Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng, “hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung” một chỗ ở nước ngoài và điều này sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia.
Sáng 8/11, đại biểu Tô Bích Châu (TP.HCM) đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp xây dựng thương hiệu mạng xã hội Việt Nam để vừa quản lý nguồn tin vừa phát triển kinh tế.
90 triệu người sẽ dùng mạng xã hội Việt Nam
Bà Châu nói rằng, bản thân bà thấy rất tiếc khi Bộ trưởng cho biết hiện 50 triệu người Việt Nam đang sử dụng Facebook nhưng lại không thấy có giải pháp nào để xây dựng thương hiệu mạng xã hội Việt Nam.
Đồng quan điểm với bà Châu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng bày tỏ lo lắng khi người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài cao hơn rất nhiều so với các mạng xã hội trong nước.
Trước những thắc mắc và lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc đầu tiên ông làm sau khi nhận chức bộ trưởng, cụ thể là chỉ 15 ngày sau nhận chức, là thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam, đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.
Theo số liệu của ông Hùng, sau một năm thành lập thì mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, từ 50 triệu lên 65 triệu người dùng. Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của người dân.
‘Não người Việt không nằm ở Việt Nam sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia’
Ở một phương diện khác, ông Hùng nhận định rằng, số người Việt hiện đang dùng Facebook, Twitter, Google, Instagram… tại Việt Nam là khoảng 90 triệu, riêng Facebook là 50 triệu.
“Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì… đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia”, ông nói.
Theo đó, ông Hùng cho rằng, phải phân tán dữ liệu đó để tạo ra sự an toàn. Nếu như mỗi người Việt dùng một mạng xã hội thì thông tin của chúng ta sẽ không tập trung 100% vào đâu cả. “Chúng ta phân tán dữ liệu đó ra và tạo ra sự an toàn”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng. Ngoài ra, đất nước đã mở cửa, chúng ta phải mời doanh nghiệp vào làm ăn, nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam…
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm:
- Gapo: Mạng xã hội Việt Nam mới ra, đầu tư 500 tỉ, cạnh tranh với Facebook?
- Chính phủ Trung Quốc giả mạo gần 450 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm
- Bộ trưởng TTTT: Việt Nam ‘nên làm mạng xã hội, công cụ tìm kiếm thay Facebook, Google’