Trong 10 phút ngắn ngủi, đạo diễn người Thụy Điển Mathias Magnason đã đem đến một sự thật mà không phải ai cũng biết. Bộ phim ngắn đã khiến nhiều người xem thực sự xúc động.
Đó là sự thật về “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công“, một môn tu luyện theo trường phái Phật gia bị bức hại tại Trung Quốc suốt hơn 16 năm qua.
Bộ phim gói gọn những điểm nổi bật nhất về cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với những con người tu theo Chân – Thiện – Nhẫn mà vào những năm 90 của thế kỷ trước đã được người dân nước này đón nhận nồng nhiệt.
Được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng từ năm 1992, Pháp Luân Công đã mở ra một con đường mà người dân Trung Quốc lúc bấy giờ đang tìm kiếm và chờ đợi: Được quay về sống với đúng bản chất thiện lương của con người, thực hành theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong đời sống, gây dựng lại sự tin tưởng và lòng bao dung giữa người với người vốn đã bị xáo trộn qua hàng loạt các cuộc vận động chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Cho đến nay, mặc dù luôn bị đàn áp tại chính quê hương của mình, Pháp Luân Công vẫn phát triển rộng khắp tại hơn 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với số lượng người tập ước tính hơn 100 triệu người.
Mục tiêu bị đàn áp tiếp theo
Khi được hỏi về thông điệp của bộ phim và lý do vì sao lại gọi những người tu Pháp Luân Công là “mục tiêu bị đàn áp tiếp theo”, đạo diễn Mathias đã cho biết:
“Một trong những điều gây ấn tượng mạnh với tôi khi thực hiện bộ phim là việc đọc được các tài liệu cho thấy rất nhiều nhóm người khác nhau đã từng bị bức hại tại Trung Quốc kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949. Không chỉ các nhóm tín ngưỡng như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo, Tây Tạng, hay Hồi giáo, mà cả các nhà báo, các luật sư nhân quyền, các nhóm dân chủ, trí thức, nghệ sĩ, v.v…”.
“Vào những năm 70 diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa, hơn 7 triệu người đã bị giết hại, còn năm 1989 là vụ Thảm sát Thiên An Môn mà chúng ta đều biết đến. Rồi đến Pháp Luân Công, môn tập được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, chỉ thông qua hình thức truyền miệng đã phổ biến tới 100 triệu người chỉ trong vòng 7 năm. Điều này vượt qua tầm kiểm soát của chính quyền, vì thế không lạ gì khi chính quyền đàn áp môn tập này”.
“Vì vậy với tôi, Pháp Luân Công là một ‘mục tiêu tiếp theo’. Đó không phải là điều gì mới mẻ đối với chính quyền Trung Quốc, sự khác biệt ở chỗ đây là lần đầu tiên cuộc đàn áp của họ thất bại. Pháp Luân Công ngày càng được công chúng chấp nhận, tôi nghĩ đặc biệt là vì cách phản kháng thiện lương của họ đối với cuộc bức hại này. Họ chưa bao giờ dùng vũ lực”.
Lên tiếng cho những người không có tiếng nói
Chia sẻ về nguyên nhân thôi thúc khi thực hiện bộ phim này, đạo diễn Mathias nói:
“Tôi nghĩ rằng đây là câu chuyện liên quan đến rất nhiều người, những gia đình và cuộc sống bị tan vỡ mà những năm qua tôi luôn chú ý đến, thế nhưng giới truyền thông lại lãng quên trong thời điểm hiện tại. Điều đó chạm đến tâm hồn tôi. Tôi hiểu rằng việc nâng cao nhận thức của người dân sẽ giúp ích được những người đó. Do vậy tôi cảm thấy thôi thúc phải thực hiện bộ phim này.
Chưa từng có một bộ phim ngắn nào được thực hiện về Pháp Luân Công trước khi chúng tôi bắt đầu công việc này, một bộ phim ngắn đủ để người ta có thể xem trong lúc uống cafe, giữa những cuộc gặp gỡ, hay đại loại như thế. Người ta ngày nay không có đủ thời gian để ngồi xuống và xem một bộ phim tài liệu dài một tiếng đồng hồ, vì thế ý tưởng về một bộ phim ngắn đã xuất hiện.
