Người biểu tình phản đối Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã kêu gọi quân đội can thiệp để lật đổ chính phủ nước này.
Nếu thoáng nhìn qua, chẳng có gì quá bất thường trên một góc phố đông đúc của thủ đô Brasilia: một phụ nữ cười toét miệng, mặt được sơn những màu sắc biểu tượng của lá cờ Brazil. Tuy nhiên, điều bất thường ở đây là cô này không xuống đường cổ vũ cho đội tuyển bóng đá quốc gia. Thay vào đó, tấm áp phích người phụ nữ đang cầm trên tay lại kêu gọi đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân cử, theo Reuters.
Trong những ngày qua, hàng trăm ngàn người đổ ra các con đường tại 14 trong 26 bang của quốc gia Nam Mỹ để phản đối đảng Lao động (PT) cầm quyền của Tổng thống Rousseff. Ngoài chuyện một lần nữa lặp lại cáo buộc rằng nhà nữ lãnh đạo ủng hộ cho tình trạng tham nhũng và yêu cầu bà hãy từ chức hoặc đối mặt với luận tội, một số người còn giơ cao áp phích kêu gọi quân đội hãy có động thái can thiệp bằng vũ lực.
Những người phản đối bày tỏ sự giận dữ trước bê bối tham nhũng lớn nhất kể từ thập niên 1980, xoay quanh Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Hiện cuộc điều tra đang tập trung vào các cáo buộc cho rằng một số công ty xây dựng lớn nhất nước đã đút lót cho giới quan chức để giành được gói thầu trị giá 23 tỉ USD với Petrobras. Vào tháng 3, Tòa án tối cao Brazil đã thông qua cuộc điều tra đối với 54 người có liên quan đến vụ bê bối rung chuyển quốc gia. Dù Tổng thống Rousseff không nằm trong nhóm nghi can, nhiều người biểu tình vẫn gây sức ép buộc quốc hội tiến hành luận tội nhà lãnh đạo từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Petrobras. Sự ủng hộ của dư luận đối với nữ tổng thống cũng tụt dốc mạnh sau khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1.2015. Chỉ có 13% số dân Brazil hài lòng với cách thức bà Rousseff dẫn dắt đất nước.
Nỗi ám ảnh quá khứ
Lần đảo chính quân sự gần đây nhất tại Brazil diễn ra vào năm 1964, khi quân đội với sự hậu thuẫn của Mỹ (theo tài liệu giải mật của Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ) đã lật đổ Tổng thống Joao Goulart và kể từ đó Brazil rơi vào thời kỳ đen tối với sự thống trị tàn bạo và độc đoán của chính quyền quân sự. Do vậy, giới quan sát đã nhận định mối đe dọa đảo chính thật sự là một cơn ác mộng đối với Brazil, theo trang Business Insider. Nhà báo Linette Lopez của Business Insider đã viết: “Không khó hiểu khi dân Brazil lên tiếng phản đối nhưng chuyện kêu gọi đảo chính quân sự lại là một sự gợi nhớ ớn lạnh về điều thường xuyên là giải pháp thường trực tại Mỹ La tinh. Chính quyền quân sự đã kiểm soát Brazil một cách độc tài từ năm 1964 – 1985. Đó là một thể chế đã từng tra tấn đương kim Tổng thống Brazil khi bà còn trẻ”. Và Brazil vào ngày 1.4 vừa kỷ niệm 51 năm ngày nổ ra cuộc binh biến khắc sâu vào trí nhớ của người dân nước này.
May mắn cho nền dân chủ Brazil là các binh sĩ nước này tỏ ra lạnh nhạt với lời kêu gọi nói trên. Trang tin Latin Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Jacques Wagner ngày 14.4 khẳng định quân đội không có ý định hành động vì những người kêu gọi lật đổ chính phủ chỉ đại diện “một nhóm nhỏ” trong hàng trăm ngàn người biểu tình. “Khả năng quân đội ủng hộ chuyện lật đổ chính phủ hầu như không có”, theo Bộ trưởng Wagner.
Thụy Miên |
Theo Thanh Niên