cư dân của Thung lũng sông Nile màu mỡ.
Năm 2006, chương trình đánh giá Môi trường Liên Hợp Quốc đã ghi nhận những thiệt hại trong lúc công trình này đang thi công giữa chừng, bao gồm: mất phù sa cho nông nghiệp, suy thoái lũ lụt, bồi lắng đập, xói lở bờ sông, giảm nước ngầm ở thung lũng sông, ngăn chặn sự di cư của cá và ảnh hưởng đến các loài có nguy cơ tuyệt chủng, chẳng hạn như cá sấu sông Nile.
Một báo cáo của Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi cho thấy các dự án của Trung Quốc trên khắp châu Phi thường tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường. Chúng bao gồm thăm dò khai thác dầu khí, thủy điện, khai thác gỗ và các dự án cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường dây tải điện.
Theo Trung tâm Úc nghiên cứu về Trung Quốc trên thế giới tại Đại học Quốc gia Úc, Zambia, “có những lo ngại về tác động môi trường của các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là khai thác, thủy điện, đường bộ và nhà máy luyện kim.”
“Một số tổ chức phi chính phủ môi trường địa phương cáo buộc các công ty khai thác của Trung Quốc gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí, đất và nước; phá hủy môi trường sống hoang dã và di dời các cộng đồng địa phương mà không có sự đền bù thỏa đáng”, Beyongo Mukete Dynamic, nhà nghiên cứu tại trung tâm nhận xét.
Trung Quốc nhập khẩu gỗ từ Mozambique
Trong nhiều năm, Mozambique đã phải vật lộn với nạn “chảy máu” rừng do khai thác gỗ trái phép, trong khi phần lớn số gỗ khai thác được nhập khẩu vào Trung Quốc, theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường Mozambique năm 2014.
“Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhập khẩu 99% tổng lượng gỗ từ Mozambique. Rõ ràng nhu cầu về gỗ của Trung Quốc chiếm gần như tất cả kim ngạch xuất khẩu gỗ của Mozambique. Đồng thời Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 93% tỷ lệ khai thác gỗ bất hợp pháp đang làm tàn lụi đất nước này”, báo cáo cho biết.
Theo tổ chức Global Forest Watch có trụ sở tại Hoa Kỳ, từ năm 2001 đến 2017, Mozambique đã mất 2,88 triệu ha cây rừng vì nhu cầu ngày càng tăng ở Trung Quốc đối với các loại gỗ cứng có giá trị, chẳng hạn gỗ Cẩm Lai.
Brian Waswala, giảng viên ngành khoa học môi trường tại trường Đại học Maasai Mara cho biết, lỗi của quốc gia sở tại là thiếu luật pháp quy định nghiêm ngặt về môi trường hoặc có luật pháp nhưng thi hành thất bại.
“Tất cả các quốc gia đều có chủ quyền và các đối tác phát triển của Trung Quốc không thể đưa ra các điều khoản tuân thủ môi trường,” ông Wasala chia sẻ với Thời báo Epoch Times.
“Lẽ ra các quốc gia sở tại nên có sự hợp tác liên ngành trong cơ quan chính phủ và công chúng cũng cần đóng góp một phần công sức. Rất ít công dân biết cách tham gia hỗ trợ chương trình nghị sự phát triển đất nước. Hầu hết đều không biết luật, vì thế, Trung Quốc hay bất kỳ nhà phát triển đáng ngờ nào cũng sẽ tận dụng lợi thế dựa trên thiếu sót này.”
Thiện Thành (Theo Epoch Times)