Tinh Hoa

Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia nhận giải Nobel Hòa bình

Giải Nobel Hòa bình 2015 đã được tặng cho nhóm bốn tổ chức hay Bộ tứ đã đỡ đầu cho cuộc Đối thoại Dân tộc Syria sáng 9/10. Bộ tứ này được nhìn nhận đã có “đóng góp quyết định” vào tiến trình chuyển đổi dân chủ hết sức khó khăn của Tunisia, cái nôi của phong trào Mùa Xuân Ả Rập.

Bộ tứ vì Đối thoại dân tộc Tunisia ngày 21/10/2013 trong một cuộc họp báo.

Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao tặng bởi một Ủy ban gồm có 5 người được lựa chọn bởi Quốc hội Na Uy.

Năm ngoái, giải thưởng Nobel Hòa bình được đồng trao tặng cho Kailash Satyarthi của Ấn Độ và Malala Yousafzai của Pakistan.

Trước khi công bố, nhiều dự đoán cho rằng Giải Nobel Hòa bình năm nay sẽ có liên quan tới cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, các cuộc đàm phán hòa bình tại Colombia hay thỏa thuận hạt nhân Mỹ – Iran…

Vì vậy, việc Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia được trao giải Nobel Hòa bình là hết sức bất ngờ. Trước đó, các tổ chức nói trên đã không có mặt trong nhóm các ứng cử viên hàng đầu của giải thưởng cao quý này (như Giáo hoàng Phanxicô, Thủ tướng Đức Merkel, hay một bác sĩ người Congo).

Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia bao gồm UGTT, công đoàn lâu đời, từng đóng góp lớn cho nền độc lập Tunisia, UTICA (Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và nghề Thủ công Tunisia), tổ chức của giới chủ, Liên đoàn nhân quyền Tunisia và hiệp hội luật sư.

Ủy ban Nobel Hòa bình nhấn mạnh: Chính Bộ tứ này đã khởi động một “tiến trình chính trị mới để mang lại giải pháp thay thế, trong hòa bình, đúng vào lúc đất nước bên bờ nội chiến”. Các tổ chức của xã hội dân sự nói trên đã thiết lập một cuộc “đối thoại quốc gia lâu dài và khó khăn” giữa nhóm cầm quyền theo chủ thuyết Hồi giáo và đối lập. Bộ tứ này đã buộc hai nhóm nói trên phải lắng nghe nhau, nhằm đưa Tunisia thoát khỏi một sự tê liệt về thể chế.

Giải thưởng Nobel Hòa bình vừa được trao là một vinh danh đối với “thành công của tiến trình quá độ dân chủ tại Tunisia”, trong số tất cả các phong trào Mùa Xuân Ả Rập, chỉ duy nhất có Tunisia là đạt được một chuyển đổi thành công, “với các cuộc bầu cử được công nhận, và các định chế dân chủ”. Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia đã đóng vai trò to lớn trong việc thiết lập nên một hệ thống điều hành đất nước dựa trên Hiến pháp.

Cuộc nổi dậy dẫn đến chuyển đổi dân chủ tại Tunisia năm 2011 được coi là cuộc cách mạng không đổ máu, bùng lên sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán hàng rong.

Ủy ban Nobel Na Uy bày tỏ hi vọng giải Nobel Hòa bình 2015 sẽ đóng góp vào nền dân chủ Tunisia và là niềm cảm hứng đối với tất cả những người đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình và dân chủ tại Trung Đông, Bắc Phi và phần còn lại của thế giới.

Theo vi.rfi.fr