Các công ty bất động sản ở Đại lục đang phải đối diện với những khoản nợ khổng lồ. Dữ liệu mới nhất cho thấy trong tương lai số nợ mà 76 công ty bất động sản sẽ phải trả lên đến 2,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 366 tỷ USD) mỗi năm, trong đó Evergrande Group có số nợ cao nhất, lên tới 395.7 tỷ nhân dân tệ (57 tỷ USD). Đang có rất nhiều lời đồn về việc công ty bất động sản nào sẽ kích nổ mỏ nợ.
Trang Finance.sina.com.cn đưa tin vào ngày 27/9, theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Nam Đô thực hiện về tình hình nợ của các công ty bất động sản, số nợ mà 76 công ty bất động sản ở Trung Quốc đại lục đến hạn phải trả trong vòng một năm là hơn 2.5 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT), chiếm khoảng 35% tổng nợ lãi. Tính theo chi phí tài trợ bình quân là 7%, số lãi phải trả hàng năm là hơn 170 tỷ NDT.
Trong đó, 4 công ty phải trả lãi hơn 100 tỷ NDT trong vòng một năm là Evergrande, Sunac, Greenland Holdings và Country Garden, lần lượt là 395,7 tỷ, 140,6 tỷ, 121,4 tỷ và 105,8 tỷ. Có 6 công ty phải trả lãi từ 50 tỷ đến 100 tỷ NDT trong vòng một năm, đó là Vanke, Huaxia, R&F Properties, Tahoe Life, China Merchants và China Poly Group. Có 30 công ty có khoản nợ ngắn hạn từ 10 tỷ đến 30 tỷ, chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Nhìn chung, trên 60% các công ty bất động sản có khoản nợ ngắn hạn từ 10 tỷ đến 50 tỷ NDT.
Hiện tại, các công ty bất động sản không chỉ đứng trước áp lực các khoản nợ vay quá lớn, mà trước tình hình khủng hoảng, doanh số bán hàng của các công ty bất động sản ngày càng giảm, việc thanh toán cũng bị chậm lại.
Trong những năm trước, các công ty bất động sản có thể vay nợ mới để trả nợ cũ, hoặc ra nước ngoài để gây quỹ, nhưng kể từ năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thắt chặt các kênh tài trợ cho các công ty bất động sản. Vào ngày 20 tháng 8 năm nay, ĐCSTQ cũng đã đặt ra “ba lằn ranh đỏ” đối với các dự án bất động sản, và quy định chặt chẽ các khoản tài trợ cho doanh nghiệp bất động sản đã chạm đến ranh giới đỏ.
Vào ngày 24/9, một lá thư kêu cứu của công ty bất động sản hàng đầu ở Đại lục Evergrande Group gửi Chính quyền ĐCSTQ ở tỉnh Quảng Đông đã bị lộ ra trên mạng. Có 3 người trong cuộc đã xác nhận tính chân thực của bức thư này với Reuters.
Trong bức thư, Evergrande đề nghị Chính quyền tỉnh Quảng Đông thúc đẩy sớm hoàn thành việc tái tổ chức Tập đoàn Evergrande và Công ty TNHH Bất động sản đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Tập đoàn Evergrande đã tiến hành tái tổ chức và niêm yết Công ty Bất động sản Thâm Quyến vào tháng 10 năm 2016, hy vọng sử dụng việc tái tổ chức để được niêm yết cổ phiếu A và cấp vốn, nhưng trong bốn năm qua, quá trình này vẫn luôn bị trì hoãn.
Một quản lý cấp cao ở công ty ủy thác cho rằng, tỷ lệ nợ của Evergrande vốn đã cao, nếu không có sự hỗ trợ nào sau sự cố này, mà chức năng tái cấp vốn bị hạn chế, không loại trừ khả năng phải tái cơ cấu hoặc tái tổ chức để trả nợ, Tahoe chính là một vết xe đổ trong quá khứ.
Về việc liệu ĐCSTQ có giúp đỡ Evergrande hay không, giáo sư Tạ Điền tại học viện kinh doanh Aiken thuộc trường Đại học South Carolina cho biết: “Evergrande đã đặt ra vấn đề nan giải cho chính quyền ĐCSTQ, nếu ĐCSTQ muốn cứu nó, áp lực sẽ rất lớn, có thể sẽ ngay lập tức có các công ty khác bắt đầu khóc lóc, bắt đầu kêu gào và yêu cầu sự giúp đỡ. Các khoản nợ chính phủ sẽ tăng, lạm phát sẽ tăng, bong bóng kinh tế sẽ càng lớn. Nếu không cứu nó, sự sụp đổ như vậy sẽ kéo theo nhiều sự sụp đổ hơn, nền kinh tế sẽ ngay lập tức rơi xuống đáy và vỡ tan hoàn toàn”.
Tạ Điền nói, “Chính quyền ĐCSTQ lợi dụng những bất động sản này để kích thích nền kinh tế, bây giờ nền kinh tế bất động sản đã quay lại trói chặt ĐCSTQ”.
Hà Thanh Liên, chuyên gia kinh tế tại Mỹ đã phân tích rằng, Evergrande là một mô hình thu nhỏ của ngành bất động sản Trung Quốc, bong bóng bất động sản mà vỡ, thì đó là cơn ác mộng đối với chính phủ, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đại đa số người dân Trung Quốc. “Mối đe dọa” mà Evergrande đề ra cho chính phủ, thực ra không phải là một “mối đe dọa”, mà là một viễn cảnh sắp sửa xảy ra.
Minh Huy (Theo Epoch Times)