Dịch viêm phổi Vũ Hán (viêm phổi ĐCSTQ) đang hoành hành khắp Trung Quốc và gây thiệt hại nặng nề cho toàn thế giới. Trước đó, người ta đã dự đoán rằng Đài Loan và Hồng Kông là 2 khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất vì ngay gần tâm dịch Trung Quốc. Nhưng hiện tại, 2 nơi này lại khiến thế giới kinh ngạc vì đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh.
Vào cuối tháng 01 năm nay, trước tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus Trung cộng gây ra (virus COVID-19) đã lây lan ra toàn cầu, trường Đại học Johns Hopkins ở Hoa Kỳ đã dự đoán rằng Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông sẽ trở thành những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất ngoài Trung Quốc. Nhưng hiện nay, ngoại trừ tình hình ở Thái Lan là tương đối nghiêm trọng, thì cả Đài Loan và Hồng Kông đều không có gì ‘nổi bật’.
Đài Loan và Trung Quốc chỉ cách nhau bởi một eo biển, về vị trí địa lý là có nguy cơ lây nhiễm cao. Hơn nữa, thời điểm bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc lại xảy ra vào mùa du lịch cao điểm nhân dịp giao thừa cuối năm, rất nhiều doanh nhân Đài Loan và gia đình của họ bắt đầu về quê ăn Tết, mỗi năm vào dịp này còn có khoảng 2.000 khách du lịch Đại lục đến Đài Loan.
Điều kỳ lạ là, tính đến sáng ngày 03/04, Đài Loan chỉ có 339 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh, với tỷ lệ mắc bệnh trên đầu người rất thấp, các nhà chức trách đã kiểm soát dịch bệnh một cách ổn định, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của họ đã thu hút được nhiều sự chú ý. Nhiều quốc gia đã liên tục khen ngợi thành tựu phòng chống dịch bệnh của Đài Loan, đồng thời bày tỏ họ muốn học hỏi kinh nghiệm từ Đài Loan.
Đài Loan chia sẻ bí quyết phòng chống dịch bệnh với thế giới: “Đừng tin lời ĐCSTQ”
Trên thực tế, ngoài việc nên tìm hiểu các biện pháp phòng chống dịch bệnh cụ thể của Đài Loan, chúng ta nên chú ý hơn đến mấu chốt thành công của Đài Loan, đó là: không tin ĐCSTQ (Trung Cộng).
Bác sĩ Lý Bỉnh Dĩnh – Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Truyền nhiễm Trẻ em Đài Loan đồng thời là thành viên cố vấn của Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương cho biết, trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, họ đã nhận thấy rằng “tin tức của ĐCSTQ dường như không đơn giản như thế”.
Ông Lý Bỉnh Dĩnh nói, Đài Loan nhận ra rằng thế giới sẽ không thể nào nhận được thông tin chính xác từ ĐCSTQ. Về những số liệu mà ĐCSTQ công bố chính thức, “chúng tôi biết rằng nó không đúng với hiện trạng“, chỉ có thể biết được khái quát về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc thông qua các tin tức nội bộ, truyền thông và các luận văn liên quan đến từ nước ngoài.
Lâm Tĩnh Nghi – cựu ủy viên lập pháp đồng thời là bác sĩ sản khoa bệnh viện Trung Sơn nói rằng, từ vết xe đổ của dịch SARS, Đài Loan đã xây dựng nên một bộ sách lược phòng chống dịch bệnh hoàn thiện, và hiểu rất rõ về khả năng ĐCSTQ sẽ che giấu dịch bệnh.
Cũng vì thế mà chính phủ Đài Loan đã đưa ra các biện pháp ứng phó rất nhanh chóng, bệnh viện và dân chúng cũng rất phối hợp với các biện pháp của chính phủ, vì vậy so với các quốc gia khác, Đài Loan vẫn có thể kiểm soát được dịch bệnh.
“Đài Loan thật sự rất hiểu rõ ĐCSTQ”, ông Lâm Tĩnh Nghi nói: “Chúng tôi biết rất rõ bọn họ sẽ che giấu dịch bệnh”, chúng tôi nhanh chóng nhận ra sự việc không hề đơn giản, vì thế đã có phản ứng nhanh hơn các quốc gia khác.
