Đây là một bức thư ngỏ của Anastasia Lin, Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015, được công bố trên tờ The Washington Post. Người đẹp đã lên tiếng phản ánh tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc, và hiện cha cô đang bị chính quyền nước này đe dọa. Ông khẩn cầu cô phải im lặng vì ông sợ hãi. Cô sẽ phải làm gì đây?
“Cha tôi chưa bao giờ tự hào về tôi đến thế khi tôi được trao vương miện Hoa hậu Thế giới Canada vào Tháng 5 vừa qua. Đây là một vinh dự khôn tả vì tôi có thể đại diện cho đất nước mình đứng trên sân khấu quốc tế. Với cha tôi, người hiện đang sống ở Trung Quốc, điều này như một minh chứng rằng hết thảy những nỗ lực mà ông hỗ trợ tôi đã được đền đáp.
Mặc dù việc tiếp cận với thông tin ở Trung Quốc rất hạn chế, nhưng tin tức về chiến thắng của tôi đã nhanh chóng lan rộng tại quê hương Hồ Nam, cha tôi và tôi đã nhận được rất nhiều những lời chúc mừng. Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng trở nên xấu đi. Chỉ một vài tuần sau khi tôi đăng quang, cha tôi lại sợ việc phải nói chuyện với tôi.
Lý do cho điều này dường như quá quen thuộc với người dân Trung Quốc, những người dám nói lên những suy nghĩ của mình khi đang sống ở nước ngoài.
Ngay sau chiến thắng của tôi, cha bắt đầu nhận được những lời đe dọa từ các mật vụ an ninh Trung Quốc, phàn nàn về các cuộc vận động nhân quyền của tôi. Là một diễn viên, tôi thường xuyên đảm nhận các vai diễn trong các bộ phim và các tác phẩm truyền hình làm sáng tỏ về tham nhũng và đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, tôi muốn trở thành Hoa hậu thế giới Canada cũng bắt đầu từ những khát khao đó.
Lo ngại cho kế sinh nhai và việc kinh doanh của mình, cha tôi buộc tôi phải chấm dứt vận động nhân quyền. Ông nói với tôi rằng nếu tôi không dừng lại, tôi và ông sẽ đường ai nấy đi.
Nhiều người ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc đều trải qua những kinh nghiệm tương tự. Thậm chí sau khi họ di cư đến phương Tây, Đảng Cộng sản lại sử dụng các thành viên gia đình của họ ở Trung Quốc để làm công cụ bịt miệng và đe dọa.
Trong nhiều trường hợp, các thành viên gia đình được các nhân viên cơ quan an ninh “mời trà nước”, sau đó đưa ra những lời đe dọa mơ hồ về việc trả đũa nếu thân nhân của họ ở nước ngoài không nghe lời. Phương pháp này gợi lại về cách thức được sử dụng trong cuộc Cách mạng Văn hóa, trẻ em được khuyến khích tố cáo và cung cấp tin tức về cha mẹ của chúng, các thành viên gia đình quay lưng lại với nhau dưới sự đe dọa bức hại.
Một số người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người đã sống qua cuộc Cách mạng Văn hóa và các chiến dịch sau này, đã tiếp thu bài học rằng không bao giờ được chỉ trích chính quyền. Điều đó giải thích tại sao ngoài việc nhận được nhiều tin nhắn ủng hộ, tôi cũng nhận được thư từ những người Trung Quốc nói với tôi rằng hãy bớt gay gắt về vấn đề nhân quyền, vì họ cho rằng điều đó liên quan đến chính trị. Nhưng với tôi, đó không phải là một vấn đề chính trị. Đó là giá trị phổ quát của con người mà không bao giờ được phép tước đoạt.
Nhiều người đã hỏi tôi tại sao tôi vẫn tiếp tục lên tiếng sau khi cha tôi bị đe dọa. Câu trả lời rất đơn giản: Nếu tôi cho phép bản thân mình bị đe dọa, như vậy tôi đã đồng lõa với hành vi vi phạm nhân quyền. Nếu tôi và những người khác có cùng mối quan tâm như tôi cho phép bản thân mình im lặng, Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục lộng hành mà không bị trừng phạt.
Mặc dù cá nhân tôi không trải qua cuộc đàn áp (tôi chuyển đến Canada khi tôi 13 tuổi), những vai diễn của tôi khiến tôi đồng cảm hơn với những câu chuyện và trải nghiệm của những người trong cuộc. Trong một bộ phim, được dựa trên một câu chuyện có thật, tôi đã diễn vai một học viên Pháp Luân Công bị cầm tù trong một trại lao động ở Trung Quốc, người này đã không từ bỏ niềm tin của mình, ngay cả sau khi bị tra tấn một cách đau đớn. Tôi đã có được dũng khí từ những câu chuyện như vậy, và tôi tin rằng chúng phải được lắng nghe.
Trên thế giới này, để đạt được những thay đổi tích cực đòi hỏi sự hy sinh và rủi ro. Hàng triệu người dân Trung Quốc từ xưa đến nay can đảm hơn tôi rất nhiều đã gánh chịu những rủi ro này, họ đã bị giam cầm, tra tấn, hoặc tệ hơn nữa. Bởi giữ vững niềm tin và tiêu chuẩn của mình, chúng ta nên vinh danh sự hy sinh của họ. Chưa kể những nỗ lực đó có thể làm tổn thương đến những người gần gũi với chúng ta nhất. Tôi rất đau lòng khi cha tôi nhắn tin yêu cầu tôi im lặng. Tôi đã vật lộn với suy nghĩ cần phải làm gì, cân nhắc điều gì là đúng cho bản thân mình, cho cha tôi, cho tất cả những người bên trong Trung Quốc và những người đã ra đi tìm kiếm cuộc sống mới ở các nước tự do. Chúng ta đều sống dưới sự đe dọa của chính quyền Trung Quốc. Chúng ta chấp nhận một các quá dễ dàng loại hình ép buộc này như một chuẩn mực xã hội, đổ lỗi cho những người đứng ra lên tiếng chứ không phải là những người đang cầm nắm dùi cui.
Nhưng sự im lặng sẽ không bảo vệ được cha tôi, và ngay cả khi ông không thể hiểu hoặc chấp nhận lý do tại sao tôi nói ra, tôi biết rằng ông sẽ an toàn khi nhận được sự chú ý của quốc tế, hơn là sống trong bóng tối với sự săn lùng của những kẻ độc tài.
Ngày tháng sẽ qua đi, và sự chú ý này sẽ mất dần. Xin đừng quên cha tôi và hàng triệu gia đình như chúng tôi. Rời Trung Quốc rồi vẫn không thể có tự do, khi mà bạn bè và gia đình lại trở thành con tin trong tay của họ”.
Thiên Long, theo Vision Times