Phần 1 và 2 của phim Chihayafuru từng được chiếu mở màn tại Liên hoan phim Nhật 2016 đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Giờ đây, bộ phim gồm cả phần 3 mới ra mắt đã và đang được trình chiếu tại Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam.
Bộ phim Chihayafuru, đã và đang được trình chiếu tại Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam – Japanese Film Festival in Vietnam, là một bộ phim học đường Nhật Bản. Tại Nhật Bản, khi vào trường học, các bạn học sinh sẽ phải tham gia vào một câu lạc bộ ngoại khóa (tuy không bắt buộc nhưng hầu hết các bạn đều tham gia). Trong ba phần của bộ phim Chihayafuru, nhân vật chính là một nhóm bạn trong câu lạc bộ chơi bài cổ Karuta, một môn chơi bài lá dựa trên 100 bài thơ cổ của Nhật Bản, ra đời từ thế kỷ 19 thời Minh Trị Duy Tân.
Nhân vật truyền cảm hứng nhất chính là cô bé Chihaya Ayase, mang trong mình một niềm đam mê với Karuta. Cô cùng với cậu bạn “thanh mai trúc mã” Taichi Mashima – chơi Karuta vì yêu thích Chihaya, và Arata Wataya – thiên tài Karuta và là hậu duệ của bậc thầy Karuta Nhật Bản, tạo nên một tam giác đa màu sắc.
Điều đáng nói ở bộ phim này chính là niềm yêu thích đặc biệt của các bạn với nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Bề mặt là thể hiện qua những bộ hakama (một dạng trang phục truyền thống như kimono nhưng phần thân dưới rộng rãi hơn và dễ di chuyển hơn) mà chỉ duy nhất đội của Chihaya mặc trong các trận đấu đồng đội, hay thể hiện qua niềm yêu thích và am hiểu đặc biệt về 100 bài thơ cổ trong Karuta của Kana, cô bé nhẹ nhàng và thục nữ nhất nhóm.
Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây chính là chơi Karuta đã dạy các em lòng tín Thần. Các em tin có một vị Thần dẫn dắt các em chơi Karuta, bảo vệ và đứng về phía các em trong những trận đấu “định mệnh”. Với các em, việc đến được với ngôi đền Omi, nơi tổ chức giải đấu hàng năm là một điều thiêng liêng và đáng tự hào. Đến với ngôi đền thiêng, các em được dạy phải đi ở hai bên cầu thang lên xuống lối vào đền, bởi vì ở giữa là lối đi của các vị Thần.
Cậu bé Taichi, chỉ vì một lần phạm lỗi và đi ngang qua tượng của vị Thần Karuta, mà đã mang trong mình cảm giác tội lỗi một thời gian dài. Việc của cậu làm không ai biết, nhưng cậu bé biết rằng, mình không giấu nổi các vị Thần, và cậu đã tin rằng, chính vì mình đã làm sai, nên các vị Thần đã bỏ rơi cậu, đó là lý do cậu luôn thua cuộc trong các trận đấu “định mệnh”.
Các em rất nghiêm túc học hỏi, tập luyện để thi đấu, nhưng không mảy may mang tâm lý hơn thua. Các em luôn muốn thách đấu hoặc đấu với người giỏi hơn, không phải để chứng minh mình giỏi, mà chính là để học hỏi thêm từ đối thủ. Chiến thắng của các em không phải là vượt qua đối thủ mà chính là vượt qua chính bản thân mình, vượt qua sự vị kỷ mà đặt quyền lợi đồng đội lên trên hết, vượt qua tâm lý thua kém để chơi với sự tập trung cao độ nhất, vượt qua quan niệm thắng thua để tìm thấy niềm hạnh phúc khi chơi Karuta.
Khi biết mình không thể chiến thắng đối thủ, các em vẫn chơi một cách nghiêm túc. Khi thắng hay thua cuộc, các em vẫn cúi đầu cảm ơn lẫn nhau, cảm ơn giám khảo đọc thơ. Khi xem bộ phim này, có lẽ các bạn sẽ hiểu, lễ tiết không phải cứ nói là sẽ làm được, mà đó chính là một truyền thống giáo dục tiếp nối đời đời.
Gắn kết với truyền thống, cung kính với thần linh và tinh thần thượng võ, chính là vài trong những điểm sáng của bộ phim Chihayafuru. Một lớp trẻ được nuôi dưỡng như vậy, thì sự phát triển thịnh vượng của Nhật Bản cũng không còn là điều khó hiểu. Hy vọng, Chihayafuru không chỉ đọng lại trong các bạn về những cô cậu bé xinh đẹp, đáng yêu, về tuổi học trò trong sáng, mà còn giúp cho các bạn trẻ chúng ta suy ngẫm nhiều hơn về cách chúng ta ứng xử với bạn bè, với các cuộc thi và với chính bản thân chúng ta.
Theo Facebook Liên Hoan Phim Nhật Bản Tại Việt Nam