Vì luôn bị ĐCSTQ chèn ép trong thời gian dài nên Đài Loan vẫn luôn có sự cảnh giác. Lâm Tĩnh Nghi bày tỏ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người có ảo tưởng tốt đẹp về ĐCSTQ, cho rằng kinh tế và kỹ thuật của Trung Quốc rất lợi hại, tin rằng sau lần dịch bệnh này, những người Đài Loan trở về từ Trung Quốc sẽ thấy rõ được cách xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ và Đài Loan là hoàn toàn khác nhau; những người dân vốn không tin ĐCSTQ thì có thể càng thấy rõ hơn; và hẳn là sẽ có một bộ phận những người đang ảo tưởng về ĐCSTQ sẽ bị vỡ mộng.
Hồng Kông vốn được xem là không mấy lạc quan, vậy mà lại không bị bùng phát dịch
Tương tự Đài Loan, một kỳ tích về phòng chống dịch bệnh khác đã được lập nên bởi Hồng Kông. Đến sáng ngày 03/04, Hồng Kông có 802 ca nhiễm bệnh, vào cuối tháng 03 vừa qua Hồng Kông chỉ có dấu hiệu về một đợt bùng phát nhỏ, còn trước đó có thể nói là ‘trời yên biển lặng’.
Trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát, tình hình ở Hồng Kông hoàn toàn không mấy khả quan. Khi Trung Quốc bắt đầu bùng dịch, chính phủ Hồng Kông đã không lập tức đóng cửa biên giới với Trung Quốc, ngoại giới vô cùng lo lắng dịch bệnh có thể lây lan nghiêm trọng ở Hồng Kông. Một cuộc khảo sát dân ý vào đầu tháng 02 cho thấy 75% người dân Hồng Kông không hài lòng với hiệu suất chống dịch của chính phủ và đánh giá của họ chỉ là 1,7 điểm.
Cũng vào đầu tháng 02, các hãng hàng không từ sớm đã xem Hồng Kông là khu vực dịch bệnh và lần lượt ngừng các chuyến bay tới Hồng Kông, họ cũng đã bắt đầu cắt giảm nhân sự.
Viên Quốc Dũng – một giáo sư nổi tiếng tại viện Y học thuộc Đại học Hồng Kông lo ngại rằng có thể có “1,4 triệu người nhiễm bệnh” ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, con số 1.4 triệu người nhiễm bệnh mà ông Viên Quốc Dũng dự đoán so với số liệu hiện nay lại cách rất xa. Theo dữ liệu của Worldometer, tính đến ngày 18/03, Hồng Kông có 183 ca nhiễm, đến ngày 31/03 thì con số tăng lên đáng kể với 715 ca.
Cho đến nay, hầu hết các ca nhiễm ở Hồng Kông đều thuộc về tình huống từ nước ngoài đến, gồm những di dân và những người địa phương trở về nước sau khi bị nhiễm bệnh ở nước ngoài. Ví dụ, trong số 43 ca nhiễm được xác nhận mới vào ngày 26/03, có 29 người là đi du lịch nước ngoài, trong đó có 10 người là du học sinh. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày 14/03 đến 23/03 thì số ca nhiễm được xác nhận là 219 người, trong đó có 118 ca là các “trường hợp từ nước ngoài”, chiếm khoảng 54% trên tổng số.
Theo sự phát triển của tình hình dịch bệnh ở các quốc gia khác, nếu có nhiều trường hợp là từ nước ngoài đến, nó sẽ dần dần phát triển thành lây nhiễm cộng đồng, và dịch bệnh sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Du thuyền Diamond Princess là một ví dụ điển hình nhất. Một bệnh nhân Hồng Kông đã từng đi trên chuyến tàu, đã lây nhiễm đáng kể cho nhiều hành khách đến sau. Một ví dụ khác là vào ngày 14/03, có 4 sinh viên trường Đại học Công nghiệp Kyoto Nhật Bản đã đến 5 quốc gia châu Âu để ăn mừng tốt nghiệp. Sau khi trở về nước, có 3 người được chẩn đoán bị viêm phổi Vũ Hán. Ba người này đã tham gia các hoạt động xã hội khác nhau khiến cho virus lây lan cho ít nhất 39 người tại 11 quận huyện.
Tuy nhiên, tình hình ở Hồng Kông lại là một ngoại lệ, nó không giống với thực tế ở các nước khác là virus đang lây nhiễm một cách nhanh chóng và rộng rãi.
Thật lạ lùng thay, Đài Loan và Hồng Kông vốn được thế giới xem là hai khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao nhất, nhưng đến nay tình hình dịch bệnh của hai nơi vẫn được kiểm soát thành công. Hai nơi này, có một đặc điểm chung nổi bật là: “Chống lại ĐCSTQ”.