Đó cũng là cái khó nhất, vì với 10 phút ngắn ngủi bạn sẽ kể câu chuyện này theo cách nào đây? Tôi nghĩ rằng đó cũng lại chính là một nguồn cảm hứng”.
Nhằm hoàn tất bộ phim, đạo diễn Mathias đã mất một năm để thu thập cho đủ các cuộc phỏng vấn. Ông và ê kíp của mình đã xây dựng cốt truyện và chỉnh sửa hậu kỳ các thước phim vào dịp cuối tuần hay những buổi tối muộn trong vòng một năm. Năm đến sáu cốt truyện đã được đưa ra trước khi chốt lại nội dung cuối cùng.
Thông qua quá trình thực hiện bộ phim, ông còn biết tới các phương thức tra tấn của ĐCSTQ đối với người tu Pháp Luân Công được miêu tả bởi hai nhân chứng. Đó quả thật là một cú sốc, trước đây ông chưa từng nghe qua những điều như thế.
Các nhân chứng tham gia bộ phim này phải thực sự can đảm và chấp nhận nguy hiểm theo như ông kể:
“Chúng tôi tìm kiếm những người đã trải qua thời gian Pháp Luân Công được giới thiệu và truyền rộng khắp Trung Quốc, đồng thời cũng trải qua khoảng thời gian bị bức hại sau này. Chúng tôi muốn bộ phim trở thành một câu chuyện của họ, chứ không phải là ‘những gì mà các chuyên gia nghiên cứu nói’.
Có rất nhiều trường hợp học viên Pháp Luân Công Trung Quốc sống tại Mỹ bị đe dọa cả về thể xác lẫn tinh thần nếu họ công bố câu chuyện của mình, và vì cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn nên điều đó có thể xảy ra cho bất cứ ai tham gia làm phim”.
Trong bộ phim có đề cập đến chi tiết vụ tự thiêu giả mạo tại quảng trường Thiên An Môn. Đạo diễn Mathias cho biết điều đó thật đáng buồn. ĐCSTQ đã dùng những người không tu luyện Pháp Luân Công để dàn dựng vụ tự thiêu, lấy đó làm cớ để đổ tội cho Pháp Luân Công.
Sau khi dùng người xong, họ lập tức trở thành nạn nhân bị giết hại bởi chính ĐCSTQ. Nhiều hãng truyền thông phương Tây đã nhìn thấu sự việc này, nhưng tại Trung Quốc, nó đã gây ra một ảnh hưởng rộng lớn, khiến những người không biết về Pháp Luân Công vào thời điểm đó đã có ấn tượng xấu về môn tập.
Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế đều báo cáo về tình trạng bắt bớ và tra tấn học viên Pháp Luân Công gia tăng ngay sau khi vụ dàn dựng tự thiêu diễn ra. Ông Mathias kể:
“Chính quyền Trung Quốc cũng truyền bá bản tin về sự kiện này tới mọi cơ quan truyền thông trên thế giới, và mặc dù, như tôi đã nói, có một số hãng tin nhìn thấu sự việc, một số khác thì không, và tôi nghĩ nhiều người cho rằng Pháp Luân Công là xấu vào thời điểm đó. Tôi nghĩ điều đó đã giáng một đòn nặng vào tất cả con người trên thế giới này. Khi mà mọi người đều bị lừa dối, trên một phạm vi rộng lớn như thế, thì đó là một đòn rất nặng”.
Thông qua bộ phim, đạo diễn Mathias cũng gửi gắm hy vọng của mình đến các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới. Ông nói:
“Tôi nghĩ báo chí nên đưa tin nhiều hơn về vấn đề này, và nên mời các học viên Pháp Luân Công tới để kể về câu chuyện của họ, trên TV, radio, báo chí, v.v… Đó chính là điều mà các cơ quan truyền thông nên làm, lên tiếng cho những người không có tiếng nói”.
Theo Daikynguyenvn