Hồng Kông chia sẻ bí quyết phòng chống dịch bệnh với thế giới: “Diệt ĐCSTQ bảo bình an”
Năm 2019, người dân Hồng Kông đã tỏ ra bất mãn với “Dự luật dẫn độ” của Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Vào ngày 15/03/2019 và ngày 09/06/2019 đã nổ ra 2 cuộc biểu tình quy mô lớn, bởi người dân lo lắng dự luật này sẽ làm suy yếu đi nền tư pháp độc lập của Hồng Kông dưới chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Sau đó, cuộc biểu tình dần dần phát triển thành hoạt động toàn dân kháng chiến “chống ĐCSTQ” về hình thái ý thức, người dân đưa ra “5 yêu cầu lớn” đối với chính phủ, bao gồm: Rút lại hoàn toàn Dự luật dẫn độ, rút lại việc định tính người biểu tình là bạo loạn, rút lại những lời buộc tội người biểu tình, truy cứu việc cảnh sát lạm dụng quyền lực, lập tức thực hiện Quyền bầu cử phổ thông kép thật sự, cùng những yêu cầu khác.
Trong các cuộc kháng nghị, những người biểu tình ở Hồng Kông giơ các khẩu hiệu “Trời diệt Trung Cộng” ở khắp mọi nơi, người dân Hồng Kông hiểu rằng chỉ khi ĐCSTQ sụp đổ, Hồng Kông mới có thể có được nền dân chủ thực sự.
Phòng dịch là “Thuật”, kháng ĐCSTQ là “Đạo”
Nhà bình luận Nhan Đan trong một bài viết nói rằng: “Xuyên suốt nền văn hóa Trung Quốc là một chữ ‘Đạo’, người xưa cho rằng cái ‘Đạo’ này kiểm soát tất cả hoạt động sinh sống của vạn vật, vì thế con người muốn có thành tựu thì phải thuận theo Thiên Đạo”.
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, còn giảng về một khái niệm gọi là “Thuật”, chữ ‘thuật’ trong ‘phương thuật’, ‘thuật số’, ‘kỹ thuật’, ‘tương đương với khoa học tự nhiên của xã hội hiện đại’. “Thuật” là biểu hiện cụ thể trong một phạm vi cụ thể của “Đạo”; thông thường là “thể hiện về phương diện chi tiết của vật chất”; “vậy nên Đạo là gốc, Thuật là ngọn. Đạo là linh hồn, Thuật là vật thể”.
Hai yếu tố này nếu phản ánh đến việc phòng chống dịch bệnh thì nhìn nhận thế nào? Các phương pháp điều trị y tế và các chính sách ngừa dịch của chính phủ đều được xem là biểu hiện của Thuật, nhưng điều quan trọng hơn và có lẽ là điều cốt lõi trong việc phòng chống dịch chính là ‘Thuận theo Thiên Đạo’.
Vậy “Đạo” trong việc phòng chống dịch là gì? Nhan Đan nói: “Nếu muốn chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả và có trật tự như Đài Loan, thì trước sự tấn công của virus hãy bảo toàn lực lượng, không tạo điều kiện cho virus phát huy, hãy làm hết sức để bảo đảm an toàn sức khỏe và phúc lợi cho người dân, phải giữ vững được cái Đạo – là tinh thần ‘chống cộng’. Điều quan trọng là phải giữ vững được Đạo, đây cũng là thể hiện của việc ‘Thuận theo Thiên Đạo’”.
Bà Chu Uyển Kỳ – Luật sư nhân quyền Đài Loan cũng chỉ ra rằng: “Điểm cốt lõi và trọng tâm mà cộng đồng quốc tế nên học hỏi từ kinh nghiệm của Đài Loan là: Kháng dịch và kháng cộng là không thể tách rời”.
Bà nói rằng: “Rất nhiều quốc gia thất thủ trước dịch bệnh lại không phải là những quốc gia có nền y tế hay nền văn minh lạc hậu, người ta nhận ra điểm chung của những quốc gia này là: vì cân nhắc đến lợi ích trong mối quan hệ với ĐCSTQ mà xem nhẹ sự phát triển của dịch bệnh. Ví dụ như, sự khác biệt lớn nhất giữa Đài Loan với hai nước châu Á đang có tình hình nhiễm bệnh nghiêm trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc không phải nằm ở kỹ thuật điều trị y tế, mà là thái độ đối với ĐCSTQ”.
Theo Secret China